Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy các hợp chất sinh hóa từ các mẫu khoáng vật serpentinite dưới đáy biển thuộc rãnh sâu Mariana (được coi là nơi sâu nhất trên Trái Đất), gần sát núi lửa South Chamorro.
Điều này có nghĩa là sự sống có thể tồn tại ở nơi được ví như "địa ngục".
Nghiên cứu mới đây trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ) cho biết, các chuyên gia tại Đại học Utrecht (Hà Lan) phát hiện thấy hợp chất hữu cơ từ 46 mẫu vật dưới rãnh sâu Mariana, thuộc Thái Bình Dương.
Giáo sư Oliver Plumper tại Đại học Utrecht, tác giả chính của nghiên cứu này cho hay:
"Mặc dù chúng tôi không thể xác định chính xác nguồn gốc của các hợp chất đó, nhưng phân tích hóa học của các thành phần này giống như những cấu trúc phân tử có thể được tạo ra bởi các vi sinh vật sống ở trong hoặc sâu dưới núi lửa".
Theo các nhà nghiên cứu, những hợp chất này có thể là nơi vi sinh vật tồn tại được.
Các nghiên cứu trước đó đã chứng minh được rằng sự sống có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt nhất với nhiệt độ lên tới 122 độ C.
Vị trí rãnh sâu Mariana. Ảnh: Dailymail
Rãnh Mariana sâu khoảng 11 km dưới mực nước biển, thuộc quần đảo Mariana, nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản.
Rãnh hay khe nứt "địa ngục" này được hình thành do mảng kiến tạo Thái Bình Dương bất ngờ chuyển dịch trượt dưới mảng kiến tạo Philippines, tạo nên một đới hút chìm - subduction zone (nơi xảy ra rất nhiều trận động đất).
Khe nứt "địa ngục" tạo nên một đới hút chìm nguy hiểm. Ảnh: Dailymail
Trước đây, các nhà nghiên cứu phát hiện, độ sâu lớn nhất dưới đáy biển tìm thấy sinh vật sống là 3,6 km nhưng nếu những phát hiện mới đây được tiếp tục chứng minh, thì sự sống có thể tồn tại ở những nơi vượt xa trí tưởng tượng của con người.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu trước để tính toán độ sâu bên dưới đáy biển mà sinh vật có thể tồn tại. Kết quả tính toán từ mô hình cho thấy các hợp chất hóa học có thể xuất hiện từ độ sâu khoảng 10km dưới đáy biển.
Sự sống có thể tồn tại ở độ sâu 10 km. Ảnh: Utrecht University
Các nhà nghiên cứu hiện sử dụng các robot ngầm điều khiển từ xa (ROV) đến rãnh sâu Mariana để hy vọng tìm thấy những phát hiện mới.
Toàn bộ rãnh Mariana có chiều dài là 2.550 km. Chiều rộng của rãnh lại vô cùng khiêm tốn, chỉ khoảng 69 km. Khoảng cách giữa bề mặt đại dương và điểm sâu nhất của rãnh – vực thẳm Challenger là gần 11 km.
Áp suất lớn và thiếu vắng ánh sáng mặt trời ở rãnh Mariana chính là môi trường bất lợi đối với hầu hết các sinh vật biển.
Trước đó, các nhà nghiên cứu từng phát hiện ra âm thanh kỳ lạ phát ra ở rãnh sâu Mariana, nơi mà con người từng cho là yên tĩnh nhất trên Trái Đất. Rãnh sâu "địa ngục" vẫn còn là một bí ẩn lớn của nhân loại mà con người luôn muốn tìm kiếm lời giải đáp.
Nguồn tin: Dailymail, Scienceworldreport / Tri Thức trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn