Vì sao bà Tiến không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận giáo sư?

Thứ ba - 03/04/2018 03:51
(Dân Trí) - Kết quả rà soát 94 giáo sư, phó giáo sư đã kết thúc, dự kiến sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Theo nguồn tin cho biết, có rất nhiều ứng viên do hồ sơ không chuẩn xác, không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận giáo sư và xin rút trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và nhiều quan chức khác.
Vì sao bà Tiến không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận giáo sư?

                       

Thông tin kết quả rà soát 94 GS,PGS đã được Thanh tra Bộ GD&ĐT hoàn thành vào ngày 31/3 và gửi báo cáo lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ báo báo Thủ tướng về kết quả này và dự kiến sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.

Được biết, sau khi rà soát, đoàn công tác thanh tra độc lập của Bộ GD&ĐT đã phát hiện rất nhiều hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư và xin rút trong đó có ứng viên giáo sư là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ứng viên phó giáo sư Trương Xuân Cừ - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và nhiều quan chức khác như cục trưởng, giám đốc…

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho biết, những ứng viên không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư trong đợt rà soát này đa số là thiếu minh chứng giờ giảng.

Theo quy định, khi ứng viên tham gia giảng dạy là có hợp đồng và thanh lý giảng dạy. Tuy nhiên, để công nhận minh chứng trên thì ứng viên phải có số lượng giờ dạy, thông tin lớp học, kế hoạch giảng dạy, ký xác nhận, hóa đơn... nhưng các ứng viên không chú ý đến chi tiết này và các trường không lưu giữ nên nhiều ứng viên không có chứng cứ cung cấp tới đoàn kiểm tra.

“Đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT đã làm việc rất cụ thể, chi tiết, kỹ lưỡng, hết sức công minh và trực tiếp trao đổi với từng ứng viên để cung cấp chứng cứ mới. Sau đó, đã thông báo kết quả về từng hội đồng ngành và hội đồng ngành thông báo tới ứng viên không đủ điều kiện công nhận giáo sư, phó giáo sư sau rà soát” – GS.TS Bùi Văn Ga cho hay.

Được biết, trong thời gian rà soát có rất nhiều ứng viên, giáo sư, phó giáo sư đã nộp đơn xin rút trong đợt xét công nhận đợt này.

Nhiều hội đồng có ứng viên không đủ điều kiện công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư sau khi rà soát là sinh học, quân sự, an ninh, y tế, hóa học, kinh tế, văn học…

Trao đổi với PV Dân trí, GS Đặng Ứng Vận, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành hóa học cho rằng, đây là điều đáng tiếc vì lúc Hội đồng ngành xét cũng không đủ điều kiện để xét chi tiết như thanh tra Bộ được. Thanh tra Bộ về hẳn trường, kiểm tra từng hồ sơ thì mới phát hiện những thiếu sót. Hội đồng ngành chỉ xét trên hồ sơ mà hội đồng cơ sở gửi lên, không có điều kiện đi sâu, tìm hiểu.

Theo GS Vận, hiệu trưởng khi xác nhận giờ giảng cho các ứng viên thì phải quan tâm nhiều hơn đến hồ sơ giảng dạy. Bản thân ứng viên cũng cần quan tâm hơn đến các thông tin chi tiết này để tránh điều đáng tiếc xảy ra. Các ứng viên thiếu sót trong hồ sơ đợt này có thể thông tin chưa được chuẩn chỉnh về quy định hồ sơ.

GS Vận cho hay, việc lưu giữ hồ sơ giảng dạy của các trường mặc dù thực hiện theo quy định nhưng có tài liệu, hồ sơ chỉ lưu 2 năm hoặc 5 năm hoặc có khi thất lạc, chỉ có bằng cấp mới lưu vĩnh viễn. Đây là yếu tố khách quan nên các ứng viên hết sức lưu ý. Đồng thời, Hội đồng giáo sư nhà nước phải điều chỉnh và xem xét lại những quy định này.

Được biết, theo Thông tư 44 của Bộ GD&ĐT về việc thỉnh giảng thì các cơ sở giáo dục phải lưu giữ hồ sơ thỉnh giảng; các ứng viên khi ký hợp đồng thỉnh giảng phải có điều khoản bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan của mình.

GS.TS Bùi Văn Ga cho biết, sau đợt rà soát này, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước rút kinh nghiệm sẽ hướng dẫn thông tin cụ thể hơn cho các hội đồng ngành và cho các ứng viên xét trong đợt công nhận tới để tránh thiệt thòi cho các ứng viên về hồ sơ.

Theo quy định, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chỉ xét, công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS còn việc bổ nhiệm các chức danh GS, PGS do các cơ sở giáo dục đại học thực hiện. Những trường có yêu cầu cao, đã có nhiều giảng viên có chức danh GS, PGS thì có thể lựa chọn những người có thành tích giảng dạy, nghiên cứu khoa học cao hơn để bổ nhiệm.

 

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây