Thành Cát Tư Hãn là người sáng lập đế chế Mông Cổ và dẫn quân chinh phạt nhiều vùng đất rộng lớn nhằm mở rộng bờ cõi lãnh thổ.
Với tài cầm quân xuất chúng, những cuộc chinh phục của Thành Cát Tư Hãn đã góp phần xây dựng nên đế quốc Mông Cổ hùng mạnh nhất trong lịch sử.
Để đạt được những thành tựu lớn trong sự nghiệp nhà binh, Thành Cát Tư Hãn cũng giống như nhiều nhà cầm quân xuất chúng khác có con mắt tinh tường khi phát hiện tướng tài và trọng dụng họ.
Theo các tài liệu lịch sử, Thành Cát Tư Hãn thường thăng chức cho các tướng sĩ dựa trên trình độ, kinh nghiệm và công lao của họ hơn là dựa trên cấp bậc, gốc gác hay việc họ từng thể trung thành với ai trước đây, kể cả là kẻ thù.
Một trong những minh chứng về việc này là sự kiện diễn ra vào năm 1201. Khi ấy, Thành Cát Tư Hãn dẫn binh có trận đánh với bộ tộc Taijut. Trong trận chiến cam go này, Thành Cát Tư Hãn suýt mất mạng sau khi ngựa chiến của ông bị bắn hạ từ phía sau với một mũi tên.
Về sau, Thành Cát Tư Hãn nói chuyện với các tù binh Taijut mà quân đội Mông Cổ bắt được và yêu cầu họ nói ra người nào đã bắn tên vào ngựa chiến của ông.
Khi ấy, một tù binh Taijut đã dũng đảm đứng dậy và thừa nhận mình là cung thủ bắn tên vào ngựa của Thành Cát Tư Hãn.
Sau khi nghe người tù binh trên nói, Thành Cát Tư Hãn bị ấn tượng mạnh trước sự gan dạ của người này và bổ nhiệm anh ta làm chỉ huy trong quân đội của mình.
Về sau, Thành Cát Tư Hãn đặt cho người lính gan dạ trên biệt danh “Triết Biệt (Jebe)” (có nghĩa là mũi tên) nhằm kỷ niệm cuộc gặp đầu tiên giữa 2 người trên chiến trường.
Cùng với danh tướng Tốc Bất Đài, Triết Biệt từng bước trở thành một trong những chỉ huy quân sự cấp cao nhất của đế chế Mông Cổ trong quá trình chinh phục những vùng đất rộng lớn ở châu Á và châu Âu.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn