Ngày 6/11, dân Mỹ tiến hành bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ, đây cũng là lúc đường đua vào vị trí tổng thống năm 2020 chính thức bắt đầu. Giới chuyên gia dự đoán ngay sau khi cuộc bầu cử 2018 kết thúc, hàng loạt ứng viên tiềm năng của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ khởi động chiến dịch tranh cử, đối đầu trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố chạy đua vào nhiệm kỳ thứ hai không lâu sau khi nhậm chức.
Đối với truyền thông và giới quan sát, đây sẽ là một “đại tiệc chính trị”, hứa hẹn mang lại bầu không khí sôi động cho chính trường Mỹ.
Cuộc đua hướng đến kỳ bầu cử năm 2020 dường như khởi động sớm hơn thường lệ, với nhiều ứng cử viên tuyên bố tranh cử trong năm đầu tiên ông Donald Trump giữ chức tổng thống. Một số cái tên gây tranh cãi cũng đã lộ diện.
1. Tổng thống Trump “khai hỏa” cuộc đua vào vị trí tổng thống 2020 với việc đệ đơn đăng ký thành lập ủy ban chính trị, tổ chức tiến hành chiến dịch tranh cử, với Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) chỉ vài giờ sau khi nhậm chức hồi tháng 1/2017. Ông tuyên bố khẩu hiệu tái tranh cử của mình sẽ là “Duy trì sự vĩ đại của nước Mỹ”.
“Chúng ta không thể nói ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’, vì tôi đã làm được điều đó rồi”, ông Trump phát biểu trong một sự kiện vận động ở bang Pennsylvania hồi đầu năm 2018.
Đến tháng 2/2017, ông tổ chức cuộc vận động tái tranh cử đầu tiên ở thành phố Melbourne, bang Florida. Một năm sau đó, ủy ban chính trị của ông đã huy động được 22 triệu USD và đến tháng 7 năm nay, họ nắm trong tay số tiền lên đến 88 triệu USD, theo số liệu từ FEC.
Việc ông Trump khởi động chiến dịch tái tranh cử ngay sau khi nhậm chức được cho là sớm một cách bất thường. Các cựu tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H. W. Bush và Ronald Reagan đều tuyên bố tái tranh cử vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên theo nhà báo Brendan J. Doherty của Washington Post, ông Trump chỉ thể hiện tham vọng một cách thẳng thắn hơn những người tiền nhiệm.
Đương kim tổng thống đã bổ nhiệm ông Brad Parscale, chiến lược gia phụ trách về kỹ thuật số thuộc ủy ban vận động của ông năm 2016, làm quản lý chiến dịch năm 2020. Tờ Independent đánh giá động thái này cho thấy ông Trump có thể sẽ tập trung vào các chiến dịch trực tuyến nhằm tiếp cận cử tri và vận động sự ủng hộ trong 3 năm tới.
Với một nhân vật mà cái tên đã gắn liền với thị phi, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump vừa khởi động đã vướng phải nhiều ồn ào. Theo một cuộc điều tra được hãng thông tấn AP thực hiện hồi tháng 6, ủy ban chính trị của ông Trump đã thuê cựu nhân viên của Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu phá sản sau bê bối rò rỉ thông tin mật của người dùng Facebook, để tiếp cận các cử tri.
Ngoài ông Parscale, hai vị trí khác cũng được lựa chọn để lãnh đạo chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, trong đó có con dâu của ông, ngôi sao truyền hình Lara Trump.
Nếu ông Donald Trump đắc cử lần nữa, đây sẽ là lần đầu tiên nước Mỹ có liên tiếp 4 đời tổng thống giữ chức trong 2 nhiệm kỳ, bên cạnh ông Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama. Nếu kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 và rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2025, ông Trump, khi ấy 78 tuổi, sẽ trở thành người cao tuổi nhất từng đảm nhiệm vị trí tổng thống, vượt qua cựu tổng thống Ronald Reagan (77 tuổi khi rời nhiệm sở vào năm 1989).
2. Ứng viên đầu tiên đứng ra thách thức ông Trump là Hạ nghị sĩ Dân chủ John Delaney thuộc bang Maryland. Theo số liệu từ trang web thống kê Five Thirty Eight, ông Delaney tuyên bố tranh cử sau khi Tổng thống Trump nhậm chức được 6 tháng. Trong 45 năm qua, chưa một ứng viên nào nghiêm túc thông báo quyết định chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ sớm như vậy. Giới quan sát cho rằng ý đồ của ông Delaney có thể là để gây sự chú ý. Và ông đã có được điều mình muốn.
Tờ Politico nhận định quyết định tranh cử sớm của hạ nghị sĩ phe Dân chủ gần tương tự “vụ nổ chính trị” của cựu tổng thống Jimmy Carter, người tuyên bố tranh cử sau khi tổng thống đương nhiệm nhậm chức được 2 năm. Khi Carter bước vào cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, các chuyên gia đánh giá ông gần như không có bất kỳ cơ hội nào trước những chính trị gia nổi tiếng hơn. Chỉ 2% cử tri được khảo sát biết đến tên tuổi của ông. Tuy nhiên, ông đã đắc cử vào năm 1976.
Nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng của ông Delaney cũng chưa được đánh giá cao. Ông không có tên trong nhiều danh sách ứng viên tiềm năng và gần như chỉ gây tiếng vang khi là người đầu tiên tuyên bố sẽ đối đầu với Tổng thống Trump trong cuộc đua hướng đến kỳ bầu cử năm 2020.
Tính đến tháng 8, Delaney đã bỏ ra 4 triệu USD cho chiến dịch tranh cử 2020, trong đó bao gồm gần 1,5 triệu USD được đổ vào các dự án quảng cáo truyền hình tại bang Iowa. Nếu đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2020, ông sẽ là nghị sĩ đương nhiệm đầu tiên trong vòng 138 năm chiến thắng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
3. Ông Jonathon Sharkey là một đô vật chuyên nghiệp. Tuy vật, ông được biết đến nhiều hơn với danh xưng “ma cà rồng cánh hữu” và tín đồ thờ quỷ Satan. Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, Sharkey cho biết ông bắt đầu uống máu từ khi lên 5 và thường xuyên uống máu của “các bạn gái và tình nhân” 2 lần/tuần trong thời điểm hiện tại.
Năm 2012, ông Sharkey lần đầu chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ trên cương vị là thành viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên sau đó ông gửi đơn cho Ủy ban Bầu cử Liên bang tuyên bố rút khỏi cuộc đua và khẳng định sẽ quay trở lại vào năm 2020.
“Bọn tội phạm và khủng bố sẽ sợ tôi. Một số loại tội phạm, thay vì bị bỏ tù, chúng nên bị đâm và bị tra tấn”, ông Sharkey trả lời ABC News.
“Ma cà rồng cánh hữu” từng làm việc tại ủy ban điều hành của đảng Cộng hòa ở Hạt Hillsborough, bang Florida. Trả lời báo chí, võ sĩ A. J. Matthews, người từng phục vụ tại ủy ban trên, nhận xét ông Sharkey là người “tin vào các giá trị của đảng Cộng hòa”, nhưng cần tập trung vào chiến dịch tranh cử hơn là “những hành vi cực đoan”.
Jonathon Sharkey chưa chính thức tuyên bố tranh cử vào năm 2020. Trong quá khứ, ông cho biết nếu trở thành tổng thống, ông sẽ cấm hành vi phá thai và không cho phép các trường dạy thuyết tiến hóa.
Người tự nhận mình là một “ma cà rồng đích thực” cũng phản đối chính sách phúc lợi y tế vẫn còn hiệu lực của cựu tổng thống Obama. Ông khẳng định sẽ thay thế những quy định này bằng chính sách cho phép người nghèo hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe miễn phí, chi phí sẽ được chính phủ thanh toán bằng tiền thuế đánh vào hoạt động mua bán dâm và cần sa.
4. Vermin Supreme nổi tiếng với hình ảnh một ông già râu bạc đội bốt làm mũ và thường xuyên mang bên mình một bàn chải đánh răng cỡ lớn. Ông từng đăng ký tranh cử vào các năm 2004, 2008, 2012, 2016 và sẽ tiếp tục thực hiện điều này vào năm 2020.
Trả lời Miami Herald, Supreme cho biết ông sẽ thông qua “luật buộc người dân đánh răng thường xuyên” và sẽ tặng cho mỗi người dân một con ngựa giống lùn nếu được bầu làm tổng thống Mỹ.
“Nền kinh tế dựa vào ngựa thực sự là vấn đề quan trọng nhất của nước Mỹ trong thời điểm hiện tại. Nguyên liệu hóa thạch đang giết chết hành tinh của chúng ta, và ngày hôm nay, chúng ta sẽ chấm dứt điều này”, ông phát biểu trước đám đông trong một cuộc vận động vào năm 2015. “Chúng ta không cần thêm ôtô vì chúng ta đã có ngựa”.
Ngoài ra, nhà hoạt động 57 tuổi từng vận động nâng cao nhận thức của người dân về “thảm kịch xác sống” và kêu gọi tiến hành nghiên cứu về du hành thời gian.
“Những lãnh đạo như Supreme là người mà chúng ta cần. Vì sao? Vì ông ấy luôn giữ vững niềm tin của mình”, ban biên tập tờ báo trường Londonderry đăng tải bài viết thông báo ông Supreme sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2020.
Ngay cả khi cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 chưa có kết quả, tờ CNN khẳng định người thắng cuộc không ai khác chính là phụ nữ, và cụ thể hơn là các nữ chính trị gia thuộc đảng Dân chủ.
Tổng cộng có 262 ứng viên nữ tham gia tranh cử các vị trí ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào ngày 6/11 này. Sẽ là mốc lịch sử ở các bang nổi tiếng bảo thủ như Tennessee, Mississippi hay Arizona, nơi chưa bao giờ có phụ nữ làm thượng nghị sĩ.
Theo ông David Wasserman, biên tập viên phụ trách các vấn đề liên quan đến Hạ viện của tổ chức Báo cáo Chính trị Cook, trong một cuộc bầu cử sơ bộ giữa một ứng viên nam và một ứng viên nữ thuộc đảng Dân chủ, tỷ lệ chiến thắng của phụ nữ là 69%. Dựa trên báo cáo này, CNN nhận định đảng Dân chủ có khả năng cao đề cử ứng viên nữ để chạy đua tổng thống năm 2020.
Một số ứng cử viên nổi bật là:
5. Trong danh sách các ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ do CNN lập ra hàng tháng, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren dẫn đầu trong hai tháng trước thềm bầu cử giữa kỳ. Từ đầu, bà đã được đánh giá là đối thủ đáng gờm của ông Donald Trump. Quan điểm cấp tiến và lập trường chống tham nhũng của bà được nhiều cử tri đảng Dân chủ ủng hộ.
Ngoài việc là phụ nữ, New York Times nhận định hai yếu tố quyết định có thể giúp bà Warren chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đó là việc bà ủng hộ thiết lập nền kinh tế có lợi cho người nghèo và đấu tranh cho bình đẳng giới dưới thời đại của Tổng thống Trump.
Ông Trump từng nhiều lần công kích bà Warren, đương kim tổng thống gọi bà là công chúa da màu “Pocahontas” vì bà khẳng định tổ tiên của mình là người Mỹ bản địa. Hồi tháng 7, Tổng thống Trump cho biết sẽ ủng hộ Thượng nghị sĩ Warren 1 triệu USD để xét nghiệm ADN trước khi tranh cử.
Trong chiến dịch chạy đua vào Thượng viện năm 2012, bà Warren đã huy động được 42,5 triệu USD. Trong cuộc bầu cử năm nay, bà nhận được số tiền quyên góp 31,5 triệu USD. Theo New York Times, điều này cho thấy bà có đủ khả năng kêu gọi quyên góp để thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
Một trong những thử thách lớn nhất của bà Warren đó là các đối thủ tiềm năng thuộc đảng Dân chủ, ví dụ như cựu tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Kamala Harris và Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand.
6. Dù chưa chính thức tuyên bố tranh cử, nhiều dấu hiệu cho thấy Thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California đang âm thầm thực hiện tham vọng trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng.
Nhóm nghiên cứu viên thuộc Đại học New York phát hiện bà Harris đã bỏ ra hơn 134.000 USD để chạy quảng cáo trên Facebook từ tháng 5 đến tháng 7. Hồi cuối tháng 10, bà cũng tổ chức một cuộc gặp gỡ các cử tri đảng Dân chủ tại bang Iowa. Bà dự định sẽ xuất bản một cuốn sách viết về về cuộc đời và quan điểm chính trị của bản thân trong tương lai gần, động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những dấu hiệu cho thấy bà sẽ tham gia đường đua vào cương vị tổng thống năm 2020.
Kamala Harris là cái tên khá mới trên chính trường Mỹ, một khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy 53% cử tri không biết đến bà. Tuy nhiên theo nhận định của CNN, đây chưa hẳn là điều tiêu cực. Một khảo sát được công ty Rasmussen Reports thực hiện hồi tháng 7 cho thấy 73% số cử tri đảng Dân chủ muốn bầu cho một gương mặt mới. Thêm vào đó, bà là một biểu tượng mà đảng Dân chủ đã tìm kiếm bấy lâu: một phụ nữ da màu hoàn toàn đối lập so với các nam ứng cử viên da trắng của đảng Cộng hòa - thượng nghị sĩ bang California có gốc Ấn Độ và Jamaica.
Bà Harris đã huy động được gần 7 triệu USD trong cuộc tranh giành ghế Thượng viện năm nay. Năm 2016, bà đã vận động được hơn 15 triệu USD để trở thành nữ thượng nghị sĩ da màu đầu tiên của bang California.
7. Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand góp mặt trong danh sách các ứng viên tiềm năng của cả CNN và Washington Post. Giới quan sát nhận định bà sở hữu nhiều lợi thế để tranh cử: Được biết đến là thượng nghị sĩ theo đường lối tự do; sở hữu một “căn cứ huy động vốn” tại bang có nhiều mạnh thường quân “chịu chi” nhất; và là chính trị gia thường xuyên lên tiếng bảo vệ phụ nữ.
Thượng nghị sĩ Gillibrand nổi tiếng về thái độ quyết tâm đấu tranh với vấn nạn xâm hại tình dục trong quân đội và tại nơi công sở. Bà theo đuổi chính sách thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập, đồng thời là người ủng hộ dân nhập cư.
Bà Gillibrand từng là mục tiêu tấn công của Tổng thống Donald Trump, người khẳng định bà “sẽ làm mọi thứ” để huy động tài trợ. Đây được xem là một bình luận khiếm nhã, mang ngụ ý cho rằng thượng nghị sĩ sẵn sàng đổi tình lấy tiền.
CNN đánh giá bà Gillibrand là người biết cách tận dụng cơ hội, bà ủng hộ làn sóng #MeToo và là thượng nghị sĩ đầu tiên kêu gọi bãi bỏ Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) trong lúc vấn đề nhập cư đang gây tranh cãi kịch liệt. Tuy nhiên, bà chưa thể hiện bất kỳ động thái nào cho thấy mình sẽ chạy đua vào vị trí tổng thống năm 2020, sự lựa chọn được CNN nhận xét là khôn ngoan về lâu dài.
Tuy nhiên, mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa bà và cựu tổng thống Bill Clinton có thể đẩy bà vào tình thế bất lợi khi ông là một trong những nhân vật có tiếng nói của đảng Dân chủ. Hồi năm ngoái, Thượng nghị sĩ khẳng định ông Clinton đáng lẽ nên từ chức vào cuối những năm 1990 vì cáo buộc xâm hại tình dục.
“Những ông già tóc bạc da trắng”, theo mô tả của New York Times, cũng có những lợi thế riêng để trở thành ứng viên tiềm năng chạy đua vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng năm 2020. Họ đã tạo dựng được hình ảnh cá nhân trên chính trường nước Mỹ, được đông đảo cử tri ủng hộ và đa số đều có kinh nghiệm nhiều năm “chinh chiến”.
8. Cựu phó tổng thống Joe Biden đang là ứng cử viên tiềm năng nhờ 2 yếu tố: Ông nổi tiếng và là cựu phó tổng thống dưới thời một tổng thống có lẽ là nổi tiếng nhất của đảng Dân chủ - Barack Obama.
Theo các chuyên gia, vấn đề của ông Biden khá đơn giản: Ông là một chính trị gia hướng nội và là một “ông già da trắng” điển hình của chính trường nước Mỹ, trong khi đảng của ông đang hướng đến một hình ảnh trẻ trung, khác biệt và tự do hơn.
Hiện chưa rõ liệu ông có quyết định tranh cử hay không nhưng các cuộc thăm dò hiện cho thấy ông đang dẫn xa trước các đối thủ khác của phe Dân chủ. Cựu phó tổng thống cho biết ông sẽ đưa ra quyết định về việc có tham gia đường đua 2020 hay không vào tháng 1 năm sau. Trong khi đó, những người ủng hộ trung thành và đội ngũ nhân viên của ông vẫn kiên nhẫn chờ đợi dấu hiệu cho thấy câu trả lời là “Có”.
Theo một báo cáo của công ty Axios, cố vấn của ông Donald Trump tiết lộ Joe Biden là ứng cử viên Dân chủ mà tổng thống lo ngại nhất. Một khảo sát được CNN thực hiện hồi đầu năm cho thấy ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump đến 17% về khả năng chiến thắng trong một cuộc chạm trán.
“Cựu tổng thống Obama lôi ông ta (Joe Biden) ra từ đống rác, và mọi người đều sốc về điều này. Tôi yêu việc ông ta trở thành đối thủ”, ông Trump phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hồi đầu năm.
Đáp lại, ông Biden nói: “Rõ ràng là tôi không thông minh như Tổng thống Trump, người thông minh nhất thế giới. Nhưng IQ của tôi cũng khá cao”.
9. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người từng thách thức bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2016, chưa thể hiện ý định tiếp tục tranh cử vào năm 2020. Nhưng “hành động của ông đã nói lên tất cả”, CNN nhận định, tờ báo nêu dẫn chứng việc ông di chuyển khắp nước Mỹ nhằm vận động cho đảng Dân chủ trong lúc vẫn duy trì các phong trào đã khởi động từ năm 2016.
Tỷ lệ ủng hộ của ông Sanders khá cao và ông cũng có sẵn đội ngũ người theo dõi tâm huyết. Nếu không nhắc đến việc ông lại là một “ông già da trắng” điển hình khác, Bernie Sanders có nhiều lợi thế so với các đối thủ về bề dày kinh nghiệm và mức độ ảnh hưởng. Theo một khảo sát được Politico thực hiện hồi đầu năm, ông đứng đầu về tỷ lệ chiếm sóng truyền thông.
“Tầm nhìn của nước Mỹ cho tương lai, tầm nhìn của chúng ta, phải là kiến tạo một chính quyền và nền kinh tế phục vụ cho tất cả, không chỉ cho các tỷ phú”, ông nói về quan điểm chính trị của bản thân.
10. Cựu thị trưởng thành phố New York không hề giấu diếm ý định chạy đua vào chức vụ tổng thống Mỹ. Tháng trước, ông đăng ký tranh cử trên danh nghĩa thành viên của đảng Dân chủ. CNN nhận định đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy tỷ phú 76 tuổi xem đảng Dân chủ là cách ông đạt được mục đích. Tuy nhiên, ông có phải là ứng viên đảng Dân chủ sẽ đề cử để chống lại Tổng thống Trump?
Dù các lãnh đạo đảng Dân chủ nghi ngờ khả năng ông Bloomberg giành chiến thắng, tỷ phú giàu thứ 11 thế giới vẫn đóng góp rất nhiều cho đảng Dân chủ. Theo New York Times, ông đã chi đến 80 triệu USD nhằm mục đích “đổi Hạ viện thành màu xanh”.
11. Hồi tháng 7, cựu bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder trả lời CNN rằng 5 phẩm chất cần có của một tổng thống là: khả năng truyền cảm hứng; tầm nhìn trong công việc; sức khỏe thể chất; sức khỏe tinh thần để đảm bảo công việc; và kinh nghiệm.
“Tôi nghĩ mình có đủ cả 5 phẩm chất này”, ông nói thêm, ngụ ý rằng mình sẽ đứng ra tranh cử vào năm 2020. Khác với những nhân vật còn lại trong danh sách này, ông là một chính gia gia da màu.
Ông Holder phục vụ chính quyền Obama từ năm 2009-2015. Ông cho rằng kinh nghiệm làm việc và mối quan hệ thân cận với cựu tổng thống da màu sẽ giúp ông giành chiến thắng.
“Tôi rất tự hào về những gì mình làm được dưới thời Tổng thống Obama, và tôi nghĩ điều này sẽ giúp tôi có được nhiều sự ủng hộ”, ông nói.
Những ứng cử viên dưới đây đều là người nổi tiếng, họ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ đông đảo các cử tri, nhưng đã từ chối cơ hội tranh cử tổng thống vào năm 2020.
12. Tiếng tăm của cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama không suy giảm nhiều sau khi chồng bà kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016. Theo một khảo sát được công ty phân tích dữ liệu Zogby Analytics thực hiện hồi tháng 5, bà có nhiều lợi thế hơn so với Tổng thống Trump nếu hai người đối đầu, với tỷ lệ ủng hộ lên đến 48% so với tỷ lệ 39% của đương kim tổng thống. Một khảo sát được YouGov thực hiện hồi tháng 4 cho thấy 90% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ bà.
Tuy nhiên, bà khiến nhiều cử tri không khỏi thất vọng khi tuyên bố không đứng ra tranh cử. “Tôi chưa bao giờ đam mê chuyện chính trị”, cựu đệ nhất phu nhân nói. “Tôi chỉ cưới một người tâm huyết với các vấn đề của đất nước, và ông ấy đã khiến tôi tham gia chính trường”.
Trong một sự kiện hồi đầu năm 2016, cựu tổng thống Barack Obama cũng khẳng định “có 3 điều chắc chắn trong cuộc sống: cái chết, thuế, và việc bà Michelle không tranh cử tổng thống”.
“Bà Michelle chưa bao giờ phát biểu vì mục đích chính trị”, ông Michael Starr Hopkins, chiến lược gia của đảng Dân chủ, nhận xét. “Các thông điệp của bà rất chân thành và mọi người tin tưởng bà”.
13. “Nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey được Washington Post đánh giá là một thiên tài về giao tiếp, bà có khả năng thu hút tất cả mọi người và nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Từ đầu năm, người hâm mộ đã liên tục kêu gọi bà tranh cử sau bài phát biểu truyền cảm hứng về vấn nạn xâm hại tình dục tại sự kiện trao giải Quả cầu Vàng 2018.
Tổng thống Trump cũng nhiều lần cho biết ông hy vọng sẽ đối mặt với bà Winfrey trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Tuy nhiên trái với kỳ vọng, bà Winfrey khẳng định “không muốn tranh cử” trong một sự kiện vận động hồi đầu tháng.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Oprah Winfrey đã nỗ lực trong nhiều năm để trở thành một phụ nữ giàu có và quyền lực thuộc hàng top trên thế giới của ngày hôm nay. Từ lâu bà đã nổi tiếng là người ủng hộ và thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện huy động tài trợ của đảng Dân chủ. Nếu ứng cử, bà sẽ là một trong những ứng cử viên nặng ký theo đánh giá của Washington Post.
Nguồn tin: Theo Zing.vn::
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn