Ông Lê Văn Minh (giữa) nhận kỷ niệm chương 20 năm của BTC giải U.21 Báo Thanh Niên tại sân Thống Nhất
7 giờ sáng nay, sau nhiều ngày nắng gắt trời Quy Nhơn bỗng đổ mưa. Tôi đang dự định qua sân để chuẩn bị cho trận đấu giao hữu vào buổi chiều giữa đội cựu tuyển thủ Bình Định và đội liên quân HLV báo chí, giám sát, trọng tài đang làm nhiệm vụ tại vòng chung kết giải bóng đá U.19 thì bất ngờ nhận tin như sét đánh từ anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc trung tâm Thi đấu thể thao Tỉnh Bình Định: “Tuyến ơi, anh bảy Minh mất rồi. Mất ở Sài Gòn. Mới mất cách đây nửa tiếng và giờ gia đình đang làm thủ tục để đưa anh về Bình Định an táng...”. Chỉ ít phút sau anh Lê Ngọc Dũng, cựu cầu thủ Bình Định, người cùng phối hợp tổ chức trận giao hữu chiều nay và là em ruột anh bảy Minh gọi điện: “Anh mình vừa mất, đang đưa thi thể anh về 31 Yết kiêu, Quy Nhơn để quàng...”.
Không riêng với tôi mà cả với rất nhiều anh em phóng viên thể thao, anh Lê Văn Minh (còn gọi là anh bảy Minh) là người rất đáng quý. Anh sống hòa đồng và luôn quan tâm đến giới truyền thông. Trong khoảng 10 năm làm Giám đốc Sở TDTT Bình Định, hoạt động thể thao tại đất võ luôn được báo chí thường xuyên đưa tin, ủng hộ và người hâm mộ cả nước biết đến chính nhờ tấm lòng và sự thân thiện của anh bảy Minh.
Anh hay thường xuyên gọi điện hỏi thăm từng anh em phóng viên thể thao và chưa bao giờ từ chối bất cứ cuộc phỏng vấn nào, anh luôn mời mọi người ra Quy Nhơn không chỉ để viết bài, đưa tin ảnh về đội bóng đá Bình Định mà cả những môn thể thao khác .Tôi còn nhớ những năm đầu 2000 khi kinh phí đi lại cơ quan thường chỉ duyệt cho tàu xe thì anh bảy Minh lập tức nói: “Tuyến và anh em cứ ra Quy Nhơn, đi bằng máy bay cũng được rồi mình sẽ bù cho...”. Những dịp lễ tết, anh bảy Minh cũng ân cần thăm hỏi và luôn có chút quà cho anh em ăn tết vui vẻ, ấm lòng.
Những năm 2000, thể thao Bình Định khởi sắc dưới bàn tay lèo lái, tất tả của anh bảy Minh. Anh là người đã góp công lớn 2 lần đưa bóng đá Bình Định giành Cúp Quốc gia 2003, 2004 và hạng nhì 2007, đưa các cầu thủ Thái Lan chơi hay như Issawa, Apisit về Bình Định và cũng là người chủ trương “xuất khẩu” cầu thủ Bình Định đầu tiên ra nước ngoài, đó là đưa Lương Trung Tuấn sang thi đấu cho Cảng Thái Lan.
Năm 2006, dưới sự chỉ đạo của anh, đội Pisico Bình Định cũng giành hạng ba giải vô địch quốc gia. Anh cũng là người khai sinh ra Cúp Hoàng đế Quang Trung tạo ấn tượng mạnh trước mỗi mùa giải vô địch quốc gia. Cũng chính anh đã đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh Bình Định mang giải U.21 Báo Thanh Niên về Quy Nhơn năm 2005 và giúp cho bóng đá Bình Định lần đầu tiên lên ngôi vô địch. Anh cũng tham gia ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam 2 nhiệm kỳ và nhờ tiếng nói của anh mạnh mẽ trong Liên đoàn mà vị thế, hình ảnh của bóng đá đất võ luôn được mọi người yêu mến, vị nể.
Không riêng bóng đá, anh bảy Minh còn là "cha đẻ” của liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế vào đầu tháng 8 hàng năm, thu hút hàng chục đoàn quốc tế tham gia, đưa sinh khí võ thuật về đất võ và trở thành hoạt động văn hóa thể thao truyền thống rất có giá trị đến ngày nay.
Ông Lê Văn Minh (phải) được Tỉnh ủy Bình Định điều động, luân chuyển qua làm giám đốc Sở Nội vụ
Năm 2008, anh được Tỉnh ủy Bình Định điều động, luân chuyển qua làm giám đốc Sở Nội vụ sau đó là Phó ban tổ chức Tỉnh ủy. Sự chia tay thể thao của anh cũng là lúc bóng đá Bình Định bắt đầu đi xuống và đến giờ vẫn chưa thể trở đỉnh cao. Chính sự tụt lại này khiến anh bảy Minh vẫn đau đáu trong lòng tỉnh yêu với bóng đá đất võ. Anh luôn gọi điện nhắn nhủ anh em đang làm thể thao phải năng động, quyết liệt và sáng tạo để đưa bóng đá Bình Định trở lại. Anh cũng bàn bạc với nhiều anh em trong Liên đoàn bóng đá tỉnh cố gắng tổ chức nhiều hoạt động, nhiều giải đấu, chú trọng đào tạo để vực dậy sự tin yêu của người hâm mộ đất võ. Tiếc rằng những hoạt động như vậy ngày một ít đi cùng với thành tích bết bát của đội nhà.
Từ khi rời xa thể thao, anh bảy Minh gần như “ở ẩn” trong vai trò mới và cũng thất bất ngờ khi 3-4 năm trở lại đây nghe tin anh bệnh. Ban đầu nghe anh bị gút, sau đó lại nghe bị bao tử, rồi tim mạch, rồi nhiễm trùng máu. Anh phải thường xuyên vào Sài Gòn chữa bệnh. Có lúc đã giảm nhưng sau đó lại tăng trở lại. Nhiều năm chống chọi với bệnh tật khiến sức khỏe anh cũng suy giảm. Vậy mà năm rồi khi nghe Báo Thanh Niên và BTC giải U.21 mời ra sân Thống Nhất nhận kỷ niệm chương 20 năm cho những người đã góp phần vào sự phát triển của giải, anh bảy Minh dù đi lại rất khó khăn vẫn ra sân để nhận.
Khi đó anh ôm lấy tôi và nói trong xúc động: “Giải U.21 là một kỷ niệm khó quên của bóng đá Bình Định. Tôi luôn biết ơn anh Khế (nhà báo Nguyễn Công Khế), anh Tịnh (nhà báo Đặng Thanh Tịnh) và Báo Thanh Niên đã đưa U.21 về Bình Định và làm cho bóng đá đất võ mạnh mẽ, ấm tình và tươi vui hơn. Tình cảm đó chính là nguồn động lực lớn giúp chúng tôi tự tin và được cả nước biết đến nhiều hơn. Vì vậy khi Báo Thanh Niên mời ra nhận kỷ niệm chương dể ghi nhận sự cộng tác, tôi rất vui và vô cùng hạnh phúc...”. Khi đó anh bảy Minh còn nói nếu sớm khỏi bệnh anh sẽ bàn bạc với những người làm bóng đá của tỉnh để làm sao vực dậy bóng đá Bình Định trong thời gian sớm nhất.
Vậy mà mới chưa đầy 3 tháng sau ngày nhận kỷ niệm chương, khi mà giải U.19 do Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, báo Thanh Niên mang về Bình Định với hy vọng sẽ tìm lại sinh khí cho bóng đá đất võ như mong muốn của anh thì anh lại đi xa. Liệu có phải là định mệnh không khi đúng ngày thể thao Việt Nam (27.3), người làm thể thao đầy tâm huyết như anh lại đi xa, bỏ lại nhiều giấc mơ còn dang dở cho thể thao tỉnh nhà.
Chia tay anh, một người nhiệt huyết với thể thao, một tổng công trình sư của thể thao đất võ. Anh hãy yên nghỉ nhé vì các đồng đội, báo chí, người hâm mộ thể thao Bình Định vẫn luôn dành cho anh những tình cảm quý mến nhất.
Tác giả bài viết: Quang Tuyến
Nguồn tin: TNO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn