Tiệm vàng Thảo Lực luôn trong tình trạng vắng khách trong 2 ngày nay - Ảnh: C.Hạnh
Lệnh khám xét nơi ở đối với chủ tiệm vàng Thảo Lực do chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) ký là cơ sở dẫn tới việc UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng vì mua 100 USD.
Điều oái oăm là quyết định xử phạt của UBND TP Cần Thơ phạt pháp nhân là... doanh nghiệp, nhưng lại căn cứ vào lệnh khám xét nhà riêng.
Phạt doanh nghiệp từ lệnh... khám xét nhà riêng
Ông Dương Tấn Hiển, chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, đã hai lần ký quyết định khám xét tiệm vàng Thảo Lực gồm: quyết định "khám nơi giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở" ngày 5-5-2017 và quyết định "khám nơi giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở" ngày 24-1-2018.
Cả hai quyết định này ngoài dẫn căn cứ từ Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật xử lý vi phạm hành chính còn từ việc xét đề nghị của trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ.
Tại điều 1 của cả hai quyết định này giống nhau từng câu chữ là "khám nơi giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: nhà ở số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều" với chủ nơi bị khám là ông Lê Hồng Lực. Chỉ khác là quyết định khám xét năm 2017 ghi nghề nghiệp của ông Lực là "buôn bán", còn trong quyết định ban hành đầu năm 2018 thì ghi "chủ doanh nghiệp tư nhân tiệm vàng Thảo Lực".
Trên cơ sở lệnh khám xét chỗ ở ngày 24-1-2018, đến tháng 8-2018 cơ quan công an mới có biên bản vi phạm hành chính và đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để ngày 4-9-2018, UBND TP Cần Thơ mới có quyết định "xử phạt vi phạm hành chính" đối với Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực do ông Lê Hồng Lực làm giám đốc.
Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) chỉ ra các điểm bất thường trong vụ này.
Thứ nhất, theo điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thẩm quyền khám xét nơi cất giấu phương tiện, tang vật là chỗ ở thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhưng ở đây địa điểm tiệm vàng Thảo Lực vừa là chỗ ở vừa là trụ sở của doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực do ông Lê Hồng Lực làm giám đốc), nên trong trường hợp này việc ban hành lệnh khám xét của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều phải ghi rõ khám xét "chỗ ở và trụ sở của doanh nghiệp", chứ không chỉ ghi khám xét "chỗ ở" mà thôi.
Điều này rất quan trọng bởi Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rõ chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét chỗ ở của công dân, không quy định chủ tịch UBND cấp quận được ban hành lệnh khám xét trụ sở doanh nghiệp.
"Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP Cần Thơ không xử phạt đối với cá nhân ông Lực mà lại xử phạt đối với doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, do ông Lực làm đại diện.
Điều này không phù hợp lệnh khám xét của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, thậm chí mâu thuẫn vì lệnh khám xét là khám xét chỗ ở của công dân, nhưng quyết định xử phạt hành chính lại phạt... doanh nghiệp" - luật sư Thành phân tích.
Hai quyết định khám nhà riêng của ông Lực
Có dấu hiệu lạm quyền?
Trong khi đó, bình luận về việc chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định khám xét nhà ở của ông Lê Hồng Lực trong trường hợp trên, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đó là việc làm lạm quyền, áp dụng sai quy định pháp luật.
Cụ thể, quyết định khám xét nhà ở căn cứ vào khoản 2, điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép chủ tịch UBND cấp huyện (quận Ninh Kiều) được phép khám xét nhà ở. Tuy nhiên nhà ở đó phải là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong khi tang vật, phương tiện vi phạm trong vụ việc này chỉ là tờ tiền 100 USD và 2.260.000 đồng (được đổi).
Nơi xảy ra vi phạm, chứa tang vật (được bắt quả tang) là địa điểm kinh doanh chứ không phải toàn bộ căn nhà riêng. Thêm nữa, vi phạm ở đây là kinh doanh ngoại tệ mà cơ quan công an lại thu giữ cả kim cương và đá nhân tạo.
Luật sư Phát cho rằng kết quả xử phạt sau đó đã minh chứng cho việc khám xét, tạm giữ (kim cương, đá nhân tạo) của cơ quan chức năng cũng không đúng. Cụ thể, TP Cần Thơ đã phạt tiền (là hình phạt chính) cho cả người đổi đôla và chủ tiệm vàng, đồng thời hình phạt phụ là tịch thu tang vật vi phạm gồm 100 USD và 2.260.000 đồng.
"Rõ ràng, địa điểm diễn ra hành vi vi phạm và tang vật vi phạm là cụ thể, gói gọn như vậy nhưng cơ quan chức năng tổ chức khám nhà ở, tạm giữ vàng là lạm quyền. Thiệt hại của chủ tiệm vàng trong vụ việc này ai sẽ chịu? Kịch bản vụ việc khám xét tại Cần Thơ tương tự như vụ xảy ra ở tiệm vàng Hoàng Mai, quận Bình Thạnh (TP.HCM) trước đây..." - luật sư Phát nêu.
Về việc khám xét nhà trong trường hợp xử lý vi phạm hành chính, luật sư Phát cho hay chỉ khi có căn cứ rõ ràng nhà ở là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm mới được khám xét chứ không thể tùy tiện. Ngoài ra, khám nhà theo thủ tục hình sự thì quyết định khám xét phải được viện kiểm sát phê chuẩn trước khi khám.
Chưa nhận được đơn xin miễn nộp phạt
Tối 25-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Thành Thống - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết hiện vẫn chưa nhận được đơn xin giảm hoặc miễn nộp phạt của ông Nguyễn Cà Rê - người đổi 100 USD bị xử phạt số tiền 90 triệu đồng.
Theo ông Thống, việc UBND TP Cần Thơ xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Rê là đúng quy định của nghị định 96. "Nhưng do đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong xử lý vi phạm ở Cần Thơ, điều khoản áp dụng trong nghị định cũng có ghi có thể xem xét miễn giảm. Vì thế, nếu nhận được đơn của ông Rê, chúng tôi sẽ cho xác minh. Nếu đúng ông Rê gặp khó khăn về kinh tế, không thể nộp phạt thì chúng tôi sẽ xem xét" - ông Thống nói.
Xem xét khởi kiện ra tòa
Liên quan đến vụ bắt quả tang mua bán 100 USD bị phạt 270 triệu đồng, ông Nguyễn Thanh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đã ký quyết định phê duyệt phương án xử lý tang vật bị tịch thu sung công quỹ toàn bộ 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo, 100 USD và 2.260.000 đồng. Theo đó, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo trị giá hơn 548 triệu đồng mà Công an TP Cần Thơ tịch thu tại tiệm vàng Thảo Lực sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ.
UBND TP Cần Thơ giao Công an TP chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thành lập Hội đồng định giá tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước. Phê duyệt giá trị tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, đồng thời chuyển giao tài sản và hồ sơ có liên quan cho Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ theo đúng quy định.
Ông Lê Hồng Lực, giám đốc Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực), cho biết ông khá bất ngờ trước thông tin UBND TP Cần Thơ đã có quyết định xử lý, đấu giá sung công quỹ nhà nước 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo của ông.
Theo ông Lực, ông chỉ mới biết thông tin này qua báo chí và cho rằng việc ông chấp hành đóng phạt không có nghĩa là không khiếu nại hay khởi kiện. Ông đóng phạt là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. Bởi theo ông, quyết định xử phạt hành chính và tịch thu tài sản của ông do ông Trương Quang Hoài Nam (phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ) ký ban hành có ghi rõ yêu cầu phải đóng phạt trong thời gian 10 ngày, nếu không thi hành sẽ bị cưỡng chế.
"Quyết định của UBND TP Cần Thơ cũng ghi rõ tôi có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật. Tức là thời hạn khởi kiện là một năm kể từ ngày nhận được quyết định. Vì vậy, lấy lý do gì để ban hành quyết định đấu giá, sung công quỹ tài sản của tôi?
Bên cạnh đó, việc ban hành quyết định khám xét nhà tôi chỉ trong vòng 6 tháng mà đến 2 lần như vậy có phù hợp với quy định? Tôi đang tham vấn một số luật sư và đang cân nhắc sẽ khởi kiện ra tòa án các vụ việc liên quan đến tịch thu tài sản" - ông Lực nói.
Thêm một tình tiết khiến gia đình ông Lực không đồng thuận là 20 viên kim cương được để trong tủ của gia đình, không bày bán trên tủ trưng bày nhưng cũng bị xử phạt về hành vi "kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ"
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn