Theo lời ông Bộ trưởng thì việc thí điểm bỏ biên chế chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động, trước mắt là thí điểm khu vực đại học và một số trường phổ thông, sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng. Cộng với đó, lý do được ông “bào chữa” và cho rằng quyết định của mình là đúng đắn, cần thiết bởi sẽ “từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”.
"Bỏ biên chế giáo viên, mới chỉ là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ chưa quyết", đó là trả lời của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình với Quốc hội chiều ngày 16/6 vừa qua
Điều mà nhiều người hiển nhiên nhìn thấy trong biết bao năm qua và có lẽ không cần ông Bộ trưởng nói ra là ngành giáo dục có quá nhiều “thí điểm” mà chất lượng chưa thấy đâu, trong khi lương giáo viên thì quá thấp. Nhưng để cải thiện chất lượng giáo dục và đồng lương giáo viên thì khó mà cho rằng việc “xóa bỏ biên chế” sẽ khiến tình hình thay chiều đổi hướng trong một sớm một chiều ở bối cảnh hiện nay.
Vẫn còn biết bao người thầy, người cô mang chữ đến cho các em vùng sâu vùng xa. Ảnh: Nam Nguyễn |
Đồng tình với quan điểm phải đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và tăng thu nhập cho giáo viên. Nhưng để làm được điều này mà phải xóa bỏ biên chế hay như ý kiến một vị nào đó là học sinh ủng hộ giáo viên mỗi tháng 100 nghìn thì thật xót xa và cay đắng.
“Biên chế” không phải là nguyên nhân sâu xa phản ánh chất lượng giáo dục và thu nhập giáo viên để phải xóa bỏ. Ai dám chắc người giỏi nghề, đầy tâm huyết với nghề mà nghèo có thể trụ được trong cơn bão lao động hợp đồng?.
Có ý kiến còn cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục lẫn thu nhập giáo viên thì phải thay đổi toàn diện, từ thi tuyển sinh viên đầu vào với số lượng hạn chế tối đa để chỉ người thực sự giỏi và tâm huyết với nghề mới vào sư phạm chứ không phải như dân gian truyền miệng “chuột chạy cùng sào mới vào…”. Và để toàn tâm toàn ý cho giáo viên cầm phấn đứng lớp, ngoài chế độ biên chế như bao ngành nghề khác họ còn phải được nhiều ưu đãi hơn nữa…
Phải thừa nhận một thực tế có những giáo viên cậy “biên chế” như một lá chắn hữu hiệu để tự cho phép mình ì ra, cũ mòn, không tự vặn dây cót, nạp năng lượng để bắt kịp những đổi mới và xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều giáo viên biết là đồng lương ít ỏi nhưng tình yêu nghề, khát khao mang cái chữ đến với tất cả học sinh đã không quản khó khăn để chọn cho mình cái nghề gắn với hai chữ giáo viên. Và sợi dây bảo hiểm duy nhất an ủi họ, để họ yên tâm ngày đêm đứng lớp, tạm gác lại những lo toan của cơm áo gạo tiền sang một bên dường như là hai chữ “biên chế”. Vậy thử hỏi, nếu một ngày nào đó, cái sợi dây bảo hiểm biên chế tưởng bền chắc ấy không còn nữa thì họ có thể dành hết tâm huyết cho nghề không?. Có thể lặn lội đến những vùng sâu vùng xa gieo chữ cho biết bao đứa trẻ ngày ngày cắp sách đến trường vẫn còn phải phân vân giữa đi học hay đi làm hay không?. Hay hôm nay đến lớp, thầy cô đã phải lo ngày mai liệu có ai chơi xấu, lăm le cướp mất chỗ của mình, thế chỗ của mình không?.
Người thầy với giáo viên vùng cao. Ảnh: Nam Nguyễn |
Cho đến tận bây giờ, khi mà việc xóa bỏ biên chế chưa phải là sự thật, học phí ở các trường công lập mới chỉ nhúc nhích tăng đã khiến bao gia đình phải đắn đo, cân nhắc. Hàng năm, mỗi dịp nghỉ hè đã có biết bao em học sinh và cha mẹ phải đổ mồ hôi, oằn lưng kiếm tiền để mùa thu con em mình được cắp sách đến trường. Vẫn còn đó có những em học sinh lặng lẽ chỉ nộp đơn vào trường đại học không phải đóng học phí và khi ra trường không phải lo công ăn việc làm, dù việc thi được vô cùng khắt khe. Nhưng chỉ có như thế mới là cánh cửa duy nhất giúp các em bước vào cổng trưởng đại học. Không biết rồi đây, khi xóa bỏ biên chế, mọi thứ thay đổi thì cái ước mơ “Ai cũng được học hành” như mong ước của chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa có trở thành sự thật?
Lâu nay, giáo dục vẫn được coi là quốc sách hàng đầu. Sự nghiệp giáo dục cũng như chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước được coi là quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Nên ngay cả một cuốn sách giáo khoa khi đến với học sinh cũng phải rẻ hơn so với một cuốn sách thông thường. Giáo dục có chữ “phổ thông” là phải dành cho số đông, cho mọi người bất kể họ là ai, giàu hay nghèo.
Nếu chỉ là người trồng cây, cây không đạt sản lượng, lợi nhuận thì hoặc là chặt bỏ thay thế cây khác, hoặc là thay người chăm sóc, thay quy trình. Nhưng “trồng người” không phải “trồng cây”…
Và ai đó hi vọng lời của ông Bộ trưởng chỉ là nói ra vào ngày Cá tháng tư.
Tác giả bài viết: Hiền Nguyễn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn