Trục lợi trên sinh mạng người dân là hành vi cần phải nghiêm trị

Thứ sáu - 16/06/2017 05:36
(PL News) - Thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết là phạm pháp, biết vật tư, thiết bị chất lượng kém mà vẫn lắp ráp bán cho ngư dân là những kẻ vô lương tâm.
Trục lợi trên sinh mạng người dân là hành vi cần phải nghiêm trị

 

 

Ngư dân Bình Định khởi kiện doanh nghiệp đóng tàu vì thay đổi loại thép vỏ tàu, đánh tráo máy “xịn” thành máy “rởm”,… Tỉnh ủng hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ủng hộ nhưng một số ngư dân lại rút đơn kiện khi nhận được một ít tiền từ doanh nghiệp.

Số tiền mà doanh nghiệp “đi đêm” với ngư dân có bằng khoảng 1/10 giá trị con tàu (khoảng từ 130 - 300 triệu đồng).

Trong câu chuyện này có hai vấn đề cần được xem xét:

Thứ nhất: đây có phải là khoản đền bù thiệt hại cho ngư dân khi tàu bị hỏng?

Nếu là đền bù thiệt hại thì phải tính lũy kế tất cả thiệt hại do tàu hỏng, do không thể đi biển và lãi suất ngư dân phải trả ngân hàng.

Nếu tính đầy đủ như vậy số tiền các doanh nghiệp trao cho ngư dân có đủ đền bù thiệt hại mà họ phải gánh chịu?

Thứ hai: liệu có việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của ngư dân để trốn tránh trách nhiệm, để đổ dồn thiệt hai lên vai ngư dân nhằm giảm tổn thất tài chính và uy tín cho doanh nghiệp và quan trọng hơn nhằm qua mặt pháp luật, tránh phải xuất hiện trước một phiên tòa mà doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ bị kết tội vi phạm hợp đồng kinh tế?

Nhiều tàu vỏ thép tại Bình Định mới đóng đã hỏng hóc do chất lượng kém. (Ảnh: Tuoitre.vn)


Dù với bất kỳ lý do gì, cũng không thể không đặt tiếp câu hỏi thứ ba: có hay không âm mưu phá hoại kinh tế biển của đất nước, làm suy yếu khả năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông khi ngư dân không thể ra khơi, không thể hỗ trợ các lực lượng chức năng tuần tra giám sát các hoạt động trên biển?

Đánh tráo máy tàu chính hãng bằng máy “rởm” trôi nổi trên thị trường, thay thế thép vỏ tàu Nhật bản, Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc không thể nói là hành động vô tình, càng không thể nói những kẻ làm việc đó là người có đạo đức.

Tại nước biển mặn quá nên tàu bị rỉ sét”, không nói những người thông minh, chỉ cần người đầu óc bình thường cũng không ai nói như vậy.

Phải chăng người nói câu đó có vấn đề về tâm thần hay họ bị tâm thần thực sự, nếu không thì chỉ có thể đó là những kẻ không còn nhân tính bởi họ đã coi tính mạng ngư dân trên biển không bằng lợi nhuận thu được.

Tại hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản tổ chức ngày 9/6/2017 giữa Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu công ty Đại Nguyên Dương thay lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân là đóng bằng thép Hàn Quốc.

Với số máy tàu bị hư hỏng của công ty Nam Triệu, Bộ cũng yêu cầu phải thay bằng máy mới chính hãng Mitsubishi như hợp đồng giữa 2 bên, không chấp nhận sửa chữa hư hỏng.

"Những kẻ khốn nạn"

Thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết là phạm pháp, biết vật tư, thiết bị chất lượng kém mà vẫn lắp ráp bán cho ngư dân là những kẻ vô lương tâm.

Với những kẻ vừa phạm pháp, vừa nhẫn tâm như vậy, luật pháp có nên để chúng giỡn mặt khi chúng vung tiền mua chuộc ngư dân rút lại đơn kiện?

Nếu phạm pháp dùng tiền có thể không bị khởi kiện, có thể che mắt công lý, vậy thì Nhà nước có còn là Nhà nước pháp quyền, Chính phủ có thể là Chính phủ minh bạch?

Thiết nghĩ, cơ quan điều tra tỉnh Bình Định cần chủ động vào cuộc làm rõ vụ việc (dù có một số ngư dân đã rút đơn kiện).

Vấn đề không chỉ dừng ở hai doanh nghiệp đóng tàu là Đại Nguyên Dương và Nam Triệu mà còn nhiều đơn vị liên quan, trong đó có Công ty Hoàng Gia Phát, công ty này từng đổ lỗi cho ngư dân “không biết vận hành dẫn đến hư hỏng” máy tàu.

Khi đại diện hãng Mitsubishi khẳng định: “toàn bộ máy tàu trên 8 con tàu do Công ty Nam Triệu đóng đều không phải máy được phân phối chính hãng.

Công ty Hoàng Gia Phát cũng không phải là đại lý phân phối tại Việt Nam”.

Công ty Đại Nguyên Dương là đơn vị ngoài quốc doanh, với chủ tư bản lợi nhuận đạt 300% thì có treo cổ họ vẫn sẵn sàng làm nên bài viết này không tập trung vào họ.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu (được thành lập từ 1966) là đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa, đóng mới tàu thủy, ba trong bốn cam kết chính sách chất lượng sản phẩm của đơn vị này như sau:

- Chế tạo ra những phương tiện vận tải thủy theo đúng thiết kế và các yêu cầu đã cam kết với khách hàng”.

- Liên tục cải tiến hệ thống quản lý chất lượng dựa trên ISO 9001:2008 để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin và sự hài lòng của khách hàng đối với công ty.

- Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn tuân thủ quy định trong các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước.

Ảnh chụp màn hình “Chính sách chất lượng” của Công ty đóng tàu Nam Triệu.


So sánh lời nói và việc làm của Công ty Nam Triệu, báo Cand.com.vn viết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định cũng kiểm tra 12/20 tàu đóng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu (Hải Phòng) và kết quả tương tự.

Thân, vỏ tàu bị gỉ sét, máy chính Mitsubishi đều gặp sự cố và hư hỏng, máy phát điện cũng hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh...

Ngoài ra, quy định của Nghị định 67/NĐ-CP là hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, còn Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu”.[1]

Trong 4 điều cam kết chất lượng, Công ty Nam Triệu đã vi phạm ba điều đó là: cam kết với khách hàng, tạo niềm tin của khách hàng và tuân thủ quy định của Nhà nước.

Vậy đã đủ cơ sở để khẳng định công ty Nam Triệu là đơn vị không trung thực, nói một đằng, làm một nẻo, có biểu hiện lừa đảo ngư dân hay còn cần tìm thêm dẫn chứng?

Ai cản trở, ai thao túng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Với một đơn vị kinh tế nhà nước, thuộc một lực lượng chuyên lo cho “giấc ngủ của dân” mà lại xem thường tính mạng ngư dân, lừa ngư dân như vậy, lãnh đạo cấp trên có nên xem xét tư cách đội ngũ lãnh đạo đơn vị này?

Năm 2015, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm quân đội làm kinh tế, dưới thời Đặng Tiểu Bình, quân đội được khuyến khích kinh doanh nhằm phát triển kinh tế quốc gia và cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, chính sách này đã làm nảy sinh vấn nạn tham nhũng cho một số tướng lĩnh và cấp chỉ huy quân đội.

Tại Việt Nam từ năm 2004 khi thảo luận về Luật Quốc phòng, các đại biểu đã tranh luận nhiều về việc lực lượng vũ trang làm ăn kinh tế, có ý kiến cho rằng: “quân đội có thể làm kinh tế ở một số lĩnh vực đang có hiệu quả, nhưng đi buôn thì tuyệt đối cấm”.

Cho đến nay chưa có tổng kết cụ thể về hiệu quả làm ăn kinh tế của lực lượng vũ trang (quân đội, công an).

Tuy nhiên một số sự kiện gần đây như việc xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 492 thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn nợ tiền thuê nhân công một năm không trả [2] hoặc sự việc công ty Nam Triệu (Bộ Công an) hiện tại liệu có thể coi là lời cảnh báo về việc kinh doanh của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

Chỉ vì một sân golf mà phiền lòng cả nước, chỉ vì hai cơ sở đóng tàu mà bao ngư dân khốn khó, đó phải chăng là kết quả tất yếu của nền kinh tế thị trường mang tính đặc thù?

Quy định mới về mua, bán, đóng mới tàu biển 

Chúng ta nói quá nhiều, quyết tâm quá nhiều nhưng quyết định lại ít.

Chẳng lẽ đó không phải là “lợi ích nhóm”, chẳng lẽ những người có trách nhiệm hiện nay không đủ “nguồn lực” để sửa chữa những gì “thế hệ trước” để lại?

Trở lại câu chuyện tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, còn một đơn vị liên quan là Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Báo Dantri.com.vn viết: “Tàu vỏ thép liên tục hỏng, 18 ngư dân đang bị thả trôi trên biển”. Đó là tàu vỏ thép BĐ 99144 TS, công suất hơn 800 CV, hành nghề lưới chụp, có giá trị hơn 18 tỉ đồng.

Tàu này đóng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu (quận Kiến An, Thành phố Hải Phòng), hạ thủy vào tháng 1/2017. [3]

Tàu kém chất lượng vẫn cho phép bàn giao cho ngư dân đưa vào sử dụng chỉ có thể hoặc là Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản không đủ năng lực kiểm định hoặc là có sự đồng lõa, bắt tay với doanh nghiệp bỏ qua các sai phạm.

Dù với lý do nào thì những người có trách nhiệm tại Trung tâm này cũng không thể vô can.

Không thể chỉ nghiêm túc rút kinh nghiệm mà phải xử lý hình sự vì chất lượng phương tiện liên quan đến an toàn tính mạng của ngư dân trên biển.

Pháp luật không phải là lĩnh vực người vi phạm có thể “đi đêm” hòng trốn tội, càng không phải nơi để những người hiểu biết pháp luật lừa dối những ngư dân chất phác.

Trục lợi trên sinh mạng ngư dân nói riêng và người dân nói chung là hành vi cần phải nghiêm trị.

Nguồn tin: GDVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây