Những 'đại án' gây nhức nhối được xét xử đầu năm 2018

Thứ năm - 15/02/2018 04:00
(VnMedia) - Trong tháng đầu năm 2018, hàng loạt đại án kinh tế, tham nhũng gây nhức nhối lòng dân đã được các Tòa án đưa ra xét xử...
Những 'đại án' gây nhức nhối được xét xử đầu năm 2018

 

Bị cáo Phạm Công Danh
Bị cáo Phạm Công Danh

‘Đại án’ ngành ngân hàng

Ngày 8/1, TAND TP.HCM đã đưa vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) giai đoạn 2 ra xét xử về tội ‘Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng’

Trong vụ án này, có 46 bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử do có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước xảy ra tại 4 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), TPBank, BIDV và Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB).

Cùng bị đưa ra xét xử với Phạm Công Danh còn có ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank, ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank…

Sau gần 1 tháng xét xử, sáng 7/2, HĐXX tuyên trả hồ sơ và điều tra bổ sung vụ án với lý do qua quá trình xét xử, những tranh luận xoay quanh dòng tiền 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ, 6.126 tỷ thiệt hại vụ án vẫn là câu hỏi lớn cần làm rõ.

Trước đó, Viện kiểm sát đề nghị tuyên Phạm Công Danh  20 năm tù, Trầm Bê 5-6 năm tù Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng) 13-15 năm tù, Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 11-13 năm tù.

42 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng bị đề nghị 2-7 năm tù và cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự, tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên thu hồi 6.126 tỷ từ 3 Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng (nay là CB). Đồng thời, buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 6.126 tỷ cho 3 ngân hàng...

Bị cáo Huyền Như tại tòa
Bị cáo Huyền Như tại tòa

"Siêu lừa" Huyền Như lĩnh án chung thân

Tối 9/2, sau 2 ngày xét xử, TAND TP.HCM đã tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM) tù chung thân, Võ Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP.HCM) 7 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Như và Tuấn liên đới bồi thường cho công ty Hưng Yên 200 tỷ. Ngoài ra, bị cáo Huyền Như còn phải bồi thường cho 4 công ty còn lại hơn 860 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt được 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. Trong đó, Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên, 170 tỷ đồng của Công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông, 124 tỷ đồng của Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, 209,9 tỷ đồng của Công ty SBBS.

Trước đó, vào năm 2015, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên phạt Huyền Như án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tòa cũng chấp nhận kháng cáo của 5 công ty tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra xét xử lại nhằm làm rõ hành vi Tham ô tài sản của Như và vai trò của Tuấn. 

Theo TAND Tối cao, cấp sơ thẩm cần xem xét lại trách nhiệm của VietinBank trong vụ án. Đồng thời kiến nghị xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo nhà băng này là ông Nguyễn Văn Sẽ, Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương - do liên quan việc để Như chiếm đoạt tiền của những công ty.

Sau hai năm điều tra lại, VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Huyền Như về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - tức Vietinbank không có trách nhiệm trả nợ cho 5 công ty.

Bị cáo Đinh La Thăng
Bị cáo Đinh La Thăng

22 cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp hầu tòa

Cũng trong ngày 8/1, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Có 22 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) cùng 20 cựu lãnh đạo, cán bộ của PVN và PVC.

Theo cáo buộc: Dù biết rõ Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng, với vai trò của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Thực chất của việc ký kết các hợp đồng EPC 33 và hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ 23 đến 31/5/2011) thông qua việc chi tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.312 tỷ tạm ứng trái quy định.

Sau đó, PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền hơn 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho PVN 119 tỷ đồng. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực kinh nghiệm, tài chính là PVC đã để lại hệ lụy rất lớn.

Bên cạnh đó, để có tiền chi tiêu cá nhân, Trịnh Xuân Thanh cùng với Vũ Đức Thuận đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án nhà máy Quảng Trạch 1, rút số tiền hơn 13 tỷ đồng...

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội cố ý làm trái; bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 14 năm tù về tội cố ý làm trái, chung thân về tội tham ô. Tổng hình phạt hai tội là chung thân. Các bị cáo còn lại bị tuyên 3 năm án treo đến 22 năm tù giam.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

3 án chung thân cho phiên xét xử tội Tham ô tài sản

Ngày 24/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Theo đó, Trịnh Xuân Thanh cùng 7 bị cáo bị cáo khác cùng hầu tòa về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Công ty CP dịch vụ xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5) với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của Công ty xuyên Thái Bình Dương, trong đó riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Công ty CP bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) thể hiện giá chuyển nhượng hơn 13.000 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất).

So với giá đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc thì tổng giá trị hợp đồng giảm đi hơn 87 tỷ đồng. Các bị cáo đã chia nhau chiếm đoạt 49 tỷ đồng trong số tiền chênh lệch này.

Trong đó, bị can Trịnh Xuân Thanh được 14 tỷ đồng; Đinh Mạnh Thắng chiếm 5 tỷ đồng; Đào Duy Phong 8 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng; Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng.

Có đủ căn cứ kết luận Trịnh Xuân Thanh là người quyết định và chỉ đạo việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land cho Công ty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án với mục đích chiếm đoạt tiền chênh lệch. Bị cáo đã được hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền này.

Ngày 5/2, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án sơ thẩm, theo đó tuyên phạt bị 3 án chung thân, trong đó có Trịnh Xuân Thanh. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 9-16 năm tù giam về tội Tham ô tài sản.

Tác giả bài viết: P.Mai

Nguồn tin: vnmedia.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây