Đề xuất giao thanh tra làm cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhậ

Thứ tư - 11/04/2018 21:22
(ĐCSVN) - Thực tế quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa tốt là thiếu bộ máy được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý kiểm soát tài sản, thu nhập...
Đề xuất giao thanh tra làm cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhậ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 11/4, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Việc quy định về hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập là rất cần thiết. Các cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập đưa ra trong dự thảo Luật trình Quốc hội tháng 10 năm 2017 đã được thiết kế căn cứ vào các quy định của Đảng, Nhà nước về phân cấp quản lý cán bộ trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá và nhằm đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Chính phủ đề xuất quy định về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập trong dự thảo Luật theo 02 phương án như  sau:

Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập quy về đầu mối hệ thống thanh tra. Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Phương án 2: Thiết lập theo từng hệ thống cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo cơ chế phân cấp quản lý cán bộ (cơ quan hành chính Nhà nước; Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, đơn vị thuộc Quốc hội, UBTVQH; Tòa án, Viện Kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước; hệ thống các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…).

Chính phủ lựa chọn phương án 1 để hình thành tập trung hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập với 120 đầu mối trên phạm vi toàn quốc với vai trò thống nhất quản lý, hướng dẫn thực hiện của Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong đó: 30 đầu mối ở Trung ương, 63 đầu mối ở địa phương và khoảng 27 đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

“Phương án này sẽ giúp chuyên nghiệp hóa hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác chuyên trách nhằm quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất và hiệu quả hơn, theo nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội dựa trên khoảng 643 công chức hiện đang làm việc chuyên trách về chống tham nhũng trên toàn quốc đã có kinh nghiệm liên quan đến công tác này”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với việc thiết lập theo từng hệ thống cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo cơ chế phân cấp quản lý cán bộ của dự thảo Luật vì cho rằng, nếu tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ dẫn đến quá tải với cơ quan này trong trường hợp không bổ sung thêm biên chế, bộ máy, ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Nếu giao cho cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan thanh tra sẽ làm cho cơ quan này quá tải công việc. Nếu tăng quyền lực, tăng chức năng, nhiệm vụ... thì tăng biên chế, tăng bộ máy. Cơ quan thanh tra thuộc hệ thống hành chính nhưng lại kiểm soát cả những người không cùng hệ thống như Quốc hội, tòa án, Viện Kiểm sát, Kiểm toán nhà nước khiến hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan thanh tra gặp khó khăn. Thủ tục, trình tự xử lý vụ việc sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, phương án 2 thì cho thấy sự không đồng bộ trong quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, đề nghị kết hợp giữa phương án hiện hành hiện nay với việc giao cho cơ quan Thanh tra là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCTN và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tài sản, thu nhập sẽ  khả thi hơn và kế  thừa được các quy định lâu nay, đồng thời ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu.

Một số ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong kê khai, xác minh tài sản, thu nhập thời gian qua là do phân tán thẩm quyền và thiếu bộ máy, cán bộ chuyên trách đảm nhiệm nhiệm vụ này. Do đó, việc dự thảo Luật quy định đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và giao cho hệ thống cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ này là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, với quy định này thì việc tăng thêm tổ chức bộ máy, biên chế cho cơ quan thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được giao thêm là không tránh khỏi.../.

Tác giả bài viết: Thu Hằng

Nguồn tin: cpv.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây