Gần 20.000 người đang cần trợ giúp khẩn cấp sau trận động đất, sóng thần ở Palu và Donggala, đảo Sulawesi, Indonesia - theo số liệu của Liên Hợp Quốc.
Số người thiệt mạng tại Indonesia đã lên đến 1.234 người và hàng nghìn người mất tích.
Những người còn sống sót đang chiến đấu với cơn khát và cái đói, thiếu thốn thức ăn và nước sạch, bệnh viện đông nghẹt người bị thương.
Ngày 2.10, cảnh sát Indonesia cho biết trước đó họ đã dung thứ cho những người sống sót tuyệt vọng cướp đồ ăn và nước uống từ các cửa hàng đóng cửa, nhưng tình trạng này ngày càng gia tăng khiến cảnh sát đã bắt giữ 35 người đánh cắp máy tính và tiền mặt.
“Trong 2 ngày đầu tiên rõ ràng không có cửa hàng nào mở cửa. Mọi người đều đói. Có rất nhiều cần khẩn cấp. Đó không phải là vấn đề” - CNA dẫn lời phó cảnh sát trưởng quốc gia Ari Dono Sukmanto.
“Nhưng sau ngày thứ 2, nguồn cung thực phẩm bắt đầu đó, chỉ cần được phân phát, song tình trạng hỗn loạn bắt đầu xảy ra. Chúng tôi phải tái thi hành luật. Những cây ATM mở cửa, nếu mọi người cướp bóc, chúng tôi sẽ bắt và điều tra” - ông Sukmanto nói.
Đã có thông tin về việc cảnh sát bắn cảnh cáo và hơi cay để ngăn chặn người dân cướp bóc các cửa hàng ở Palu.
Mặc dù có những lời đảm bảo chính thức, song sự tuyệt vọng là điều dễ nhận thấy nhất ở Palu. Những người sống sót lục lọi các đống đổ nát để lùng sục bất cứ gì có thể cứu vãn.
Những người khác đổ dồn về những toà nhà còn có điện, hoặc xếp hàng chờ nhận nước, tiền mặt hoặc xăng do một đoàn xe cảnh sát vũ trang mang đến.
“Chính phủ, tổng thống đã đến đây, nhưng những gì chúng tôi thực sự cần là đồ ăn và nước uống” - Burhanuddin Aid Masse, 48 tuổi, nói.
Những hàng dài chờ đợi để nhận vài lít xăng kéo dài hơn 24 tiếng ở một số nơi.
Vệ sinh cũng là một vấn đề đáng lo ngại. “Mọi người ở khắp nơi muốn đi vệ sinh nhưng không đâu có nhà vệ sinh. Vì vậy, chúng tôi cứ đi ra đường vào ban đêm” - Armawati Yarmin, 50 tuổi, cho biết.
Những nỗ lực cứu hộ đang bị cản trở bởi thiếu máy móc hạng nặng, đường sá bị chia cắt, quy mô thiệt hại lớn.
Dọc theo con đường đến Donggala, thành phố gần tâm chấn động đất, cảnh huỷ diệt còn thảm khốc hơn. Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất rất khó tìm được một bề mặt thẳng đứng.
Cư dân Farid, 48 tuổi, tuyệt vọng cầu cứu: “Đừng tập trung tất cả viện trợ vào Palu. Chúng tôi ở Donggala chẳng có gì cả”.
Như để nhắc nhở thế giới về sự mong manh kiến tạo của Indonesia, một loạt trận động đất đã tấn công đảo Sumba hôm 2.10, cách Palu hàng trăm kilomet.
Tác giả bài viết: NGỌC VÂN
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn