Bố nạn nhân 23 năm kêu oan cho "hung thủ"!

Thứ sáu - 12/10/2018 05:39
Ông Trần Anh Điền là bố đẻ của nạn nhân Trần Văn Việt bị chết trong vụ ném lựu đạn cách đây 23 năm ở xã Nhân Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà (cũ) (nay là tỉnh Hà Nam).
Bố nạn nhân 23 năm kêu oan cho "hung thủ"!

 

 Bố nạn nhân 23 năm kêu oan cho “hung thủ”!


 Thế nhưng ông Điền suốt 23 năm qua, liên tục làm đơn kêu oan cho Trần Văn Vót  và Trần Ngọc Thanh, người đã "gây ra" cái chết cho con trai ông. Trần Văn Vót đang thực hiện án tù được 23 năm. Vụ án này có rất nhiều dấu hiệu oan sai.
 

Bài 1: Về vụ án có dấu hiệu oan sai ở Hà Nam: Gia đình bị hại liên tục kêu oan cho bị cáo

Hiện trường nơi xảy ra vụ án kinh hoàng 23 năm trước tại bãi Bạc Hà, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam


Theo nhiều nguồn tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp mà chúng tôi thu thập được, thì nguyên do của vụ án ở Lý Nhân (Hà Nam) bắt nguồn từ một vụ tranh chấp đất đai giữa hai làng Thanh Nga (gồm các xóm 1; 2; 3) và Nhân Phúc (gồm các xóm 4; 5; 6; 7), thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân. Theo đó, cuối năm 1976, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Nhân Phúc, xã Phú Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 HTXNN Thanh Nga và Nhân Phúc, có quy mô 584 ha đất canh tác, 1.222 hộ xã viên với 5.009 nhân khẩu. Sau một thời gian hợp nhất làm ăn nhưng không hiệu quả, nên xã viên có nguyện vọng tách HTX ra thành hai như cũ. Nguyện vọng này được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Theo một số cựu xã viên HTXNN Nhân Phúc thuật lại: Khi tách HTX hợp nhất ra làm hai, lẽ ra đất của HTX nào góp vào HTX hợp nhất bao nhiêu phải được trả lại nguyên vẹn bấy nhiêu, thì không xảy ra chuyện gì. Đằng này huyện lại lấy 56 mẫu đất của làng Nhân Phúc giao cho làng Thanh Nga canh tác. Xã viên Nhân Phúc không chịu, vì thế mà xảy ra tranh chấp. Vụ tranh chấp khiến cho mâu thuẫn giữa hai làng ngày càng diễn biến phức tạp.

Tháng 1/1992, một số người quá khích của làng Thanh Nga đã kéo sang, đánh 7 người của làng Nhân Phúc bị thương phải nhập viện. Bà con làng Nhân Phúc đã có đơn gửi Công an huyện Lý Nhân, yêu cầu phải xử lý, giải quyết dứt điểm vụ hành hung này. Tuy công an huyện có hứa, nhưng cuối cùng không giải quyết gì, khiến cho mâu thuẫn ngày càng sâu.

Theo cụ Trần Văn Điền và một số bà con cựu xã viên của làng Nhân Phúc, một số phần tử quá khích người Thanh Nga càng được đà lấn tới, họ phá lúa, phá ngô, phá đay trên cả những diện tích đất canh tác của Nhân Phúc. Đỉnh điểm của những xung đột là vụ án xảy ra tại bãi Bạc Hà ngày 29/11/1992.

Trong lời làm chứng của anh Trần Ngọc Chương, người làng Nhân Phúc thuật lại: “Khoảng 14 giờ ngày 29/11/1992, tại bãi Bạc Hà, xã viên Nhân Phúc ra trồng màu trên khu đất được quản lý và canh tác hợp pháp của mình thì xã viên Thanh Nga kéo sang, bắt máy phải ngừng cày và cản không cho xã viên Nhân Phúc sản xuất. Hai bên dùng đất ném nhau. Tôi nhìn rõ bên Thanh Nga có Cự, Toàn, Hồng… Sau khi dùng đất ném nhau được một lúc, tôi có nghe Hồng nói: “Lý Nhân khôn hồn thì về hết đi không tao tung chết hết”. Sau lời Hồng nói, bà con Nhân Phúc yêu cầu công an sang bắt Hồng (lúc đó tại bãi có 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân). Công an đã sang ôm Hồng, nhưng bị dân Thanh Nga ném đất và đánh, nên lại chạy về bên người Nhân Phúc. Lúc này tôi lại nghe Cự gọi Hồng: “Lý Nội ra đây rồi”, và tôi nhìn rõ Cự, Hồng, Toàn và một số dân Thanh Nga khác chạy ngược lên phía Thanh Lan (khu ruộng xóm 4). Lúc này tôi cũng chạy lên đứng gần anh Hòa - Công an huyện Lý Nhân được khoảng vài phút. Đột nhiên anh Hòa ấn tôi nằm xuống (lúc nằm xuống, hai người đều quay đầu về phía dân Thanh Nga) thì lựu đạn nổ. Sau tiếng nổ, tôi đứng dậy, thấy mình vẫn an toàn,…”

Lựu đạn nổ đã làm anh Trần Văn Việt (con trai cụ Trần Anh Điền) chết và 21 người (tất cả đều là người làng Nhân Phúc) bị thương, trong đó có những người bị thương rất nặng như anh Trần Ngọc Ngọc (SN 1973), bị thương ở chân và đầu, phải điều trị nhiều tháng ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện nay không đi lại được, cũng là người bị thương nặng nhất trong vụ án ngày 29/11/1992.

Sau buổi chiều ngày 29/11/1992, Trần Văn Cự đã bỏ trốn. Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án hình sự “giết người” và “tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”, khởi tố bị can đối với Cự về hai hành vi trên, đồng thời ra lệnh truy nã Trần Văn Cự trên toàn quốc. Lệnh truy nã này được báo Nam Hà số Thứ Ba, ngày 09/02/1993 đăng nguyên văn. Thế nhưng ngày 23/02/1993, Trần Ngọc Thanh (tức Thủy), SN 1974, người xóm 4 (Lý Nội) bị bắt tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin và di lý về Công an tỉnh Nam Hà (sau ngày 29/11/1992, Thanh nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị trên) để điều tra về hành vi “giết người”. Đồng thời ngày 27/5/1993, Trần Văn Vót, SN 1949, đang là Bí thư chi bộ xóm 4 (Lý Nội) cũng bị bắt tại trụ sở UBND xã Phú Phúc để phục vụ điều tra về hai hành vi “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng trái phép”. Kết luận điều tra của Công an tỉnh Nam Hà ghi rõ: Trần Văn Vót là người đã tàng trữ, và đưa trái lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném vào đám đông bà con xã viên Nhân Phúc vào chiều 29/11/1992, gây nên cái chết cho anh Trần Văn Việt và làm bị thương 21 người (?)

Đến hành trình 23 năm gia đình bị hại kêu oan cho bị cáo


Cụ Trần Anh Điền suốt 23 năm qua gửi đơn đến các cơ quan công quyền kêu oan cho các bị cáo
 Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh 

Trao đổi với chúng tôi trong chiều 01/08/2016 cả gia đình, người thân của ông Trần Văn Vót (bên bị cáo) và cụ Trần Anh Điền (bên bị hại) đều cho biết, từ khi phải thụ án đến nay đã hơn 23 năm, ông Trần Văn Vót vẫn liên tục kêu oan, và kiên quyết không ký vào bản nhận tội, vì cho rằng mình không có tội...và chính cụ Trần Văn Điền, bố nạn nhân Việt cũng liên tục khẳng định với chúng tôi rằng, ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh bị đi tù oan.

Trở lại diễn biến vụ án, sau khi xảy ra vụ nổ lựu đạn và bị bắt, Trần Văn Vót bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về các tội: “Giết người” với vai trò chủ mưu, đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh ném, và “tàng trữ trái phép vũ khí”, “phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội” “gây rối trật tự công cộng”, và Trần Ngọc Thanh bị truy tố về tội “giết người”. Ngoài ra, còn một số người khác bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về các tội danh khác như “gây rối trật tự công cộng”, đáng chú ý trong đó có Trần Văn Cự (đối tượng trước đó bị Công an huyện Lý Nhân khởi tố về tội “giết người” và “tàng trữ vũ khí trái phép”, đồng thời đã có lệnh truy nã trên toàn quốc).

Trong các ngày 23-26/2/1994, TAND tỉnh Nam Hà đã đưa vụ án ra xét xử. Theo cụ Trần Anh Điền thuật lại, thì đây là một phiên tòa khá lạ lùng: Các nhân chứng và 21 người Nhân Phúc bị thương không bị triệu tập. Ngoài vợ chồng cụ là đại diện cho nạn nhân Trần Văn Việt, thì thân nhân của những bị cáo cũng không được vào tòa. Bản án số 37 ngày 26/2/1994 của TAND tỉnh Nam Hà tuyên phạt Trần Văn Vót: Tù chung thân về tội giết người, 10 năm tù về tội phá hoại việc thực hiện chính sách xã hội, 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí, 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng, tổng hợp hình phạt chung cho cả 4 tội là tù chung thân. Phạt Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “giết người”. Sau đó các bị cáo chống án.

Từ ngày 25-27/8/1994, tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã xử phúc thẩm lại vụ án trên. Diễn biến phiên tòa không có gì khác trước.  Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm. Bản án kết tội Trần Văn Vót đã đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh để Thanh ném vào đám đông xã viên Nhân Phúc chỉ dựa hoàn toàn vào lời khai của Trần Ngọc Thanh. Tại cả 2 phiên tòa, Thanh đều khai rằng mình không có mặt ở bãi Bạc Hà và cánh đồng Thanh Lan (xóm 4) vào chiều 29/11/1992. Nhưng khi bị bắt về trại tạm giam của Công an tỉnh Nam Hà, Thanh đã bị dùng nhục hình để ép phải nhận như vậy. Nhưng lời khai tại tòa này không được xem xét.


Ông Trần Văn Vót. (Ảnh do gia đình cung cấp).


Đưa ra một tập đơn kêu oan cho các bị cáo, cụ Trần Anh Điền kể: Từ sau ngày 29/11/1992, ngày xảy ra vụ ném lựu đạn khiến con trai mình là Trần Văn Việt bị chết, đến nay là 23 năm, cụ Trần Anh Điền liên tục kêu oan cho Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh, với những chứng cứ như: -Trần Ngọc Thanh không có mặt ở hiện trường khi xảy ra vụ án. - 4 cán bộ Công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người Thanh Nga sang phía người Nhân Phúc. Cùng nhiều nhân chứng đã đứng ra xác nhận tình trạng Thanh và Vót ngoại phạm thời điểm xảy ra vụ án.

Ngày 11/12/1998, Phó chánh tòa Hình sự TANDTC Nguyễn Văn Hiện (sau là Chánh án TANDTC, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đã ký công văn số 515/HS gửi Vụ 3 VKSNDTC, có nội dung: "Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 25-27/8/1994, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã kết án Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “giết người”. Sau khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo có đơn khiếu nại nên ngày 10/8/1995 TANDTC đã có công văn số 263 trả lời gia đình bị cáo. Ngày 16/11/1998 ông Trần Ngọc Thông và bà Trần Thị Tân (bố và mẹ bị cáo Trần Ngọc Thanh) và đại diện gia đình, họ tộc người bị hại Trần Văn Việt tiếp tục khiếu nại và đưa ra một số chứng cứ cho rằng việc điều tra vụ án không khách quan, dẫn đến việc tòa án kết tội oan cho Trần Ngọc Thanh. Theo ý kiến của Chánh án TANDTC và căn cứ quy định tại các điều từ 260 đến 263 Bộ luật TTHS năm 1993, TANDTC chuyển đơn khiếu nại đến vụ 3 VKSNDTC để giải quyết theo thẩm quyền”. Nhưng tất cả đều chìm vào im lặng.

Theo gia đình ông Trần Văn Vót, thì từ khi phải thụ án đến nay đã 23 năm, Trần Văn Vót vẫn liên tục một mực kêu oan, và kiên quyết không ký vào bản nhận tội, vì cho rằng mình không có tội. Và, Trần Văn Vót luôn có một niềm tin mãnh liệt vào công lý, chờ đợi sẽ có một ngày nỗi oan ức “thấu trời” của ông sẽ được làm sáng tỏ…

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây