Độc giả Dương Văn Tuấn (kibotuanxxx@yahoo.com.vn) đặt vấn đề: “Có một câu nói thường xuyên được thể hiện khi có vụ việc sai phạm của cán bộ là “quan điểm của chúng tôi không bao che, xử lý nghiêm, khách quan”. Thế nhưng đã nghiêm tại sao cán bộ vi phạm lại không sợ. Thậm chí làm bừa, làm ẩu và có trường hợp dễ dàng được hợp thức hóa sai phạm? Không lẽ luật chỉ dành cho dân, còn quan vô tư phạm luật?”.
Trong vụ việc kể trên, khu “biệt phủ” của Đại úy Phạm Văn Công gần như đã hoàn thành, khác xa mục đích sử dụng đất ban đầu.
Độc giả Phan Tiến (pttiendhxxx@gmail.com) cho rằng: “Cán bộ hay Đảng viên không bị cấm làm kinh tế nhưng trường hợp này cần xem xét có lợi dụng chức vụ, quyền hạn không. Trong trường hợp này cần làm rõ có hay không việc kinh doanh, làm ăn bất minh để có tài sản xây dựng biệt phủ”.
Khu biệt phủ của cán bộ công an huyện Hậu Lộc xây dựng trái phép
Đồng quan điểm, độc giả Lê Hải (lehai04xx@gmail.com) đặt nghi vấn: “Xin hỏi cán bộ sao giàu thế? Nếu làm ngành nghề kinh doanh bên ngoài cũng cần xem xét cho họ. Nhưng nếu kinh doanh, có liên quan đến quyền lực anh đang nắm trong tay không? Tại sao cả biệt phủ hoành tráng xây trái phép mà không ai nhìn thấy, cả cán bộ chuyên trách cũng không nhìn thấy?".
Theo độc giả Lê Hải, ở đây cần xem xét có hay không sự cả nể vì người xây dựng là cán bộ, quan chức nên được bỏ qua. Bởi như vậy sẽ có sự tác động của chi phối quyền lực.
Bên cạnh đó, độc giả đặt vấn đề tại sao công trình vi phạm có thể hoàn thiện đến như vậy, cơ quan chức năng của huyện Hậu Lộc có giám sát quá trình ông Công sử dụng đất?
Cụ thể, độc giả có email tholocxx@gmail.com đặt vấn đề: “Vị Đại úy này có liên quan gì đến lãnh đạo huyện? Trong khi đó, nếu người dân có làm chuồng gà vi phạm sẽ có cán bộ đến lập biên bản ngay”.
Sau khi biết thông tin công trình vi phạm bắt đầu được tháo dỡ, độc giả Hồ Quang Huy (ansoxxx@gmail.com) cho rằng: “Người vi phạm liệu có người bảo kê phía sau? Người vi phạm bị xử lý nhưng nếu có người bảo kê liệu có bị xử lý kèm theo?”.
Độc giả Nguyễn Văn Quý (quynvxxxx@gmail.com) nhận xét: “Nếu cán bộ công an đã vi phạm như vậy, làm sao nói gì được người dân? Việc tháo dỡ công trình vi phạm là cần thiết để làm gương cho những người khác”.
Anh Nguyễn Trung Hiếu (Chí Linh, Hải Dương) sau khi đọc thông tin trên Dân Việt về biệt phủ 5000m2 của Đại úy công an, đã bày tỏ quan điểm: “Bên cạnh việc yêu cầu phá dỡ phần xây dựng sai phạm, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ nguồn gốc tài sản. Một cán bộ công an lấy tiền ở đâu để xây dựng cả biệt phủ như vậy?”.
Trên đây là những ý kiến của người dân, bạn đọc liên quan đến vụ việc đại úy công an xây biệt phủ gây bức xúc dư luận. Dân Việt cho rằng, những thắc mắc, nghi ngại của người dân, bạn đọc là hoàn toàn có cơ sở, đề nghị ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc, trả lời rõ các nội dung trên.
Trước đó, như Dân Việt đã phản ánh, ông Phạm Văn Công - đại úy, cán bộ thuộc Công an huyện Vĩnh Lộc được bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện này cấp phép thành lập khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp trên diện tích 523m2.
Nhưng trên thực tế, ông Phạm Văn Công đã tiến hành xây cả khu “biệt phủ” rộng hơn 5.000m2 với đầy đủ các hạng mục đồ sộ từ cổng vào, hòn non bộ, bể bơi, núi nhân tạo, biệt thự... gây bức xúc trong dư luận và nhân dân huyện Vĩnh Lộc.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn