Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh vừa ký thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP. Hà Nội.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội.
Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị Cơ quan điều tra khởi tố chủ đầu tư dự án Đại Thanh. |
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước từ lâu nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất (tính đến ngày 31/12/2014 là 7.166 tỷ đồng).
Đặc biệt là dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh đến thời điểm thanh tra dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra vụ việc của Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội;
Đối với các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…) trong quá trình thực hiện dự án.
Đến ngày 26/7/2011, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (do đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản làm chủ) đã nhận chuyển nhượng 100% vốn góp đầu tư của Công ty Hải Phát. |
Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách Nhà nước.
Trước đó, vào tháng 12/2016, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, khu nhà ở Đại Thanh đang có 4 vi phạm hết sức nghiêm trọng.
Thứ nhất, là xây dựng không phép; thứ hai, là xây quá chiều cao quy định; tiếp nữa là xây cả vào khu không được phép như các vị trí quy hoạch dải cây xanh; các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng không đủ, dân cũng chưa cấp được sổ đỏ.
Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Thành phố, lãnh đạo Hà Nội cho hay Hà Nội đề xuất và Thường trực Thành ủy đã thông qua việc “chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra của Công an thành phố thụ lý, xử lý theo quy định của pháp luật, sai đến đâu xử đến đó”.
Những lãnh đạo (đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu), Sở, ban ngành nào của Hà Nội phải chịu trách nhiệm về sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư dự án Đại Thanh? Cá nhân nào đã đứng ra "bảo kê", bao che, im lặng, làm ngơ cho chủ đầu tư tự tung tự tác, coi thường pháp luật trong thời gian dài? Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích, cung cấp thông tin chi tiết đến bạn đọc.
Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (gọi tắt là Dự án Đại Thanh) địa chỉ tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có nguồn gốc là đất do Sở Địa chính Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên Môi trường) ký 02 hợp đồng cho thuê đất với Công ty gốm xây dựng Đại Thanh (nay là Công ty CP Sản xuất và thương mại Đại Thanh) từ năm 2000. Mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói. Tổng diện tích đất thuê là gần 128 ngàn m2, thời hạn thuê là 20 năm tính từ năm 2000. Ngày 30/10/2009, Công ty CP Sản xuất và thương mại Đại Thanh ký hợp đồng hợp tác với Công ty Hải Phát để cùng góp vốn và xây dựng dự án. Đến ngày 26/7/2011, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (do đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản làm chủ) đã nhận chuyển nhượng 100% vốn góp đầu tư của Công ty Hải Phát. Mặc dù việc chuyển nhượng chưa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng DN của đại gia Lê Thanh Thản vẫn ngang nhiên xây dựng chung cư, bán và "đút túi" về hàng trăm tỷ đồng. Từ việc không tuân thủ pháp luật, dẫn đến hệ quả là hàng ngàn hộ dân ở Đại Thanh đến nay không thể làm được sổ đỏ và có nguy cơ mất quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Có những người đã nộp tiền tỷ mua đất biệt thự nhiều năm nay nhưng không được xây dựng vì chủ đầu tư chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. |
Nguồn tin: Theo Giáo dục VN:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn