Xác định thiệt hại trong các vụ sai phạm “Đất vàng” (?!)

Thứ hai - 02/11/2020 01:46
(TVLMP) - Trong hoạt động tố tụng các đại án kinh tế – hình sự, đặc biệt là các đại án gây thất thoát công sản, có “bóng dáng” tham nhũng, việc xác định thiệt hại là yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới xác định tội phạm, tội danh, khung hình phạt, lượng hình và việc thu hồi tài sản … Song, thực tế trong một số vụ án, các cơ quan tố tụng lúng túng trong cách tính thiệt hại, thậm chí có quan điểm trái ngược, thiếu thống nhất.
Vì sao thiệt hại trong vụ án ông Nguyễn Thành Tài giao đất "vàng" giảm từ hơn 1.900 xuống 252 tỉ đồng?
Vì sao thiệt hại trong vụ án ông Nguyễn Thành Tài giao đất "vàng" giảm từ hơn 1.900 xuống 252 tỉ đồng?

Vụ “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn hay vụ Vũ “nhôm” cùng các đồng phạm thâu tóm 7 dự án đất công sản tại Đà Nẵng, TP HCM là những ví dụ điển hình. Vậy tính toán, xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự – kinh tế cần hiểu và tính thế nào mới đúng pháp luật ?


Nhiều tranh cãi xác định thiệt hại trong các vụ “ đất vàng”

Mới đây, Viện trưởng VKSND TP.HCM vừa kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về số tiền thiệt hại và xử lý vật chứng trong vụ cho thuê, giao “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, Quận 1 liên quan đến nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Thành Tài.

Theo kháng nghị, VKS cho rằng việc HĐXX xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là không phù hợp. Bởi theo VKS, bản chất của hành vi gây thất thoát, lãng phí phải được xác định từ thời điểm giao đất, cho thuê đất trái pháp luật dẫn đến nhà nước bị mất quyền sử dụng, mất quyền khai thác tài sản và giá trị tăng thêm của khu đất 8 – 12 Lê Duẩn.

A1
Kháng nghị một phần bản án sơ thẩm vụ giao “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, VKS TP HCM đề nghị TAND cấp phúc thẩm xét xử theo hướng xác định lại thiệt hại vụ án.



Do đó, kể từ thời điểm chuyển dịch quyền quản lý, quyền sử dụng đất nhà nước trái pháp luật cho đến khi tội phạm bị ngăn chặn, bị phát hiện khởi tố là khoảng thời gian tội phạm đã gây thất thoát, lãng phí cho nhà nước.

Vì vậy, thiệt hại phải tính đến thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, tức vào năm 2018 với số tiền hơn 1.927 tỉ đồng như cáo trạng của VKSND tối cao đã truy tố chứ không phải 252 tỷ như tòa xác định.

Trước đó, tại phiên xét xử, HĐXX cho rằng, tại thời điểm giao đất thực hiện dự án, nếu UBND TP lựa chọn đúng hình thức giao đất đúng theo quy định pháp luật, tức phải giao đất qua đấu giá và giao đất cho thu tiền sử dụng đất thì nhà nước sẽ thu được khoản tiền tương đương quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo kết luận của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là hơn 900 tỷ đồng.

Nhưng với quyết định giao đất trái pháp luật của bị cáo Tài, thì nhà nước chỉ thu được số tiền hơn 647 tỷ đồng. Từ đó, HĐXX xác định thiệt hại thực tế trong vụ án là số tiền nhà nước thất thu từ ngày sự việc xảy ra là hơn 252 tỉ đồng.

Cũng xoay quanh vấn đề xác định thiệt hại, vụ án Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm thâu tóm 7 dự án đất công sản tại Đà Nẵng, TP HCM, cách tính thiệt hại trong vụ án này của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng gây tranh cãi.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao nêu tại phiên tòa sơ thẩm, từ năm 2009 đến 2016, trên cơ sở đề xuất của bị cáo Vũ, ông Nguyễn Hữu Bách đã tham mưu để Phan Hữu Tuấn duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND Đà Nẵng, TP HCM và một số cơ quan, đơn vị.

Các văn bản này đã tạo điều kiện cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Nova Bắc Nam 79 của Vũ “Nhôm” được nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không qua đấu giá, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và một số ưu đãi khác… tại 7 nhà, đất công sản, dự án bất động sản. Tổng diện tích 6.700 m2 nhà và 26.700 m2 đất.

VKS cho rằng hành vi của bị cáo Vũ với sự giúp sức của các ông Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đã gây thiệt hại cho nhà nước gần 1.160 tỷ đồng. Con số này được tính bằng cách định giá các bất động sản trên ở thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/2/2018). Sau đó, thiệt hại của nhà nước được tính bằng cách lấy giá trị đất, giá trị cho thuê ở thời điểm vừa nêu trừ đi số tiền thực mà hai công ty Vũ bỏ ra mua, thuê             

A2
Tranh cãi gay gắt về hành vi của Vũ “nhôm” và các đồng phạm gây thiệt hại cho nhà nước gần 1.160 tỷ hay 135 tỷ đồng ?.


Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội tuyên ngày 30/1/2019 nhận định thiệt hại là hơn 135 tỷ đồng. Tòa cho hay cơ quan điều tra đã yêu cầu định giá tài sản tại thời điểm hành vi phạm tội và thời điểm khởi tố vụ án. Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng giá trị tài sản phải được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội. Trong kết luận điều tra, cáo trạng xác định giá trị tài sản tại thời điểm khởi tố vụ án là không có cơ sở.

Sau đó, VKSND TP Hà Nội, kháng nghị sửa bản án sơ thẩm VKS cho rằng, Vũ “nhôm” và các bị cáo đồng phạm với Vũ gây thiệt hại hơn 135 tỷ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất vụ án. VKS kháng nghị Toà án cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án. Tuy nhiên, kháng nghị sau đó không được cấp phúc thẩm xem xét.

Sau phiên xử phúc thẩm, Viện KSND tối cao đã quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm. Viện KSND tối cao cho rằng thiệt hại trong vụ án Vũ “nhôm” thâu tóm 7 dự án đất công sản là 1.160 tỉ chứ không phải 135 tỉ như bản án phúc thẩm tuyên và đề nghị tòa tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án.

Có thể thấy, việc xác định tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra có ý nghĩa quan trọng đôi với việc xác định mức độ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và có ý nghĩa đối với việc định tội danh, có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định mức hình phạt và mức độ bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, cách tính thiệt hại và việc xác định mức độ thiệt hại trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng thực tế thời gian qua đang xảy ra tranh cãi, chưa thống nhất trong các cơ quan tố tụng.

Quan điểm của các chuyên gia pháp luật hình sự

Trao đổi với Phóng viên Pháp Lý, Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, trong quy định của pháp luật hình sự nhiều tội danh quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm; tình tiết định khung… Do đó để kết tội hay định khung hình phạt , các cơ quan buộc tội phải chứng minh được thiệt hại xảy ra.

Đối với tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, việc xác định thiệt hại của hành vi vi phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội danh, định khung hình phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

“Dựa trên hành lang pháp lý đã có, tôi cho rằng cần thiết xác định thời điểm định giá tài sản và giá trị tài sản thiệt hại là thời điểm xảy ra vụ án, thời điểm mà tài sản bị xâm phạm” , luật sư Lê Cao nhận định.

Về vụ “ đất vàng” 8- 12 Lê Duẩn, theo quan điểm của cá nhân luật sư Lê Cao cho rằng cách tính thiệt hại của Viện kiểm sát trong vụ án này là chưa hợp lý. Bởi, theo khoa học pháp lý hình sự, thời điểm tội phạm hoàn thành với tội danh tại Điều 219 Bộ luật Hình sự là khi người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã thực hiện hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí. Khi đó nếu phạm tội này thì xác định tại thời điểm xảy ra tội phạm, tài sản đã bị xâm phạm và cần xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm xảy ra tội phạm để xác định hành vi của người phạm tội gây thiệt hại đến đâu, từ đó áp khung hình phạt phù hợp.

A4
                 Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng)


Trong trường hợp các bị cáo nhận được đất do Nhà nước giao đất, sau đó đầu tư, phát triển khu đất làm tăng giá trị của khu đất. Nhưng theo cách tính thiệt hại của Viện kiểm sát thì việc các bị cáo làm cho khu đất có giá trị càng cao thì tội bị cáo càng nặng. Như vậy có hợp lý không? Luật sư Lê Cao đặt câu hỏi.

Luật sư Lê Cao cho rằng nếu lấy giá đất tại thời điểm khởi tố để áp dụng cho hành vi phạm tội đã thực hiện vài năm trước đó thì có phần vô lý, vì các bị cáo không thể lường trước được thiệt hại của “tương lai”, hơn nữa thiệt hại theo cách xác định của Viện Kiểm sát còn được quyết định bởi một phần là do cơ chế thị trường đã đẩy giá đất lên, (giá đất tại thời điểm khởi tố) thì càng lại không có cơ sở để các bị cáo biết trước được.

Áp dụng theo cách xác định này thì sẽ tạo nên tiền lệ , sẽ có thể dẫn đến những hoạt động xét lại trong công tác quản trị của các lãnh đạo các địa phương và đó là một trong những tiền lệ đáng quan ngại cho vấn đề quản trị, gây lo lắng, sợ hãi cho các vị lãnh đạo địa phương khi thực hiện quyền hạn quản lý đất đai tại các địa phương.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý sẽ xác định thiệt hại theo cách tính giá đất nào mới đúng? , là giá đất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố hay giá đất thị trường để tính thiệt hại khi ngay tại Điều 114 Luật Đất đai 2013 có quy định rõ, Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành sẽ được sử dụng làm căn cứ để tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai, không phải là giá đất thị trường như hiện nay các cơ quan tố tụng đang áp dụng.

Trong trường hợp pháp luật không có quy định về một vấn đề hoặc quy định không rõ ràng thì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cách tính của Viện Kiểm sát làm tăng thêm trách nhiệm của người phạm tội là không hợp lý, Luật sư Lê Cao phân tích.

LS. Lê Cao đặt vấn đề sẽ xác định thiệt hại theo cách tính giá đất nào mới đúng? , là giá đất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố hay giá đất thị trường để tính thiệt hại khi ngay tại Điều 114 Luật Đất đai 2013 có quy định rõ, Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành sẽ được sử dụng làm căn cứ để tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai, không phải là giá đất thị trường như hiện nay các cơ quan tố tụng đang áp dụng.

Không đồng nhất quan điểm với LS. Lê Cao, theo quan điểm của luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lại cho rằng, trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, tùy từng giai đoạn của vụ án sẽ trưng cầu định giá để làm căn cứ xác định thiệt hại. Theo quy định tại Điều 69, Bộ luật Tố tụng hình sự, người định giá tài sản có trách nhiệm tìm hiểm, thu thập tài liệu để định giá theo nguyên tắc sát giá thị trường.

LS. Trương Xuân Tám phân tích thêm: Nhiều tội phạm bị phát hiện khi hành vi phạm tội đã trôi qua 10 năm, 15 năm, nhưng vẫn còn thời hiệu truy tố. Tùy thuộc vào tài sản chiếm đoạt, cơ quan tố tụng sẽ xác định thiệt hại tại thời điểm hành vi phạm tội xảy ra hay tại thời điểm truy tố. Ví dụ, với hành vi trộm tiền thì số tiền chiếm hưởng được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội diễn ra, không suy diễn đến tiền lãi hay là mất giá đồng tiền. Nhưng hành vi lừa đảo chiếm đoạt nhà đất thì phải xác định giá trị nhà đất đó tại thời điểm truy tố hoặc xét xử, đảm bảo sát giá thị trường.

Quá trình giải quyết vụ án, nhiều trường hợp, tòa án có thể trưng cầu định giá lại nếu việc định giá trước đó đã quá 6 tháng, không đảm bảo sát giá thị trường, hoặc khi có khiếu nại của các bên đương sự trong vụ án. Thực tế, trong các vụ án kinh tế, thường xuyên có yêu cầu định giá lại tài sản của các đương sự như bị cáo, bị hại, người liên quan, bởi việc xác định giá trị tài sản có thể ảnh hưởng đến việc xác định khung hình phạt, việc lượng hình.

Như vậy, thời điểm xác định thiệt hại không có công thức cụ thể, song vẫn có một số mốc, chẳng hạn khi hành vi phạm tội xảy ra, khi khởi tố vụ án, hoặc khi xét xử tùy thuộc vào vụ án cụ thể, – LS. Tám nêu quan điểm.

Kiến nghị

Việc xác định thiệt hại là yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới việc xác định tội phạm, khung hình phạt, lượng hình và việc thu hồi tài sản đảm bảo thi hành án sau này. Song, thực tế trong nhiều vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng lúng túng cách tính thiệt hại, thậm chí có những quan điểm trái ngược thiếu thống nhất. Người tính thời điểm giá trị thiệt hại lúc ban đầu, người lại tính tại thời điểm định giá, khi khởi tố, khi truy tố…

Một số chuyên gia pháp luật hình sự trong quá trình trao đổi với chúng tôi cho rằng, nguyên nhân là do cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật không có quy định cụ thể rõ ràng về thời điểm xác định thiệt hại trong vụ án hình sự, dẫn đến cách xử xự thiếu thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất về thời điểm tính thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến kinh tế, nên vẫn xảy ra tình trạng mỗi nơi xác định một kiểu. Có nơi tính thời điểm giá trị thiệt hại lúc ban đầu, có nơi tính tại thời điểm định giá…

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia kiến nghị Quốc Hội, Hội đồng Thẩm phán Toà án Toà án nhân dân tối cao, các cơ quan liên ngành của ngành Tư pháp… cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng để xét xử được thống nhất, có cách tính thiệt hại thống nhất, đặc biệt là thiệt hại trong các vụ án có liên quan đến đất đai, công sản. Văn bản hướng dẫn này phải được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành chung để bảo đảm thống nhất thi hành giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo  https://phaply.net.vn/xac-dinh-thiet-hai-trong-cac-vu-dat-vang-tinh-the-nao-cho-dung-phap-luat/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây