Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Dù thế nào, việc lấp hồ Thành Công cũng là thiển cận"

Thứ hai - 10/04/2017 19:36
(PL News) - Theo TS Liêm, việc doanh nghiệp không hiểu được giá trị của hồ Thành Công mà đưa ra đề xuất lấp thì dù thế nào cũng là thiện cận, thiếu suy nghĩ.
Ảnh: Mạnh Thắng/Tiền Phong. Xử lý ảnh: Mạnh Quân
Ảnh: Mạnh Thắng/Tiền Phong. Xử lý ảnh: Mạnh Quân
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đã đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép lấp 1ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ thuộc diện cải tạo.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Dù thế nào, việc lấp hồ Thành Công cũng là thiển cận - Ảnh 1.

TS Phạm Sỹ Liêm
 

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phản đối đề xuất này, dù là lấp 1ha hồ Thành Công rồi lại đào hoàn trả ở một vị trí khác, không làm thay đổi diện tích mặt nước của công ty Việt Hưng.

"Việc tái định cư cho các hộ dân phải giải tỏa nhà rõ ràng là cần thiết nhưng việc lấp hồ dù chỉ là một phần thôi rồi lại đào ở chỗ khác hoàn trả cũng không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi phản đối việc này.

Bởi, ở đây, đơn vị này chưa hiểu rõ chức năng của hồ trong đô thị. Cụ thể như hồ Thành Công, là hồ trong đô thị để điều hòa nước mưa và nó có tác dụng ngay tại chỗ nên không thể lấy một nơi khác để thay thế.

Thứ nữa, đây cũng là cảnh quan đặc sắc của đô thị, trở thành nét riêng của thủ đô Hà Nội, nơi vị trí địa lý có nhiều mặt nước, nhiều hồ", ông Liêm nói.

Ông Liêm cũng nêu rõ, mỗi hồ ở Hà Nội đều có vị trí địa lý, giá trị khác nhau nên việc tôn tạo, gìn giữ hồ phải được coi trọng chứ đừng nói đến việc lấp.

"Trước đây, một số hồ đã bị lấp, vì thế những hồ còn lại phải đưa vào diện bảo vệ, giữ gìn khi mỗi hồ có một đặc sắc riêng.

Còn việc doanh nghiệp không hiểu được giá trị của hồ mà đưa ra đề xuất lấp thì dù thế nào cũng là thiển cận, thiếu suy nghĩ. Tôi mong các cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ xem xét thật kỹ, không chấp nhận đề xuất như vậy", ông Liêm nhấn mạnh.

TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, Nhà nước, Quốc hội đã khẳng định cải tạo chung cư cũ phải tuân theo quy hoạch.

"Yêu cầu của thành phố phải gia tăng thêm không gian công cộng, cây xanh, mặt nước thì đề xuất lấp hồ đi chỉ vì mục tiêu cải tạo chung cư là điều khó có thể chấp nhận được", ông Nghiêm cho hay.

Ông cũng nêu rõ, trong khi cây xanh, mặt nước đang được người dân hết sức quan tâm, nhiều nơi, nhiều chỗ, người dân quyết tâm biến bãi rác thành khu cây xanh, thì doanh nghiệp chủ động đề xuất giảm diện tích không gian xanh đi là không ổn.

Thêm một lỗi nữa là tăng dân số trong nội đô lên là không đúng so với chủ trương.

"Kể cả trong trường hợp doanh nghiệp bù lại 1ha mặt nước mới cho hồ Thành Công thì chắc chắn cũng chưa tính tới sự biến đổi về sinh thái, về mô hình sử dụng đất.

Đền bù 1ha ở chỗ khác thì hình dáng hồ như thế nào, vì hồ nước còn liên quan tới vấn đề thoát nước mặt, liên quan tới địa chất, thủy văn.

Đặc biệt với những hồ ở nội đô đã ổn định thì luôn gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của cả khu vực.

Vì thế, theo tôi đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia, giải pháp ấy chưa tính tới tổng thể quy hoạch.

Cách làm này cũng không tuân theo quy hoạch chung, vì doanh nghiệp mới đưa ra phương án cân bằng diện tích mặt nước nhưng không tính tới mối liên kết với hạ tầng khung xung quanh ra sao", ông Nghiêm nhấn mạnh thêm.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng xác nhận về việc, phía doanh nghiệp đề xuất như trên, tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng, sáng kiến ban đầu.

Vị này cho rằng, sáng kiến này cũng nên được ghi nhận nhưng muốn được thông qua như thế nào thì doanh nghiệp cần phải có bản vẽ chi tiết, lên phương án trình cụ thể.

Sau đó cần cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn đóng góp ý kiến và có cả xin ý kiến của người dân.

Nguồn tin: Tri Thức Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây