Danh sách bị cáo gồm Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và 45 đồng phạm. Sau khi đại diện Viện KSND TP.HCM (gọi tắt VKS) tranh luận lại các quan điểm về tội danh, trách nhiệm dân sự của 73 luật sư (LS) liên quan đến vụ án, sáng qua, các LS tiếp tục đối đáp lại VKS.
Chứng cứ mới
Do có nhiều tranh cãi về việc hạch toán 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ giữa các LS của Phạm Công Danh và CB Bank (VNCB cũ), theo yêu cầu của HĐXX, ngày 26.1.2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi công văn hỏa tốc đến TAND TP.HCM về việc hạch toán bút toán điều chỉnh báo cáo tài chính 2014 của CB Bank. Chủ tọa đã công bố nội dung trên vào cuối ngày xét xử 27.1 và cho phép các LS sao chụp tài liệu phục vụ cho những buổi xử tiếp theo.
Trước đó, tại tòa, Danh khai sử dụng 4.500 tỉ đồng từ tổng số tiền vay tại BIDV, TPBank nộp vào VNCB để tăng vốn điều lệ, nhưng không được NHNN đồng ý, nay Danh yêu cầu được đối trừ thiệt hại, khắc phục hậu quả cho vụ án. Ngược lại, CB Bank cho rằng 4.500 tỉ đồng này đã được VNCB sử dụng hết, đồng thời, số tiền này hòa vào dòng tiền chung của VNCB nên không biết thu chi như thế nào.
Khi tiếp cận được các văn bản, tài liệu của NHNN gửi HĐXX, LS Hà Hải (bào chữa cho bị cáo Danh) cho rằng những tài liệu do NHNN vừa cung cấp là chứng cứ mới, chưa được VKS, LS xét hỏi để làm rõ, nên phiên tòa cần quay lại phần thẩm vấn. Cụ thể, LS Hà Hải nêu năm 2015, CB Bank có xin ý kiến NHNN về hạch toán bút toán điều chỉnh Báo cáo tài chính kiểm toán 2014 theo đề nghị của Công ty kiểm toán Ernst & Young (EY). Sau đó, NHNN đã có các văn bản trả lời CB Bank, yêu cầu CB Bank có trách nhiệm thực hiện hạch toán bút toán điều chỉnh báo cáo tài chính năm 2014 theo quy định của pháp luật về chế độ kế toán hiện hành; đồng thời, năm 2016, Ban Kiểm soát đặc biệt CB Bank (thuộc NHNN) cũng đề nghị
CB Bank xem xét, thực hiện điều chỉnh bút toán kiểm toán 2014 theo yêu cầu của Vụ Tài chính - Kế toán NHNN.
“Bút toán điều chỉnh năm 2014 theo đề nghị của EY, tại số thứ tự 31, ghi giảm vốn điều lệ từ 7.500 tỉ đồng thành 3.000 tỉ đồng. 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ còn lại phải chờ kết luận của cơ quan điều tra mới hạch toán. Như vậy, 4.500 tỉ đồng vẫn nằm ở CB Bank. Hơn nữa, theo nguyên tắc kế toán, khi ghi giảm 4.500 tỉ đồng, tức trong báo cáo tài chính 2014 của CB Bank phải ghi tăng nợ 4.500 tỉ đồng. Tôi đề nghị HĐXX quay lại phần thẩm vấn, triệu tập 2 kiểm toán viên liên quan tham dự phiên tòa, cung cấp báo cáo kiểm toán 2014 của CB Bank để làm rõ khi ghi giảm 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ thì số tiền này đã được cắt vô đâu”, LS Hà Hải đề nghị.
Nảy sinh nghịch lý
LS Trần Minh Hải (bào chữa cho bị cáo Danh) cho rằng 4.500 tỉ đồng từ chỗ rất mờ nhạt, đến nay ai cũng đã rõ về bản chất của số tiền này, vấn đề là giải quyết thế nào cho thích đáng, khách quan, toàn diện của vụ án. “Sự thật 4.500 tỉ đồng này CB Bank khẳng định có nằm trong ngân hàng và chờ xin ý kiến của NHNN, kết luận của cơ quan điều tra, nhưng tại sao CB Bank không chịu trả lại hoặc đối trừ thiệt hại”, LS Minh Hải nhấn mạnh.
Đối với đề nghị của VKS, dành quyền khởi kiện cho bị cáo Danh đối với CB Bank trong khoản tiền 4.500 tỉ đồng, LS Minh Hải lập luận lại nếu không đối trừ ngay 4.500 tỉ đồng mà đẩy qua tranh chấp dân sự như ý kiến của VKS thì nảy sinh nghịch lý, đó là xác định sự thật vụ án vốn thuộc về trách nhiệm của cơ quan tố tụng thì nay bị cáo và LS bị cáo lại phải làm thay.
“VKS cho rằng có tranh chấp giữa Danh và CB Bank về số tiền 4.500 tỉ đồng. Tôi khẳng định không có bất cứ tranh chấp nào ở đây. Thứ nhất, bị cáo Danh không có tranh chấp đòi số tiền này về cho cá nhân mình, bản thân ông Danh ngay từ đầu chưa từng nghĩ rằng là vay 4.500 tỉ đồng cho cá nhân mình. Bị cáo lấy 4.500 tỉ đồng nộp về VNCB để tăng vốn điều lệ trước áp lực thanh khoản, áp lực đề nghị tăng vốn của NHNN, tất cả đều đã làm rõ tại tòa; Danh không hề có mong muốn xin nhận lại khoản tiền đấy mà coi đây là khoản tiền liên quan vụ án hình sự cần phải thu hồi về, đối trừ thiệt hại và khắc phục hậu quả của vụ án”, LS Minh Hải phân tích.
Ngoài ra, LS Minh Hải cũng nêu, nếu coi 4.500 tỉ đồng là tranh chấp dân sự thì CB Bank sẽ phải thiệt hại thêm lãi phát sinh 1.800 tỉ đồng, kể từ thời điểm NHNN không đồng ý tăng vốn điều lệ nhưng VNCB không hoàn trả lại cho những cá nhân nộp tiền mua cổ phần của VNCB.
Về quan điểm của CB Bank, nói rằng 4.500 tỉ đồng hòa chung 80.000 tỉ đồng của VNCB, không thể xác định được đã đi đâu về đâu, LS của Phạm Công Danh “phản ứng” lại: “Ngân hàng có hệ thống hạch toán kế toán thì phải biết rõ tiền đó ở đâu”.
Các LS cũng nêu ra một số chứng cứ như số liệu tiền gửi, số liệu cho vay, số liệu vốn điều lệ… tại VNCB. Từ đó, theo các LS, những số tiền trả nợ vay NHNN hay số liệu trả nợ khác thì VNCB lấy tiền ở đâu... Như vậy, ai là người sử dụng tiền tăng vốn điều lệ thì mong HĐXX phải làm rõ.
Hôm nay (30.1), các LS tiếp tục phần đối đáp trở lại lần thứ 2 với VKS.
Bắt BIDV thu hồi tiền từ Phạm Công Danh là bất khả thi?
Đối đáp lại quan điểm của VKS về đề nghị thu hồi hơn 2.550 tỉ đồng từ BIDV để khắc phục hậu quả cho vụ án, LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BIDV nêu, tiền gửi của tổ chức tín dụng tại các ngân hàng khác có thể từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có cả nguồn tiền huy động từ dân cư. Trong trường hợp này, VNCB gửi tiền tại BIDV là hoàn toàn đúng quy định. Nay VKS cho rằng các ngân hàng sẽ phải quy hồi tiền để trả cho CB Bank; và Phạm Công Danh cùng Tập đoàn Thiên Thanh phải có trách nhiệm trả nợ cho các ngân hàng là điều bất khả thi, gây khó cho các ngân hàng. |