Truy trách nhiệm Cục Quản lý Dược

Thứ bảy - 21/10/2017 05:32
(Phapluat News) - Hôm qua (20/10), sang ngày thứ 2 phiên tòa của TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử vụ “Buôn lậu”, “Làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu” xảy tại Cty VN Pharma, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm mà TAND TPHCM vì cho rằng còn bỏ lọt người, lọt tội.
Truy trách nhiệm Cục Quản lý Dược

 

Bác toàn bộ bản án sơ thẩm

Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, vì mục đích thu lợi nhuận cao, các bị cáo đã bất chấp đạo đức, tính mạng người bệnh và pháp luật, chủ động làm giả hồ sơ, tài liệu cũng như đặt thuốc về bán. Thuốc mà các bị cáo nhập về Việt Nam qua xem xét thì không có mã vạch tương ứng. Cụ thể theo VKS, đầu năm 2012, Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) đã đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Cty Hàng hải Quốc tế H&C), mua thuốc H-Capita từ Canada về Việt Nam. Cường đã liên hệ ông Raymundo (Giám đốc Cty Helix Cannada) và bàn bạc việc nhập thuốc để bán cho Hùng.

Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo nhân viên thuê người viết hồ sơ, tiêu chuẩn thuốc. Sau khi hoàn tất hồ sơ, VN Pharma được Cục Quản lý Dược (QLD) Bộ Y tế cấp phép cho lô thuốc này về Việt Nam. Sau đó các bị cáo câu kết, thông quan và thực hiện trót lọt, đưa số thuốc này về được Việt Nam. Sai phạm như vậy nhưng tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM lại chưa đánh giá đầy đủ bản chất vụ án, chưa làm rõ nhiều nội dung. Vì vậy VKS đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, nhằm điều tra, xét xử đúng bản chất vụ án.

VKS cho rằng bản án sơ thẩm đã bỏ lọt tội. Hành vi phạm tội của hai chủ mưu Hùng, Cường không dừng lại ở tội danh “Buôn lậu” như bản án sơ thẩm tuyên. Hùng, Cường còn có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, cụ thể: Sau khi Hùng và Cường thống nhất việc mua bán thuốc H-Capita, do không có Hồ sơ kỹ thuật thuốc, cũng như “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc”, Hùng chỉ đạo Bùi Ngọc Duy và Hoàng Trúc Vy (Cty VN Pharma) thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ. Hùng cũng thuê người bên ngoài Cty VN Pharma chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ khác lấy tên Cty Helix để VN Pharma đứng tên đăng ký lưu hành thuốc và xin giấy phép nhập khẩu, trong đó có 7 loại thuốc đã được Cục QLD cấp số đăng ký lưu hành, 3 thuốc được cấp giấy phép nhập khẩu.

VKS cho rằng vụ việc diễn ra cho thấy có sự tổ chức, làm giả giấy tờ hồ sơ rất tinh vi, có sự phân công rành mạch, vì vậy cần xem xét hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu những người liên quan. VKS cũng cho rằng ngoài Hùng, Cường thì ông Phạm Văn Kiệt (Giám đốc Cty Dược Sài Gòn), Bùi Ngọc Duy (Trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) và Phạm Văn Thông biết rõ quá trình sai phạm, nhưng cũng tham gia và tham gia có mục đích, vì vậy cần xem hành vi hai ông Kiệt, Duy và Thông trong vai trò giúp sức.

Truy trách nhiệm Cục Quản lý Dược

Nhận định về trách nhiệm của Cục QLD trong cấp phép, VKS xác định sự tắc trách trong việc cấp phép của Cục QLD và “có quan hệ nhân quả đối với vụ án”. Theo hồ sơ của VKS công bố tại phiên tòa, ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục QLD), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng Pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) - là những người trong Tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của Cty VN Pharma. Tổ thẩm định cho rằng “hồ sơ đạt yêu cầu”, rồi đề xuất Cục trưởng Cục QLD là ông Trương Quốc Cường ký duyệt, cấp phép cho Cty Pharma nhập hàng. Quan điểm của VKS tại phiên tòa cho rằng “Cần xem xét thiếu trách nhiệm, Tổ thẩm định và quản lý của đơn vị (tức Cục QLD -PV) mới thỏa đáng”.

Ngoài ra VKS cũng nêu quan điểm về công chức Hải quan TPHCM là ông Phạm Đình Cung (công chức Hải quan Chi cục cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất) là người kiểm tra hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita cho VN Pharma. Cạnh đó theo hồ sơ, một phó tổng giám đốc VN Pharma, đã giới thiệu Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc của Cty Helix cho VN Pharma. VKS cũng yêu cầu điều tra làm rõ thêm hai cá nhân khác có liên quan trong vụ án.

Bảo vệ cho chủ mưu vụ án Nguyễn Minh Hùng là luật sư Nguyễn Đình Hưng. Ông Hưng cho rằng ông Hùng không nguỵ biện hay trốn trách nhiệm. Ông Hưng cũng cho rằng cấu tạo bộ hồ sơ gồm nhiều bộ phận, việc kháng nghị của VKS cho rằng các bị cáo tự làm giả tài liệu, tên thuốc, trái về mặt pháp luật, nhưng chưa có một căn cứ nào chỉ ra rằng bộ hồ sơ của VN Pharma là trái luật, trái khoa học…

Ngày 23/10 sẽ tuyên án phúc thẩm vụ VN Pharma. Ảnh: Tân Châu.© Tiền Phong Ngày 23/10 sẽ tuyên án phúc thẩm vụ VN Pharma. Ảnh: Tân Châu.
 

Gần cuối ngày xét xử thứ 2, HĐXX cho đại diện VKS đối đáp với các luật sư và bị cáo. Đại diện VKS cho rằng qua hai ngày xét xử cho thấy vụ án còn rất nhiều nội dung chưa được làm rõ, việc VKS đề nghị hủy bản án sơ thẩm là có cơ sở. Từ đó VKS bảo lưu quan điểm và chủ tọa - thẩm phán Trần Văn Mười - cho kết thúc phần tranh tụng. Theo vị chủ tọa, 9 giờ ngày 23/10, Tòa sẽ tuyên án.
 

Đại diện Viện kiểm sát: Thuốc giả mà kết luận là kém chất lượng!

Bảo vệ quan điểm đề nghị hủy án sơ thẩm, đại diện VKS nói rằng: Kết quả giám định của Cục Quản lý Dược mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Kết luận giám định nói thuốc không dùng được cho người nhưng các đối tượng này lại nhập về để chữa bệnh cho người; Nếu đúng thì Cục Quản lý Dược phải kết luận là thuốc giả nhưng cuối cùng lại đưa ra kết luận là thuốc kém chất lượng. “Vì vậy cần trưng cầu giám định lại cho khách quan và chính xác” – đại diện VKS nêu.

Bản án sơ thẩm thể hiện số tiền chi hoa hồng 7,5 tỷ đồng, trong khi đó giá trị lô thuốc nhập về chỉ hơn 5 tỷ đồng. “Cần phải làm rõ, phải chăng số tiền 7,5 tỷ đồng có phải chi cho những lô thuốc khác” – theo đại diện VKS.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây