Hồ sơ vụ án chở bằng xe tải, chỉ cho bị can 4 giờ để đọc?

Thứ bảy - 18/11/2017 22:26
TTO - Có những vụ án có hàng trăm, hàng ngàn bút lục mà cơ quan tố tụng phải dùng xe tải chở hồ sơ để vận chuyển thì quy định cho bị can tối đa 4 giờ để đọc là không khả thi.
Hồ sơ vụ án chở bằng xe tải, chỉ cho bị can 4 giờ để đọc?

 


Hồ sơ vụ án chở bằng xe tải, chỉ cho bị can 4 giờ để đọc? - Ảnh 1.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (ảnh) là vụ án có hồ sơ nhiều đến mức phải dùng xe tải chở. Nếu chỉ được đọc tối đa 4 giờ thì bị cáo không thể đọc hết tài liệu - Ảnh: T.T.D.

Dự thảo thông tư liên tịch (Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng) có nêu rõ bị can hoặc người đại diện pháp nhân được quyền đọc, ghi chép tài liệu sau khi kết thúc điều tra, trong giai đoạn truy tố đến trước khi tòa án có quyết định đưa ra xét xử.

Chưa bàn tới những vấn đề khác, riêng việc dự thảo thông tư liên tịch quy định về việc cho bị can đọc hồ sơ đã thấy có không ít vấn đề không ổn. 

Theo dự thảo, đối với tội ít nghiêm trọng mỗi bị can được đọc hồ sơ tối đa 2 giờ. Đối với bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì có nhiều nhất là 4 lần đọc hồ sơ (tối đa 8 giờ và được ghi chép bằng tay) những ý chính, quan trọng. 

Hồ sơ được số hóa hay bản in (giấy) tài liệu, bị can được đưa về phòng giam để nghiên cứu.

 

Thực tế cho thấy những vụ án có tình tiết đơn giản, hồ sơ không nhiều, bị can có thể đủ thời gian để đọc tài liệu. Nhưng với những vụ án nhiều bị can, tình tiết phức tạp thì bị can, nhất là bị can đầu vụ, khó mà đọc và ghi chép tài liệu trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy.

Có những vụ án có hàng trăm, hàng ngàn bút lục như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như hay bầu Kiên, cơ quan điều tra phải dùng xe tải chở hồ sơ để chuyển cho viện kiểm sát, việc đọc được hết hồ sơ trong khoảng thời gian giới hạn như vậy là rất khó khả thi.

Dự thảo thông tư còn cho phép bị can chỉ được tiếp cận hồ sơ khi hoàn tất giai đoạn điều tra. Trong khi đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn chuyển giao hồ sơ từ cơ quan điều tra sang viện kiểm sát cùng cấp để truy tố là 2 ngày sau khi có kết luận điều tra. 

Điều này có nghĩa là việc đọc và ghi chép tài liệu của bị can sẽ diễn ra từ thời điểm hồ sơ vụ án được đưa sang viện kiểm sát chứ không còn tại cơ quan điều tra.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thời gian tối đa mà viện kiểm sát giữ hồ sơ vụ án là 32 ngày. 

Trong 32 ngày đó, viện kiểm sát vừa phải lo ban hành cáo trạng vừa lo giải quyết các vấn đề tố tụng khác, nay lại còn lo thêm việc tổ chức cho bị can đọc hồ sơ tài liệu vụ án nữa thì thực sự quá sức.

Tâm sự về việc này, một kiểm sát viên tại TP.HCM cho rằng luật có quy định như vậy nhưng việc thực hiện được hay không rất khó nói. 

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 rút ngắn thời gian truy tố của viện kiểm sát khiến công việc sẽ bị dồn lên. Giờ thêm việc lo cho bị can đọc hồ sơ nữa thì không biết kiểm sát viên sắp xếp thế nào.

Ngoài ra, thông tư quy định bị can được đọc những tài liệu đã số hóa. Tuy nhiên, việc hồ sơ được số hóa trong giai đoạn nào thì lại chưa thấy nêu rõ. 

Đó là chưa kể đến những quy định liên quan tới các vấn đề bí mật nhà nước mà bị can không được quyền đọc cũng có nhiều chuyện cần bàn luận.

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây