Không thể bắt buộc công dân hiến máu

Chủ nhật - 29/01/2017 23:04
Không thể bắt buộc công dân hiến máu

 

(PhapluatNews) - Trước đề xuất giải pháp quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất này.

Trong báo cáo tác động khi tiến hành làm khảo sát, điều tra để xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đưa ra phương án hai phương án:

Phương án thứ nhất: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu.

Phương án thứ hai: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Mặc dù chỉ mới là đề xuất nhưng những giải pháp trên đã nhận được rất nhiều ý kiến bình luận. Theo đó, nhiều dấu hỏi đặt ra xoay quanh phương án quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân khi trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc 2017 có quy định nghiêm cấm hành vi "ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu hoặc tế bào gốc" (Khoản 1, Điều 5 Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc được đăng tải lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính Phủ).

Không chỉ trái với tinh thần của Dự thảo luật về máu và tế bào gốc 2017, phương án quy định bắt buộc hiến máu với công dân còn có vấn đề chưa phù hợp về mặt đạo đức. Trao đổi với PV, chị N.T.H.H (22 tuổi) là người đã từng tham gia hiến máu cho hay: "Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp, bản thân từ Hiến đã thể hiện tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Đề xuất quy định bắt buộc theo mình là không hợp lý vì đã bắt buộc thì không gọi là Hiến".

Không thể bắt buộc công dân hiến máu - Ảnh 1

Có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất quy định bắt buộc hiến máu - Ảnh minh họa

Tuy rằng trong phương án quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu, nhưng vẫn có ý kiến quan ngại: "Mình và một số người bạn đủ cân, không bị bệnh truyền nhiễm, đáp ứng đủ điều kiện trước khi hiến máu. Tuy nhiên, hiến máu xong sức khỏe cũng rất tệ và mất thời gian dài để hồi phục. Liệu Luật có dự liệu được trường hợp đó không?"Cùng quan điểm trên chị P.T.T.N (24 tuổi) cũng là một người tích cực trong hoạt động hiến máu bày tỏ: "Mình thấy đề xuất quy định bắt buộc hiến máu là không hợp lý và khó thực hiện. Thay vì bắt buộc thì hãy làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tự nguyện, tích cực tham gia, như vậy hay hơn".

 

Theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHaO), ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành Luật Hiến máu (Blood Donation Law) hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền như: Luật truyền máu, Luật cấm buôn bán máu…. Sau khi Luật hiến máu được Quốc hội các nước ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên tại nước ta, những quy định trên chưa được ban hành nên đã có nhiều ý kiến về vấn đề kỹ thuật là bất khả thi.

"Quy định bắt buộc mỗi người hiến một đơn vị máu thì cấp số nhân trong vòng một năm sẽ ra số lượng máu vô cùng "khủng khiếp". Vậy cơ chế giám sát sẽ ra sao? liệu rằng số máu đó có "miễn phí" thực sự đến với những người cần máu và lượng dư sẽ được đưa đi đâu?" - Chị N.T.T.T (23 tuổi) cho hay.

Trái lại với những quan điểm không ủng hộ trên, Bác T.T.N (58 tuổi) lại cho rằng: "Chắc tại nguồn máu đang thiếu quá. Bác cũng quan ngại về tình trạng sức khỏe nhưng làm công dân phải tập tuân lệnh Nhà nước".

Như vậy, có thể thấy nghĩa vụ của công dân là chấp hành pháp luật, tuân lệnh Nhà nước, tuy nhiên đi kèm với nghĩa vụ công dân cũng có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ (Khoản 1, Điều 20, Hiến Pháp 2013).

Thiết nghĩ nếu như quy định bắt buộc hiến máu đi vào thực tế thì kéo theo sau đó những quy định bắt buộc về hiến những "tài sản" khác của con người có diễn ra?

Trong tờ trình mới nhất dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ y tế đề xuất nên lựa chọn giải pháp thứ 2: "quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu" để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện hoạt động truyền máu (Thông tư Số: 26/2013/TT-BYT hướng dẫn hoạt động truyền máu)
1. Vì mục đích nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
2. Bảo đảm tự nguyện đối với người hiến máu; không ép buộc người khác hiến máu, thành phần máu.
3. Chỉ sử dụng máu và các chế phẩm máu phục vụ chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
4. Giữ bí mật các thông tin có liên quan đến người hiến máu, người nhận máu và chế phẩm máu.
5. Bảo đảm an toàn cho người hiến máu, người bệnh được truyền máu, chế phẩm máu và nhân viên y tế có liên quan.
6. Thực hiện truyền máu hợp lý đối với người bệnh.
Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

Nguồn tin: Theo ĐSPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây