Quá muộn chăng, cái 'cảm giác như máu mình đổ xuống'?

Thứ tư - 04/04/2018 03:46
(vietnamnet.vn) - Khi giao rừng-kho tài nguyên quý giá của quốc gia cho những người thiếu liêm chính mà thừa lòng tham canh giữ, chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”.
Quá muộn chăng, cái 'cảm giác như máu mình đổ xuống'?

Ngày 30/3, khi đến hiện trường vụ kẻ xấu khai thác trái phép gỗ quý tại khu vực rừng phòng hộ sông Kôn, huyện Đông Giang, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã cảm thán: “Tôi nhìn những cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”...

Tôi tin, cảm giác xót xa, tiếc nuối của ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam là có thật. Những ai có chút tình yêu với rừng, với thiên nhiên; những ai từng quặn lòng, trào nước mắt mỗi khi chứng kiến những trận cuồng lũ từ thượng nguồn ập về, cuốn phăng bao phận người và thành quả mồ hôi nước mắt của con người, không thể không xót xa, tiếc nuối, và cả căm phẫn!

Nhưng đây không phải là vụ chặt phá, khai thác rừng trái phép quy mô lớn với mức độ nghiêm trọng duy nhất xảy ra ở Quảng Nam được phát hiện, từ ngày Thủ tướng Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Phó Chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh tận mắt chứng kiến hiện trường tàn sát rừng phòng hộ liều lĩnh và ngang nhiên này.

Trong tháng 3 vừa rồi, ngoài vụ kẻ gian vào khu vực rừng phòng hộ sông Kôn thuộc huyện Đông Giang chặt hạ 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào, đường kính lớn, với khối lượng trên 200m3, thì ở huyện Nam Giang, tại khu vực lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bung cũng xảy ra vụ kẻ gian khai thác, tàn phá rừng ngang nhiên, như ở chốn không người. 34 cây gỗ đường kính lớn bị chặt, xẻ phách và hầu hết vận chuyển ra khỏi rừng!

Trước đó, vào tháng 9/2017, tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, 100 ha rừng phòng hộ cũng bị ủi phá để lấy đất trồng cây keo. Trước nữa, vào tháng 7/2016, xảy ra một vụ tàn sát rừng đình đám, chắc nhiều người còn nhớ ? Tại khu rừng phòng hộ nằm sát biên giới, trên địa bàn xã La Dêê, huyện Nam Giang, một nhóm đối tượng đã chặt hạ 41 cây gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi... Vụ việc đã được khởi tố và đưa ra xét xử. Bị can không chỉ là những kẻ mà chúng ta thường gọi là lâm tặc, mà còn là cán bộ kiểm lâm, sỹ quan biên phòng, những người có chức phận đấu tranh, bảo vệ tài nguyên rừng... 

Phá rừng,gỗ quý,Đóng cửa rừng,sông Kôn,kiểm lâm,cán bộ,tham nhũng
Hiện trường rừng phòng hộ Sông Kôn bị lâm tặc đốn hạ. 
Ảnh: Baotainguyenmoitruong

Thế nên, cái sự cảm thán của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam “nhìn những cây rừng như thế này ngã xuống” có “cảm giác như máu mình đổ xuống”, hình như có muộn quá chăng? Cái cảm giác này đúng ra phải có từ trước đó, trước nữa, để không để xảy ra cái sự “quá tam ba bận”. Người dân nghi ngờ về quyết tâm chính trị và những giải pháp thường được cho là quyết liệt, triệt để từ người có trách nhiệm sau mỗi vụ phá rừng nghiêm trọng được phát hiện, khi mà sau đó những cánh rừng đã được “đóng cửa” và có chủ, vẫn tiếp tục bị tàn sát như ở chốn không người?

Người dân cũng đặt câu hỏi, sau mỗi vụ “mất bò”, đã “lo làm chuồng” cớ sao “bò” vẫn tiếp tục bị kẻ gian vào tận “chuồng” “xỏ mũi” dắt đi? Đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng liệu còn đủ tin cậy hay đã và đang tự diễn biến, tha hoá, thành kẻ bảo kê, tiếp tay, đồng loã với kẻ phá rừng? Ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng kiểm lâm, đã đành, nhưng lãnh đạo chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã để mất rừng, không lẽ vô can? Thành ra ngoài lời cảm thán “như máu mình đổ xuống” đầy hình ảnh gợi cảm từ vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người dân còn cần nghe một lời nhận trách nhiệm từ người lãnh đạo cao nhất của chính quyền địa phương.

Lâu nay, thành cái tật, sau mỗi vụ sai phạm xảy ra ở địa phương, người có trách nhiệm thường cất lên hai từ: Không biết! Dường như đó là câu niệm chú hiệu nghiệm nhất để phủi tay, chối bỏ trách nhiệm, thành kẻ vô can?

Cũng bấy lâu, khi để xảy ra mất rừng, những người liên quan thường nại lý do “diện tích rừng lớn”, “địa hình phức tạp” hay “lực lượng bảo vệ rừng mỏng” để đặt chuyện mất rừng vào sự đã rồi, là bất khả kháng, để lại nhởn nhơ và khơi khơi kéo dài sợi dây rút kinh nghiệm, cho đến khi rừng thành đất trống đồi trọc...

Để mất rừng, lại là rừng phòng hộ, từ chính quyền đến lực lượng chức năng, không thể vô can.

Người dân miền rừng vẫn truyền nhau câu chuyện vui, cắt nghĩa vì sao cây gỗ lâm tặc chặt từ rừng to thế mà qua mặt kiểm lâm ngon lành thế... Là vì cây gỗ được phủ lớp bột... tiền, có năng lực tàng hình, nên từ kiểm lâm đến chính quyền không còn nhìn thấy(!)

Công việc bảo vệ rừng không dễ dàng nhưng không phải là quá khó khăn. Người làm nghề quản lý bảo vệ rừng, hơn ai hết, thông thuộc từng lô, từng khoảnh; biết rõ từng cây gỗ quý nằm ở tiểu khu nào. Họ cũng rất biết lâm tặc là ai. Ngày nay, chưa nói đến thiết bị kết nối vệ tinh, chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet thông thường, những kiểm lâm viên không cần đến tận nơi vẫn có thể quan sát được hiện trạng các khoảnh rừng, không khó để nhận ra sự thay đổi bất thường từng lô, từng khoảnh.

Bên cạnh lực lượng trực tiếp thực hiện chức năng quản lý bảo vệ rừng, còn có chính quyền, các lực lượng chức năng khác và trăm ngàn tai mắt nhân dân. Vấn đề là họ có thực sự liêm chính, sống chết vì màu xanh của rừng hay không. Khi giao rừng-kho tài nguyên quý giá của quốc gia cho những người thiếu liêm chính mà thừa lòng tham canh giữ, chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”.

Để rừng không còn chảy máu, để lâu lâu không lặp lại cái cảm giác “nhìn những cây rừng ngã xuống” như thấy “máu mình đổ xuống”, không thể khác, phải xử lý và thanh lọc đội ngũ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Cũng không thể khác, phải xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu lực lượng quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu chính quyền, từ cấp xã đến cấp tỉnh.

 

Tác giả bài viết: Uông Ngọc Dậu

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây