Đề nghị xem xét bỏ các loại Quỹ tự nguyện, Quỹ vận động nhân dân đóng góp

Thứ hai - 02/11/2020 21:59
(TVLMP) -  Những năm về trước, các nguồn quỹ được hình thành từ sự vận động, đóng góp của các tầng lớp nhân dân ở các địa phương trong cả nước đã kịp thời góp phần thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn ở các địa phương. Tuy nhiên, các năm gần đây việc hình thành các quỹ vận động trong nhân dân trên tinh thần tự nguyện đóng góp đã biến tướng theo kiểu áp đặt, gây bức xúc trong nhân dân… Bài viết của Luật gia Lê Bình Minh sẽ làm rõ sự bất cập đó và kiến nghị giải pháp khắc phục
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Loạn quỹ tự nguyện, vận động ...
 
Các năm gần đây ở từng địa phương trên cả nước, đơn vị thôn, bản, làng, khu, khối phố… hội, đoàn thể hình thành nhiều loại quỹ tự nguyện, chồng chéo. Do việc tổ chức thu các quỹ tự nguyện, có sự kết hợp của các tổ chức hội, đoàn thể tiến hành cùng một thời điểm. Trong khi đó công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân không đầy đủ, không phân biệt đâu là quỹ tự nguyện đóng góp cho nhà nước, đâu là quỹ của các tổ chức hội đoàn thể.

Không những phong phú về các loại quỹ mà mỗi địa phương số lượng quỹ được hình thành cũng khác nhau. Cụ thể: Ở tỉnh Tiền Giang có 53 loại quỹ tự nguyện khác nhau, các đoàn thể thì nhiều, loại quỹ, nhưng UBND cấp xã chỉ thu có 5 quỹ; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là địa phương khó khăn nhưng có đến 9 loại quỹ; tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), UBND phường thu 9 loại quỹ tự nguyện; thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên (Sơn La) thu 9 quỹ; thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thu 5 loại quỹ…Các mức thu quy định giữa địa phương cũng có sự chênh lệch khác nhau, ảnh hưởng đến tâm lý so bì, người dân bức xúc, không đồng tình việc thu các quỹ gọi là tự nguyện.

Ngoài quỹ tự nguyện, người dân còn đóng góp thông qua việc hiến tặng đất đai, tài sản, ngày công lao động, vật chất… để thực hiện các dự án, công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn từng địa phương. Thậm chí ở những địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, phần lớn thuộc diện bảo trợ xã hội, gia đình chính sách, người cao tuổi… thuộc diện được Nhà nước miễn giảm nhưng vẫn “bị” địa phương thu cào bằng để đạt chỉ tiêu.

Tại điểm b, khoản 1, Chỉ thị 24/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ  quy định: “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng”. Chỉ thị cũng yêu cầu: “Lãnh đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định trước đây”.

Tuy nhiên, do nhận thức của cán bộ Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chủ yếu là cấp cơ sở về các loại quỹ tự nguyện sai lệch về mục đích,ý nghĩa; chưa chú trọng công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền, giải thích, động viên thuyết phục để người dân hiểu và nhận thức được vấn đề, để qua đó người dân thỏa mãn về tư tưởng, tự nguyện đóng góp.

Hệ lụy trên có một phần nguyên nhân từ công tác chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên còn chung chung, chạy theo “phong trào” là chính. Đối với các Cấp ủy ở cấp huyện ban hành chỉ thị chỉ đạo “V/v tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát công tác quản lý, thực hiện việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân”; Hội đồng nhân dân thì ra Nghị quyết quy định mức “Phấn đấu thu các quỹ ngoài ngân sách nhà nước và thúc đẩy thực hiện việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân”; Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thì chỉ đạo “Nghiêm túc thực hiện đúng các văn bản quy định của nhà nước, tỉnh và địa phương về việc thu các loại quỹ trong dân”…

Các văn bản chỉ đạo trên thường tập trung vào mục tiêu thu các quỹ phải đạt, vượt chỉ tiêu giao, không quan tâm đến phương pháp vận động, làm rõ tính chất tự nguyện và có đúng pháp luật không. Từ đó cấp dưới ấn định mức thu cụ thể, giao chỉ tiêu huy động; cấp địa phương cơ sở, thì phó thác và giao chỉ tiêu thu các quỹ tự nguyện xuống từng đơn vị: thôn, bản, làng, khu, khối phố, khu vực… gắn liền chỉ tiêu thi đua.

Do áp lực thi đua nên các đơn vị cơ sở lo sợ không đạt kế hoạch, buộc họ tìm cách thu đạt chỉ tiêu, áp đặt mức thu từng hộ, từng cá nhân, không tuân thủ quy định pháp luật; hoặc vận động theo kiểu “bóng gió” cố gắng nộp để đạt gia đình văn hóa, đảng viên gương mẫu…Thậm chí có địa phương (như phường Thanh Xuân Trung , Hà Nội; thị trấn Phù Yên, Sơn La; xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang…) không vận động mà công khai ấn định mức thu cụ thể, giao chỉ tiêu huy động cho cơ sở.
           
quỹ 1
                               Ảnh minh họa
  

Nhận diện nguyên nhân

1. Tại điểm e, khoản 1, Điều 3 Luật Người cao tuổi quy định: Người cao tuổi có các quyền sau đây: “Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp”. Ngoài ra tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 45/2006/NĐ-CP ngày 28/04/2006 về Ban hành điều lệ Quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa còn quy định các đối tượng sau đây không thuộc diện được vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa: “a) Người dưới 18 tuổi, người trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam; b) Các đối tượng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; c) Người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật; d) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp xã hội; đ) Học sinh, sinh viên đang học ở các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề…”

Mặc dù pháp luật quy định nhưng mỗi địa phương nhận thức một kiểu. Có nơi do nhận thức đúng nên không thu các loại Quỹ tự nguyện đối với người cao tuổi và các đối tượng quy định ở khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2006/NĐ-CP. Nhưng ngược lại có nơi do nhận thức không đầy đủ, cho rằng các Quỹ tự nguyện này thuộc Nhà nước nên vẫn cứ vận động thu, thậm chí còn đưa vào chỉ tiêu để thu bằng được. Theo đó, không những gây bức xúc cho các đối tượng này mà còn làm trái chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng bức xúc:“Người ta chỉ chăm chăm ra một cái quỹ để được quyền thu, được quyền chi”.


Trong khi đó đối với Quỹ Phòng chống thiên tai, pháp luật (khoản 2 Điều 5, Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ) quy định rất cụ thể:“Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp 15.000 đồng/người/năm”; thì có địa phương lại lạm dụng cho miễn trừ tất cả các đối tượng nằm trong độ tuổi này, thậm chí miễn trừ luôn cán bộ làm việc ở thôn, bản làng, khu phố, khu vực, tổ dân phố, xóm…

2. Việc quản lý, sử dụng các nguồn quỹ nói trên cũng nhiều bất cập, hạn chế. Theo quy định tại Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC, mỗi quỹ thu chỉ được phép viết một biên lai thu. Tuy nhiên trên thực tế có địa phương đã viết gộp 3, 4 quỹ vào một biên lai của một quỹ (đơn cử như ở ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định…)

Hoặc cũng có địa phương viết biên lai gộp 03 quỹ, còn một quỹ ký vào sổ, cũng có cá biệt có đơn vị, ở địa phương cơ sở không viết biên lai thu mà ghi sổ ký tên người nộp. Đến việc thu, chi  các quỹ ở nhiều địa phương, cơ sở thiếu công khai minh bạch chưa làm đúng theo quy định tại Pháp lệnh Thực hiện dân chủ xã phường, để cho nhiều cử tri phường Nghi Hải, TX Cửa Lò; xã Bồng Khê, huyện Con Cuông Nghệ An, Quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh phản ánh.

Nhìn chung, việc vận động đóng góp các loại quỹ tự nguyện trong nhân dân trong những năm gần đây trong cả nước, mang nặng tính chất về thu; việc  huy động “sức dân” không phù hợp, hoặc huy động “quá sức” mà không quan tâm đến công tác truyên truyền giải thích, công tác chính trị tư tưởng, cả hệ thống chính trị (Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức đoàn thể quần chúng… ) cấp huyện, xã chưa đồng bộ trong công tác tuyên truyền giáo dục công tác chính trị tư tưởng, phó thác hết cho đơn vị : Thôn, Bản, Làng, Khu, khối phố, Khu vực, tổ nhân dân thực hiện, đã tạo dư luận bức xúc, không đồng tình trong đại đa số nhân dân.

Trong khi đó quy mô các quỹ tự nguyện trong nhân dân ở địa phương cơ sở không lớn, việc tổ chức vận động nhân dân, tự nguyện đóng góp các quỹ hiệu quả chưa cao, trong lúc đó sử dụng các quỹ, có nhiều địa phương chi phí quản lý còn lớn so với nội dung chi hoạt động của quỹ; việc quản lý và sử dụng các quỹ chưa đúng quy định pháp luật từ việc tổ chức vận động thu đến việc chi các quỹ tự nguyện, chưa đảm bảo công khai, minh bạch.

Kiến nghị, đề xuất

Xuất phát từ tình hình thực tế khoản thu từ các quỹ tự nguyện trong nhân dân không lớn, như việc tổ chức vận động nhân dân, tự nguyện đóng góp vừa qua thực hiện không theo đúng tinh thận tự nguyện, chưa mang tính nhân văn trong việc vận động.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP Đà Nẵng đề nghị xem xét bỏ những khoản thu mang tính chất vận động tại khu dân cư như Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Chăm sóc người cao tuổi, Quỹ Chăm sóc trẻ em, Quỹ kKhuyến học…. Theo cử tri, với sự phát triển kinh tế hiện nay thì những khoản thu này không đáng kể và người đi thu cũng gặp nhiều khó khăn, tạo sự bức xúc trong nội bộ các tầng lớp nhân dân.

Ngày 22/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; trong đó yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối.
         
Ngày 02/01/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 20/VPCP-KTTH về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông báo đến các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội …báo cáo Chính phủ trong quý IV năm 2020.
                             
quỹ 2
               Ảnh minh họa


+ Từ thực tế, phân tích trên và hiện nay Chính phủ đã có ban hành nhiều chế độ chính sách cho người nghèo như: Nhà ở, khám, chữa bệnh, hỗ trợ tiền điện, học tập, việc làm; đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân thì đã có Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay…. Vì vậy việc đề nghị xem xét bỏ các loại quỹ tự nguyện, không thực hiện việc vận động nhân dân ở địa phương cơ sở đóng góp là cần thiết và có cơ sở.
Đối các quỹ tự nguyện trong nhân dân việc dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sớm xem xét quyết định bãi bỏ. Đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem, xét quyết định .

+ Trong khi chờ cấp có thẩm quyền bãi bỏ hoặc sửa đổi các loại quỹ vận động trong nhân dân, theo chúng tôi, UBND cấp tỉnh cần chấn chỉnh việc thu, chi. Đồng thời, chỉ đạo, chú trọng đến việc tăng cường công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nắm biết mục đích nội dung các loại quỹ và  gắn liền công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý và nâng cao năng lực cán bộ đi vận động thu, nhằm quản lý, sử dụng nguồn lực của các quỹ có hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch.

+ Các tổ chức như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ và Đoàn Thanh niên cần có văn bản hướng dẫn các loại quỹ cần vận động của tổ chức mình để thực hiện thống nhất tên gọi trên địa bàn ở cấp tỉnh, thành, tránh sự hiểu nhầm trong nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác truyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng và giải thích thấu đáo cho cơ sở, hội viên.

+ Gắn liền công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhất là việc lập sổ sách, chứng từ thu, chi đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Việc thành lập quỹ phải đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và Thông Tư số 04/2020/TT-BNV ngày 13/10/2020 của Bộ Nội Vụ.

+ Đối với UBND cấp tỉnh, cần chỉ đạo Sở Tài chính tăng cường phối hợp với các chủ thể có thành lập quỹ ở cấp tỉnh trong công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên đối với việc vận động, quản lý, sử dụng quỹ tự nguyện nhân dân đóng góp, nhất là đối với cấp xã, quy định khoán mục chi quản lý khoản 30%, còn nội dung chi hoạt động của quỹ 70% ; đồng thời, hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ để giúp các hội quản lý đúng theo quy định của pháp luật đối với các nguồn quỹ vận động trong nhân dân.

Chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng có thành lập quỹ thực hiện đúng theo Nghị định 93/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân,nắm biết mục đích nội dung các loại quỹ; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc tổ chức vận động, quản lý, sử dụng quỹ nhân dân đóng góp trên địa bàn.
                                                                                                                                                    

+ Điểm e, khoản 1, Điều 3 Luật Người cao tuổi quy định: "Người cao tuổi có quyền được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp" 
 
+ Khoản 2 Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai quy định: "Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
b) Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
c) Người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho Quỹ.

Đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp
1. Đối tượng được miễn đóng góp:
a) Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ;
c) Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;
d) Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề;
đ) Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
e) Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên;
g) Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn;
h) Hợp tác xã không có nguồn thu;
i) Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhả xưởng, thiết bị; phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 ngày trở lên.

+ Khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2006/NĐ-CP ngày 28/04/2006 về Ban hành điều lệ quản lý và sử dụng quỹ đền ơn đáp nghĩa, như sau:
“ 2. Các đối tượng không thuộc diện được vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa:
a) Người dưới 18 tuổi, người trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam;
b) Các đối tượng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
c) Người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;
d) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp xã hội;
đ) Học sinh, sinh viên đang học ở các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hoan nghênh và tiếp nhận tinh thần tự nguyện ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này .”

Tác giả bài viết: Luật gia : Lê Bình Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 431 trong 88 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 88 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây