Sai phạm quá nhiều dự án, Hà Nội phải xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu

Thứ sáu - 21/07/2017 03:11
(Phapluat News) - Theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, phải xử lý nghiêm minh với những lãnh đạo Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tại dự án BT.
Sai phạm quá nhiều dự án, Hà Nội phải xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu

 

 

Một loạt khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng vừa được Thanh tra Chính phủ công bố trong kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) và hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo đó từ năm 2008 đến năm 2012, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chưa thực hiện đúng quy định về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường. 

Hầu hết vi phạm của Thành phố Hà Nội tại các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường giai đoạn 2008 – 2012 đều liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư kém năng lực dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn cuối cùng làm giảm hiệu quả đầu tư.

Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội - ảnh chụp màn hình.


Thiếu minh bạch sinh ra lợi ích nhóm

Theo quy định tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP và Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BT, BOT với mỗi dự án, lĩnh vực kêu gọi đầu tư thì các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải công bố danh mục dự án.

Thời hạn tối thiểu để Nhà đầu tư lựa chọn và đăng ký thực hiện Dự án với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là 30 ngày làm việc kể từ ngày Danh mục dự án được đăng tải lần cuối. Sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Dẫn giải trên để thấy những quy định của pháp luật rất rõ ràng, minh bạch tuy nhiên từ năm 2008 đến năm 2012, trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường chỉ duy nhất 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, 14 dự án còn lại đều do Thành phố Hà Nội chỉ định thầu. 

Các dự án đầu tư theo hình thức BT thuộc lĩnh vực giao thông môi trường giai đoạn 2008 – 2012 có thể kể đến như tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài; đường trục phía Bắc Hà Đông; đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); đường trục phát triển kinh tế, xã hội Bắc Nam; xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên; tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; trạm xử lý nước thải Hồ Tây; đường Đỗ Xá - Quan Sơn; đường từ Thành cổ Sơn Tây đến Đền Và; đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An; Dự án nút giao thông Long Biên đội…

Hầu hết dự án đầu tư theo hợp đồng BT nêu trên Thành phố Hà Nội đều không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, thậm chí ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực.

Một đoạn đường thuộc dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương - ảnh H.Lực


Nhấn mạnh rõ hơn về hệ lụy của việc chỉ định thầu trong các hợp đồng BT, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đánh giá: “Việc không đấu thầu công khai mà chỉ định thầu thực chất là thiếu sự minh bạch. Không có sự minh bạch thì trong đó có thể nảy sinh ra chuyện lợi ích nhóm, quan hệ bất hợp pháp”.

Lựa chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu là việc chỉ định trực tiếp một nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Hình thức lựa chọn nhà thầu này hoàn toàn không có sự cạnh tranh khi không có cạnh tranh sẽ dẫn đến hệ lụy là có sự xin – cho, móc ngoặc với nhau giữa chủ đầu tư bên mời thầu và các nhà thầu.

Ngoài ra chi phí để thực hiện gói thầu không có sự cạnh tranh, không có giá phù hợp dẫn đến tình trạng tham nhũng.

“Tất cả những chuyện này chúng ta đã nói nhiều, nếu không đấu thầu được tức là không minh bạch được, không cạnh tranh được, vì không đấu thầu công khai đưa đến doanh nghiệp đi đêm… Do đó bây giờ phải thực hiện đúng quy định, phải công khai đấu thầu để đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh”, Tiến sĩ Hồ đánh giá.

Theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ trong giai đoạn từ năm 2008 – 2012 chưa ráo riết về vấn đề đấu thầu hợp đồng BT dẫn đến Hà Nội chỉ định thầu quá nhiều. 

Sai phạm dự án BT, BOT, kiến nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo Hà Nội

Theo Thanh tra Chính phủ những khuyết điểm, vi phạm trong lựa chọn nhà thầu đã dẫn đến nhiều dự án theo hợp đồng BT nêu trên đều bị tăng giá trị hợp đồng. Cụ thể, dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án này không chính xác làm tăng giá trị hợp đồng lên 19,5 tỷ đồng.

Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An cũng có sai phạm tương tự làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho số tiền tăng thêm 15,9 tỷ đồng.

Đối với dự án nút giao thông Long Biên cũng có hàng loạt sai phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư làm tăng giá trị trên 34 tỷ đồng, cho tới việc lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho tăng thêm hơn 4,5 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, dự án nút giao thông Long Biên còn có những vi phạm về giải phóng mặt bằng, di dời, tính toán khối lượng dự toán giải phóng mặt bằng cũng đã khiến cho dự án tăng thêm trên 12 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn đối với dự án đường trục phía Nam, tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay tới 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án BT là chưa có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng mức đầu tư của để ký hợp đồng dự án tăng sai thêm 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng dự án BT.

Xử lý cán bộ không dễ 

Căn cứ vào khuyết điểm, vi phạm trên nêu trong kết luận thanh tra, bên cạnh việc yêu cầu xử lý về kinh tế như buộc nộp trả vào ngân sách các khoản tiền hàng tỷ đồng do sai phạm như chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT, do áp sai suất vốn đầu tư, giảm trừ chi phí bồi thường đất…

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội căn cứ vào kết quả thanh tra, thực hiện việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc quyết định lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành chức năng, các cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tổ chức, cá nhân đã có khuyết điểm, vi phạm liên quan đến quá trình tham mưu, quản lý, giám sát, thực hiện hợp đồng dự án.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng không loại trừ trường hợp nào trong việc lý trách nhiệm lãnh đạo Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tại dự án BT - ảnh. H. Lực


Đánh giá việc Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo Thành phố Hà Nội, lãnh đạo sở, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội có vi phạm khuyết điểm liên quan dự án BT, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cho rằng, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ như vậy là hợp lý.

“Tuy nhiên việc xử lý khó khăn, thậm chí rất khó khăn bởi vì để truy cứu được một cách rõ ràng người chịu trách nhiệm cần phải thanh tra, điều tra phải làm nhiều công việc và mất nhiều thời gian”, Tiến sĩ Hồ cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên trong giai đoạn 2008 – 2012 một số cán bộ lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã về hưu hoặc chuyển công tác. 

Điển hình như ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007 – 2015. Hai nhiệm kỳ giữ chức vụ chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng là thời điểm Hà Nội bùng nổ dự án giao thông, môi trường theo hình thức BT. 

Cũng liên quan đến vấn đề thẩm định, phê duyệt, giám sát thực hiện dự án theo hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường từ năm 2008 – 2012 tại Hà Nội cần làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải (nếu có)... và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

Trở lại vấn đề xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, lãnh đạo sở ban ngành của Thành phố Hà Nội liên quan đến vi phạm, khuyết điểm tại các dự án BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nêu quan điểm: “Theo tôi cái chính khi kiểm điểm lại, kiểm tra lại thấy rõ những chỗ nào vi phạm nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước, vi phạm có tính chất hình sự phải truy cứu đến cùng, làm cho rõ ràng. Dù hiện tại đã về hưu hay còn đang công tác cũng phải truy cứu, xử lý”.

Theo Tiến sĩ Hồ, khi xử xử lý đương nhiên không loại trừ trường hợp nào, không có bất kỳ vùng cấm nào, phải làm đúng tinh thần chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã nêu rất rõ trong các Nghị quyết của Trung ương.

Nguồn tin: GDVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây