Giải quyết tranh chấp đất của tộc họ Nguyễn ở Bình Định: VÌ SAO NGUYÊN ĐƠN TIẾP TỤC KHIẾU NẠI TỚI CẤP GIÁM ĐỐC THẨM

Thứ ba - 13/06/2017 04:32
(PL News) - Quá trình giải quyết khiếu nại và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của chính quyền địa phương đối với khu vườn của tộc Nguyễn (ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa,, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho thấy chứa đựng nhiều tình tiết mâu thuẫn. Tuy nhiên khi thụ lý xét xử các cấp tòa ở Bình Định chưa làm sáng tỏ, giải quyết triệt để các vấn đề khiến cho nguyên đơn hoài nghi quyền lợi bị xâm hại, tiếp tục khiếu nại lên tòa cấp cao…
Tàng thư hộ tịch hộ bà Huỳnh Thị Tiềm còn lưu giữ tại UBND xã Phước Hòa có nội dung ghi bà Nguyễn Thị Nghĩa cắt khẩu theo chồng ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước) nhưng quê chồng của bà Nghĩa ở xã Nhơn Hạnh (An Nhơn)
Tàng thư hộ tịch hộ bà Huỳnh Thị Tiềm còn lưu giữ tại UBND xã Phước Hòa có nội dung ghi bà Nguyễn Thị Nghĩa cắt khẩu theo chồng ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước) nhưng quê chồng của bà Nghĩa ở xã Nhơn Hạnh (An Nhơn)
  
      Tiền hậu bất nhất

      Nguồn gốc nhà và đất tọa lạc tại thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước  (Bình Định), theo Bản án số 09/DSST ngày 20/7/2005 về “Tranh chấp thừa kế” do TAND tỉnh Bình Định xét xử, là của tộc họ Nguyễn tạo dựng qua nhiều đời, cách đây mấy trăm năm, “được các bên đương sự và UBND xã Phước Hòa thừa nhận”.

      Diễn biến quá trình quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương, theo luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) có cơ sở để xem xét tài sản trên của tộc họ Nguyễn có diện tích rộng 2.688m2 phù hợp với lời khai của bà Nguyễn Thị Nghĩa – đại diện ủy quyền của tộc họ Nguyễn. Theo đó, sau khi hoán đổi 1.605m2 đất để chính quyền mở rộng Trường THCS Phước Hòa (vào năm 2008), thì diện tích khu vườn của tộc họ Nguyễn còn lại khoảng 1.083m2.

       Do ảnh hưởng chiến tranh, giấy tờ (trích lục chế độ cũ) có liên quan đến khu vườn tộc Nguyễn bị thất lạc, song giới cận của di sản tồn tại qua nhiều thế hệ thì không thay đổi. Cụ thể: Đông giáp với Trường THCS Phước Hòa, Tây giáp đường liên xóm, Nam giáp vườn ông Sáu Dần và Bắc giáp với sông Gò Bồi. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với lời khai của bậc cao niên tại địa phương và phù hợp với xác nhận của chính quyền xã vào ngày 22/3/2004 tại Đơn xin xác nhận đất vườn và đất thổ cư của bà Huỳnh Thị Tiềm (mẹ bà Nghĩa).
    
 
 
“Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”
                                                                                                     (Điều 108 Bộ luật TTDS 2015)
 
    
       Thừa nhận đất của tộc họ giáp liền với sông Gò Bồi thế nhưng đến năm 2014 có tuyến đê biển bờ Nam hạ lưu Đập Nha Phu đi qua làm ảnh hưởng một phần diện tích, các cấp có thẩm quyền lại từ chối bồi thường đất. Lý do sau khi hoán đổi 1.605m2 để mở rộng Trường THCS Phước Hòa, chính quyền địa phương cho rằng diện tích đất của khu vườn tộc Nguyễn không còn nữa. Theo đó, ngày 06/11/2014 Chủ tịch UBND xã Phước Hòa đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-UBND không công nhận việc khiếu nại của bà Nghĩa đòi bồi thường đất bị giải tỏa và diện tích đất của tộc họ còn lại 1.083m2. Tiếp đến ngày 27/3/2015, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 947/QĐ-UBND công nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND xã là đúng theo quy định pháp luật.

     Để phủ quyết việc khiếu nại của bà Nghĩa, chính quyền địa phương còn cho rằng phía Bắc của khu vườn tộc Nguyễn tiếp giáp với thửa đất 483, tờ bản đồ số 3, diện tích 500m2 (chứ không phải tiếp giáp với sông Gò Bồi như UBND xã đã xác nhận trước đó vào năm 2004 – PV). Nguồn gốc hình thành thửa 483 là loại đất bằng chưa sử dụng và đất bãi bồi ven sông do UBND xã Phước Hòa kê khai quản lý.

      Trao đổi với PV, bà Nghĩa cho rằng thửa đất 483 được hình thành (nếu có) thì phải có nguồn gốc từ “trên trời rơi xuống” hoặc là do UBND xã cố tình nặn ra. “Nếu không, trước đó (ngày 22/3/2004) ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa lúc bấy giò sẽ không xác nhận vào Đơn xin xác nhận đất vườn và đất thổ cư có giới cận phía Bắc giáp liền với với sông Gò Bồi”.

      Phủ nhận đất của tộc Nguyễn kéo dài về phía Bắc chỉ dừng lại giáp với thửa đất 483 do UBND xã quản lý. Thế nhưng đến năm 2014, khi tuyến đê biển bờ Nam hạ lưu Đập Nha Phu đi qua thửa đất 483 phải giải tỏa 227,9m2 thì toàn bộ tài sản có trên thửa đất này (gồm 100 cây tre già, 166 cây tre non, 01 cây keo gai có đường kính 20cm, 10,3m hàng rào kẽm gai, 5 trụ bê tông, 6,75m2 tường xây gạch…), các cấp có thẩm quyền và chính quyền địa phương chấp nhận bồi thường, hỗ trợ số tiền 7.551.000 đồng cho tộc họ Nguyễn.

      “Như vậy chứng tỏ, thửa đất 483 là phần đất còn lại sau khi tộc họ hoán đổi để mở rộng trường học và được gia đình bà Nghĩa tiếp tục quản lý sử dụng” – Luật sư Lê Hoài Sơn nhận định. Cũng theo Luật sư Sơn, nếu đó là đất công do UBND xã quản lý thì không dễ dàng để tộc họ bỏ kinh phí ra xây dựng hàng rào kẽm gai và xây dựng tường bao kiên cố giữa “thanh thiên bạch nhật”, để rồi khi Nhà nước thu hồi làm công trình phải chấp nhận bồi thường…

      Có hay không “ém” nhân khẩu để từ chối bồi thường

      Không những bất thường về xác nhận ranh giới và quyền sở hữu đối với khu vườn tộc Nguyễn, mà trước đó năm 1993, thực hiện cân đối giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài theo Nghị định 64/CP, chính quyền địa phương cũng để xảy ra khuất tất, khiến gia đình bà Nghĩa không thể không hoài nghi (?)

      Làm việc với thẩm phẩn Trần Thị Bích Thủy và thư ký Tô Tấn Cường (Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước) tại Biên bản xác minh vào ngày 23/6/2015, ông Đặng Văn Hòa – cán bộ địa chính xã Phước Hòa cho biết, vào thời điểm cân đối giao quyền, hộ gia đình bà Huỳnh Thị Tiềm (người thừa kế di sản) chỉ có 3 nhân khẩu nên được cân đối giao quyền sử dụng 1.605m2 đất trong khuôn viên đất của tộc họ (không giao ruộng bên ngoài) là hợp lý và phù hợp theo Đề án của xã Phước Hòa xây dựng ngày 25/6/1993 có định suất bình quân 425m2/ nhân khẩu.

     Tại Văn bản số 447/CAH – CSQLHC ngày 24/4/2017 về việc trả lời đơn của bà Nguyễn Thị Nghĩa, Công an huyện Tuy Phước cũng cho biết vào thời điểm đó kiểm tra, đối chiếu, Tổ công tác phát hiện 2 nhân khẩu (gồm bà Huỳnh Thị Nghĩa (sinh năm 1969) và Tào Duy An (sinh năm 1989) không có mặt tại địa phương quá 6 tháng nên đã xóa tên 2 nhân khẩu là phù hợp theo quy định pháp luật tại thời điểm.
 
                        
“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có căn cứ kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự” (Điểm a, khoản 1 Điều 326. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
 

      Trong khi đó tại Sổ đăng ký hộ tịch còn lưu trữ tại Công an xã Phước Hòa do ông Tạ Văn Khương – Phó trưởng Công an xã Phước Hòa cung cấp cho Tòa án huyện Tuy Phước vào ngày 12/01/2015 và cho PV (sáng 11/5) thì vào thời điểm đó bà Nguyễn Thị Nghĩa được cắt “chuyển theo chồng về Phước Hiệp”. Bất thường ở đây là, chồng của bà Nghĩa - ông Tào Văn Phước quê ở xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, nghĩa là không có liên quan gì đến xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (!?).

     Sổ hộ khẩu hộ số 1455 của hộ gia đình bà Huỳnh Thị Tiềm còn lưu giữ cũng cho thấy, ngoài bà Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1967) chuyển theo chồng về huyện Vân Canh vào ngày 28/6/1991, 04 nhân khẩu còn lại trong đó có bà Nguyễn Thị Nghĩa và cháu Tào Duy An vẫn giữ nguyên, không bị gạch bỏ. “Nếu vào thời điểm đó hộ khẩu của tôi và con tôi bị xóa hoặc chuyển đi khỏi địa phương thì tại sao năm 2003, tôi làm Phiếu khai báo tạm trú tạm vắng mặt hai mẹ con (từ ngày 01/4 – 10/2003) để đi vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn, thì ông Đỗ Ngọc Bảy - Phó trưởng Công an xã Phước Hòa vẫn xác nhận và đóng dấu vào Phiếu khai báo là điều không bình thường” – bà Nghĩa bức xúc.

      Vậy có hay không việc chính quyền địa phương cố tình “ém” bớt nhân khẩu của hộ gia đình bà Tiềm nhằm “hợp thức hóa” quyền quản lý đối với thửa đất 483, để có cơ sở từ chối bồi thường đất bị giải tỏa và không thừa nhận phần diện tích còn lại hơn 1.083m2 của tộc Nguyễn ?

      Kết mở

      Có quá nhiều tình tiết mâu thuẫn và nhiều vấn đề còn khuất tất trong quá trình giải quyết và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của chính quyền địa phương nhưng chưa được tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm làm sáng tỏ. Hay nói cách khác, các cấp tòa ở Bình Định đã đánh giá chứng cứ chưa khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án điểm a, khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

      Vì vậy theo Luật sư Lê Hoài Sơn, có căn cứ để Chánh án TAND cấp cao hoặc Viện trưởng Viện KSND cấp cao kháng nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại Bản án phúc thẩm hành chính số 03/2016/HCPT do Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm, để giải tỏa mối hoài nghi của tộc họ Nguyễn cũng như gia đình bà Nghĩa cho rằng quyền lợi bị xâm hại.
 

Tác giả bài viết:       TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Pháp lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây