Ngày 16.8, trao đổi với Dân Việt, ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chủ tàu sắt Qna-94679TS đóng theo Nghị định 67 trị giá 16 tỉ đồng 2 năm nay vẫn còn nằm tại bờ biển Thọ Quang, do tàu mới chạy thử đã hỏng máy cho biết, ngày 5.8, Tổng cục Thủy sản và Ban chỉ đạo 67 của tỉnh Quảng Nam đã làm việc với ông và doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH Bảo Duy - Đà Nẵng, Công ty TNHH Liên Á - Hà Nội (cung ứng máy).
Tại đây, hai bên Bảo Duy và Liên Á đều thống nhất hỗ trợ thay máy mới cho tàu của ông Liên. Mới đây nhất, vào ngày 10.8 Công ty Bảo Duy có gửi cho ông công văn số 59 với nội dung: Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy tổng chi phí việc thay máy mới 2.498.504.000 đồng, trong đó máy mới là 2.070.000.000 đồng, số còn lại là kinh phí lắp đặt.
Tàu sắt của ngư dân Liên nằm bờ 2 năm trời vẫn chưa ra khơi do bị hỏng máy. T.H
“Trong khi chờ đợi phán quyết của TAND TP Tam Kỳ, chúng tôi đề xuất Bảo Duy và Liên Á mỗi bên sẽ tạm ứng 50% kinh phí thay máy mới, công ty chúng tôi đồng ý trích ra 50% số tiền là 1.249.252.000 đồng để tạm tứng cho ông Liên trong việc thay máy mới. Tuy nhiên, việc tạm ứng này chỉ được thực hiện khi đồng thời công ty Liên Á cũng có hành động tương tự là phải tạm ứng số tiền 1.249.252.000 đồng thì ông Liên mới đủ số tiền 2.498.504.000 đồng để thay máy mới.
Về việc máy chính bị hư, ông Liên đã khiếu kiện công ty Bảo Duy và Liên Á tại TAND TP Tam Kỳ. Nếu kết luận cuối cùng của các cấp xét xử là Bảo Duy không có trách nhiệm trong việc máy chính bị hư, không phải bồi thường thiệt hại cho ông Liên, thì ông Liên phải hoàn trả lại cho Bảo Duy số tiền 1.249.252.000 đồng đã tạm ứng nói trên…” - ông Nguyễn Quang Kỳ (Giám đốc Cty Bảo Duy) nhấn mạnh.
Gần 3 năm ròng rã bám víu con tàu sắt, cuối cùng tàu vẫn nằm bờ, còn ngư dân Liên hằng ngày phải vá lưới thuê kiếm thêm thu nhập. Ảnh: T.H
Trong khi Bảo Duy chấp nhận hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt máy mới cho tàu ông Liên, thì phía Công ty Liên Á lại có công văn số 198 gửi Tổng cục Thủy sản, Công ty Bảo Duy và ngư dân Trần Văn Liên nêu rõ, sẽ không chấp nhận hỗ trợ số tiền tương tự như trên.
“Tại biên bản ngày 5.8, có nội dung Công ty Liên Á đồng ý sử dụng toàn bộ kinh phí 980 triệu đồng mà chủ tàu còn nợ theo hợp đồng để thay máy mới, kết luận trong thời hạn 10 ngày báo cáo Tổng cục Thủy sản về phương án giải quyết. Việc đồng ý sử dụng số tiền 980 triệu đồng là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng (Phó giám đốc Công ty Liên Á). Tại thời điểm diễn ra cuộc họp để ký kết biên bản trên, đại diện theo pháp luật của Công ty Liên Á đi công tác nước ngoài, không có văn bản ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Hùng được quyết định về tài chính của công ty.
Vì vậy, đại diện theo pháp luật của Công ty Liên Á không đồng ý việc sử dụng số tiền 980 triệu đồng để ông Trần Văn Liên mua máy mới. Chờ phán quyết của tòa án bằng một bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật (bên nào có lỗi thì bên đó chịu trách nhiệm bồi thường cho bên thiệt hại)”, bà Vũ Thị Loan - Giám đốc Công ty Liên Á nhấn mạnh.
Trao đổi với Dân Việt, ngư dân Trần Văn Liên vẫn khẳng định: "Việc Công ty Liên Á không chấp nhận hỗ trợ mua máy mới đó là việc của công ty họ, còn tôi sẽ theo vụ kiện này đến cùng để xem bên nào đúng, bên nào sai. Chỉ còn chờ quyết định cuối cùng của tòa án nữa thôi. Tôi cũng quá mệt mỏi với chiếc tàu sắt này rồi, 3 năm ròng rã không vươn khơi được, lấy gì nuôi sống bản thân, gia đình, trong khi đó nợ nần cứ chồng chất lên thêm…” – ngư dân Liên thở dài nói.
Để hỗ trợ cho ngư dân Trần Văn Liên, mới đây Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị với Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước về tàu sắt nằm bờ 2 năm do hỏng máy của ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) đóng tại Công ty TNHH Bảo Duy - Đà Nẵng.
“Trước việc này, UBND tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh cùng Ngân hàng BIDV hỗ trợ pháp lý và Đoàn luật sư Quảng Nam đưa sự việc hỏng hóc máy thủy chính đẩy tàu giúp ngư dân Trần Văn Liên kiện ra tòa, hiện nay đã qua 2 phiên xử và theo Tòa sẽ có buổi xét xử tiếp theo vào tháng 7.2017, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước khoanh khoản nợ vay đối với trường hợp ngư dân Trần Văn Liên đã vay tại Ngân hàng BIDV Quảng Nam để đóng mới tàu cá vỏ thép. Trong quá trình đóng mới bị sự cố máy thủy hỏng hóc, các bên không đứng ra chịu trách nhiệm, ông Liên kiện ra tòa với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng từ tháng 3.2016 cho đến khi tòa xử lý cuối cùng và máy mới được lắp đặt lại trên tàu ông Liên…” - ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam kiến nghị.
Tác giả bài viết: Trương Hồng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn