Mổ xẻ những bất cập về tố tụng và kiểm soát quyền lực qua vụ án gây thất thoát hơn 5.000 tỷ xảy ra tại Tổng Công ty Bình Dương (?)

Thứ bảy - 14/05/2022 05:13
(Phản biện) - Viện KSND tối cao vừa ban hành Cáo trạng truy tố 28 bị can trong vụ án sai phạm về quản lý đất đai xảy ra Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương và một số đơn vị liên quan. Theo đó, hành vi phạm tội của bị can Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cùng nhiều thuộc cấp đã gây thiệt hại tài sản của Nhà nước lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong số 28 bị can chỉ có 6 bị can thuộc các doanh nghiệp bị đề nghị truy tố về tội “tham ô”, 22 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Điều đó cũng đồng nghĩa các bị can (trong đó có bị can Trần Văn Nam và Trần Thanh Liêm) không tư túi dù chỉ một đồng ? Những bất cập trong tố tụng và kiểm soát quyền lực qua vụ án này sẽ được Thạc sĩ, Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích, mổ xẻ qua cuộc trao đổi với PV Pháp lý:
Cận cảnh khu đất vàng 43 ha đã đẩy hàng loạt cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Dương vào vòng lao lý, hiện đang bỏ hoang phế
Cận cảnh khu đất vàng 43 ha đã đẩy hàng loạt cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Dương vào vòng lao lý, hiện đang bỏ hoang phế

Ông Trần Văn Nam và ông Trần Thanh Liêm có sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ đất vàng ở Bình Dương rơi vào tay tư nhân

PV: Theo Cáo trạng của VKSNDTC, trong tổng số tiền bị thất thoát hơn 5.000 tỷ đồng, riêng bị can Trần Văn Nam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Đương được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1.745 tỉ đồng. Thế nhưng nếu chỉ đề nghị truy tố với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS 2015, thì khung hình phạt cao nhất mà bị can này sẽ phải chấp hành là 20 năm. Theo Luật sư có tương xứng với hậu quả mà bị can đã gây ra ?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Đúng như vậy, nếu chỉ bị đề nghị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS 2015, thì khung hình phạt mà bị can Trần Văn Nam và 21 bị can khác bị truy tố cùng tội danh sẽ phải chấp hành là từ 10 năm đến 20 năm. Khung hình phạt này được áp dụng trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước từ 1 tỷ đồng trở lên. Có nghĩa dù các bị can có phạm tội gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước lên tới nhiều nghìn tỷ đồng cũng chỉ bị phạt tù không quá 20 năm. Ngoài ra tại khoản 4 điều luật này còn quy định, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là sự bất cập của luật, tôi đồng ý chế tài chưa tương xứng với hành vi và hậu quả của bị can gây ra.

Cũng mức độ gây hậu quả tương tự, nếu bị truy tố về “Tội nhận hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS 2015, thì người phạm tội chỉ cần nhận số tiền, tài sản hoặc vật chất trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Sự chênh lệch trong khung hình phạt là do sự điều chỉnh bỡi hành vi phạm tội khác nhau.

PV: Diễn biến của quá trình phạm tội của các bị can nguyên là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương không thể nói là vô tư khách quan (trong đó riêng bị can  Trần Văn Nam, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định có động cơ cá nhân). Tuy nhiên các bị can không bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ. Phải chăng đang có lỗ hổng pháp lý làm khó các cơ quan tiến hành tố tụng ?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Để xảy ra sai phạm trong việc quản lý vốn, tài sản, Cơ quan tố tụng xác định, các bị can trong vụ án là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại đối tác liên kết cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục thu hồi tài sản cho nhà nước mà còn hợp thức hóa thủ tục giúp Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể.

Trong số 28 bị can chỉ có 6 bị can thuộc các doanh nghiệp bị đề nghị truy tố về tội “tham ô”, 22 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Đặc biệt đối với bị can Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh Bình Dương). Trong vụ án này, theo Kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, mặc dù nhận thức được nội dung đề xuất của Cục Thuế tỉnh Bình Dương áp giá đất quy định năm 2006 để tính thu tiền thuế trước bạ, tiền sử dụng đất giao cho Tổng Công ty 3/2 năm 2012 là trái với quy định của pháp luật, tuy nhiên ông Nam vẫn quyết định cho thực hiện. Là người có chức vụ cao nhất vào thời điểm này nên ông Nam phải chịu trách nhiệm chính đối với hậu quả này.

Trong việc xử lý khu đất 43 ha, Cơ quan điều tra xác định, trong bối cảnh xử lý “sự việc đã rồi” đối với việc làm vi phạm của Tổng Công ty 3/2, với thẩm quyền quy định, bị can Trần Văn Nam hoàn toàn có thể ra quyết định buộc Tổng Công ty 3/2 khắc phục hậu quả bằng việc thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên bị can Trần Văn Nam vẫn quyết định cho Tổng Công ty 3/2 tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo, không yêu cầu đưa khu đất 43 ha về Công ty Impco theo đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt.

Để che giấu sai phạm, Trần Văn Nam còn chỉ đạo bị can Phạm Văn Cành, Nguyễn Văn Đông và bị can Ngô Dũng Phương “hợp thức hóa” Công văn số 974 CV/TU đề ngày 19/5/2017 (thực tế được lập vào tháng 10/2018) đính chính Văn bản số 477-CV/TU đề ngày 29/8/2016 (thực tế được lập vào tháng 3/2019) điều chỉnh Công văn số 407-CV/TU ngày 29/7/2016, làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu (Tỉnh ủy Bình Dương) tại Công văn 407-CV/TU ngày 29/7/2016.

Vì sao biết sai mà vẫn làm, vì sao ông Trần Văn Nam phải chỉ đạo “hợp thức hóa” các văn bản để che giấu sai phạm, rõ ràng chỉ có thể lý giải vì động cơ cá nhân. Thế nhưng để có căn cứ xác định các bị can phạm tội nhận hối lộ để theo đó chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật là vô cùng khó đối với Cơ quan tiến hành tố tụng. Bỡi trong điều tra, xử lý tội phạm có một nguyên tắc là phải xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Phải có căn cứ chứng minh, bằng chứng cứ tài liệu chứng minh một cách chắc chắn, chứ không phải bằng sự suy diễn hay nhận định.

PV: Như vậy khoảng trống của pháp luật nằm ở quy trình tố tụng và kiểm soát quyền lực của người có chức vụ và quyền hạn. Vậy theo Luật sư cần phải làm gì để không còn “đất” để tội phạm “dụng võ” và không dám nghĩ đến ?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Thông thường, những vụ đưa và nhận hối lộ được thực hiện trong bóng tối, chỉ có người đưa và người nhận với nhau. Để có nhân chứng, vật chứng, tài liệu để chứng minh là không hề đơn giản. Bản thân người đưa và người nhận đều biết rằng nếu như mà bị phát hiện thì sẽ bị xử lý theo pháp luật cho nên họ sẽ tìm cách xóa bỏ chứng cứ, chối tội. Đặc biệt là đối với tội phạm có chức vụ quyền hạn nắm bắt được các kẽ hở của luật, thực hiện việc giao nhận tiền hối lộ bằng phương thức giao tiền mặt trực tiếp hoặc thông qua người thân, thậm chí chuyển khoản, thanh toán nhưng được che đậy bỡi một hợp đồng khống...

Vì vậy để ngăn chặn thực trạng trên, BLTTHS phải sửa đổi theo hướng không làm khó cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh nhận hối lộ. Một khi đã xác định người phạm tội có động cơ vụ lợi tức là đã đặt “một chân” vào yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ. Theo tôi không nhất thiết phải chứng minh tội này đồng thời với tội kia. Bỡi theo BLHS, tội đưa, nhận và môi giới hối lộ là những tội danh độc lập với nhau. Cũng có trường hợp người đưa nhầm tưởng người nhận là người có chức vụ, quyền hạn nhưng thực tế không phải vậy. Khi đó, người đưa đã cấu thành tội đưa hối lộ, còn người nhận có thể bị xử lý về tội danh khác. 

Về lâu dài, cần nhận diện một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về kiểm soát tài sản, thu nhập, công cụ quan trọng nhất của PCTN và quản lý nhà nước và coi đây là phương diện kiểm soát quyền lực trong PCTN. Thực tế cho thấy, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã rất cố gắng trong việc triển khai thực hiện các giải pháp, nhưng việc kiểm soát tài sản, thu nhập từ trước đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Nguyên nhân, chúng ta đang thiếu các giải pháp đồng bộ về mặt thể chế, chính sách, pháp luật đi kèm để thực hiện.

Chẳng hạn như vấn đề cải cách tiền lương phải đi liền với kiểm soát tài sản, thu nhập toàn xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Đăng ký bất động sản phải đồng thời với giải pháp xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng lên một cách bất thường bằng cách hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Nếu làm được điều đó, trong vụ án này, mặc dù khó truy cứu bị can Trần Văn Nam và những cán bộ có chức có quyền về tội nhận hối lộ nhưng nếu phát hiện tài sản của các bị can tăng lên bất thường mà không giải thích được nguồn gốc của tài sản thì phải kiên quyết xử lý hình sự.

PV: Xin cảm ơn Luật sư !

Tác giả bài viết: MINH TRUNG (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây