Đường dây lừa tiền ảo Ifan vận hành thế nào?
Nguồn tin của VietNamNet cho hay, từ đầu năm đến nay, 1 cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã vào cuộc điều tra về đường dây huy động vốn dạng phát hành tiền ảo có tên là Ifan gây xôn xao khi có 32 ngàn nạn nhân “sập bẫy”, số tiền chiếm đoạt lên đến 15 ngàn tỷ đồng.
Nguồn thông tin cho hay, Cục nghiệp vụ nói trên của Bộ Công an đã xác minh từ hơn 3 tháng nay, xuất phát từ trình báo của 1 số nạn nhân. Đến nay, Công an đã mời làm việc 1 số người liên quan đến công ty CP Modern Tech (trụ sở chính tại lầu 9 tòa nhà Vietcomreal, số 68 đường Nguyễn Huệ, Q.1) bị tố cáo lừa đảo tiền ảo đa cấp.
Các nạn nhân cho rằng, vụ lừa đảo tiền ảo Ifan dạng đa cấp được coi là lừa đảo tiền ảo lớn nhất tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay |
Được biết, đến nay có hàng trăm nạn nhân của Modern Tech ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã gửi đơn tố cáo người đại diện pháp luật là ông Bùi Xuân Văn (SN 1988, quê Thừa Thiên – Huế, tạm trú Q.2) cùng 7 cổ đông đồng sáng lập công ty Modern Tech đến Bộ Công an phía Nam, Công an TP.HCM…
Theo các nạn nhân, ngay sau khi Modern Tec chính thức được cấp phép hoạt động cuối tháng 10/2017, nhóm Ifan đã giở các 'chiêu trò'. Nhóm này liên tục di chuyển qua nhiều tỉnh thành từ Nam chí Bắc để tổ chức các sự kiện đông người.
Tại các sự kiện, xuất hiện hình ảnh hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Lam Trường, MC Nguyễn Ngọc Ngạn, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, ca sĩ Lệ Quyên…Sức hút của các ngôi sao nói trên đã thu hút hàng ngàn người tham dự.
Tại đây nhóm Ifan và 2 lần có mặt ông Diệp Khắc Cường – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư và Phát triển Mạng Lưới Hữu Nghị (gọi tắt là FNC, trụ sở tại Q.10) giới thiệu công nghệ 4.0 trong đó có ứng dụng (App - trên điện thoại thông minh) bán nội dung kỹ thuật số, giải trí, quản lý doanh thu của nghệ sĩ, tiên phong là “ông hoàng” Đàm Vĩnh Hưng…Sau đó, nhóm Ifan kêu gọi những người tham dự đầu tư vào đồng tiền ảo Ifan, với hứa hẹn lãi suất 48%/tháng, nếu gọi người khác vào hệ thống theo mô hình đa cấp thì được hưởng hoa hồng 1 – 8%.
Dạng thẻ tín dụng quốc tế tiền ảo mà nhóm Ifan dự tính phát hành |
Nhóm Ifan còn quảng bá hoành tráng rằng, nhà đầu tư khi tham gia vào Ifan sẽ dễ dàng được định cư tại Mỹ, Châu Âu; được ưu đãi trong các hệ thống, kinh doanh, giải trí mà Ifan sẽ kết hợp với nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đang xây dựng. Nhóm Ifan cũng thông báo, sẽ phát hành thẻ thanh toán quốc tế tiền ảo Ifan, nhà đầu tư có thể sử dụng ở bất kỳ đâu.
Nhiều nhà đầu tư cho hay, để đầu tư vào tiền ảo Ifan họ sẽ tạo ví ảo, bỏ tiền thật ra mua các đồng tiền ảo đang thịnh hành hiện nay như: Bitcoin, Ethereum…sau đó tiếp tục dùng các loại tiền ảo đó mua lại tiền ảo Ifan bằng tài khoản được cấp trên hệ thống riêng của Ifan, từ đó có thể giao dịch với nhau trên sàn nội bộ.
Những ông trùm “nhóm Ifan” là ai?
Do quy trình huy động vốn lòng vòng như nói trên, nên việc điều tra, xử lý đường dây lừa đảo dạng đa cấp Ifan trong thời gian tới, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.
Một nguồn thông tin cho hay, con số 32 ngàn nạn nhân có thể chưa chuẩn xác, thực tế là có 32 ngàn tài khoản của nhà đầu tư trên hệ thống của Ifan. Vì có trường hợp 1 nhà đầu tư vì hám lợi với khoản lãi suất khủng có thể tạo nhiều tài khoản trên hệ thống Ifan để giao dịch.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty CP Modern Tech - công ty bị tố cáo lừa đảo tiền ảo Ifan |
Ngoài ra, số tiền 15 ngàn tỷ đồng bị chiếm đoạt (theo thống kê của các nạn nhân) cũng chưa chuẩn xác. Vì có nhiều nạn nhân tố cáo, đã dựa trên sự tăng – giảm của đồng tiền ảo hay có nạn nhân tính toán cộng dồn mức lãi suất mà nhóm Ifan đã hứa hẹn.
Tuy nhiên, câu hỏi đang được quan tâm hiện nay là: ai là 'ông trùm' thực sự của nhóm Ifan?
Theo tìm hiểu, công ty Modern Tech được cấp phép hoạt động từ 31/10/2017 do ông Hồ Xuân Văn làm đại diện. Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Ông Văn chiếm 12% cổ phần, lớn nhất là ông Vũ Hữu Lợi với 15%. 6 cổ đông khác gồm: Lương Huỳnh Quốc Huy, Lưu Trọng Tuấn, Nguyễn Quốc Trọng, Nguyễn Trung Hiếu, Hồ Phú Ty và Bùi Thị Ngọc Mỹ, mỗi người đóng góp 12% cổ phần vào công ty.
Đa phần những nhà đồng sáng lập Modern Tech đều xuất phát từ các tập đoàn đa cấp tại Việt Nam.
Doanh nhân Diệp Khắc Cường (ngoài cùng bên trái) và 1 số nghệ sĩ chính thức lên tiếng khẳng định "không liên quan đến tiền ảo Ifan". Ảnh: mạng xã hội |
Các nạn nhân cho hay, có 2 người họ tiếp xúc tại các buổi sự kiện, giới thiệu có vai trò lãnh đạo nhóm Ifan là ông Diệp Khắc Cường như đã đề cập và Lê Ngọc Tuấn (còn được biết đến với cái tên Tuấn Euro).
Xác nhận từ phía Cục thuế TP.HCM cho hay, Modern Tech chỉ mới đóng khoản thuế môn bài 1,5 triệu đồng, sau 6 tháng hoạt động. Doanh nghiệp này chưa đăng ký sử dụng hóa đơn, chưa kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngày 7/3 vừa qua, Modern Tech có thông báo gửi Cục thuế TP.HCM xin tạm ngừng hoạt động nhằm bổ sung các thủ tục liên quan đến thuế.
Các nạn nhân cho rằng, vai trò chủ chốt tại các sự kiện của nhóm Ifan khi huy động vốn, bán tiền ảo Ifan là ông Diệp Khắc Cường và Vũ Hữu Lợi. Và ông Lợi có vai trò là… tổng chỉ huy.
Nhưng mới đây, ông Diệp Khắc Cường đã chủ động gặp báo chí lên tiếng khẳng định “không liên quan” đến nhóm Ifan, ông chỉ là “nạn nhân”…nặng nhất trong vụ lừa đảo 'khủng' này.
Tìm hiểu xác định, những người thuộc “nhóm Ifan” lừa đảo tiền ảo đều trẻ tuổi, trên dưới 30 tuổi. Thế nhưng, họ sở hữu những căn hộ đắt tiền, đi ô tô sang.
Bề nổi của đường dây lừa đảo tiền ảo Ifan đến nay lộ ra những cái tên “tuổi trẻ, tài cao” nói trên. Nhưng đến nay, các nạn nhân vẫn chưa thể nhận diện, ai là ông trùm thực sự của nhóm Ifan? Câu hỏi này phải chờ kết quả điều tra, làm rõ của cơ quan công an...
Tác giả bài viết: Linh An
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn