Những câu hỏi cần làm rõ tại Vụ Đào tạo (Bộ Nội vụ)

Thứ ba - 06/02/2018 22:40
(Công lý) - Theo đơn thư phản ánh gửi tới Báo Công lý và các cơ quan báo chí, có hàng loạt vấn đề vướng mắc cần làm rõ tại Vụ Đào tạo (Bộ Nội vụ) nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý thoả đáng.
Những câu hỏi cần làm rõ tại Vụ Đào tạo (Bộ Nội vụ)

 

Làm rõ việc phân tích chất lượng đảng viên

Theo phản ánh, từng có đơn thư về việc đảng viên Nguyễn Thị Quý, sinh hoạt tại Chi bộ Vụ Đào tạo nghỉ 5 kỳ sinh hoạt đảng không có lý do chính đáng. Ngày 19/7/2017, một đảng viên đã gửi đơn kiến nghị lên Đảng ủy Bộ Nội vụ và đề nghị xem xét lại sự việc cũng như trách nhiệm của đồng chí Bí thư Chi bộ Vụ Đào tạo và các cá nhân có liên quan trong cấp ủy. Ngày 9/10/2017, Đảng ủy Bộ Nội vụ có Công văn số 179-CV/ĐUBNV về việc đảng viên nghỉ sinh hoạt chi bộ, trong đó nêu rõ vi phạm của đảng viên Nguyễn Thị Quý và yêu cầu Chi ủy Chi bộ Vụ Đào tạo kiểm điểm trước chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng.

Những câu hỏi cần làm rõ tại Vụ Đào tạo (Bộ Nội vụ)

Bộ Nội vụ - nơi có Vụ Đào tạo với nhiều nội dung phản ánh cần làm rõ

Tuy nhiên sau đó, ông Nguyễn Ngọc Vân, Vụ trưởng, Bí thư chi bộ chủ trì các cuộc họp cấp uỷ, chi bộ đã khẳng định đảng viên Quý nghỉ có lý do, cấp ủy đi xác minh cũng kết luận đồng chí Nguyễn Thị Quý nghỉ có lý do và không vi phạm Điều lệ Đảng.

Nhưng đến cuộc họp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Nội vụ, đồng chí Vân lại khẳng định đảng viên Quý không có đơn xin nghỉ sinh hoạt chi bộ. Ngày 27/10/2017, tại cuộc họp triển khai Công văn số 179-CV/ĐUBNV của Đảng ủy Bộ Nội vụ về việc đảng viên Nguyễn Thị Quý nghỉ sinh hoạt chi bộ, một số đảng viên đề nghị bổ sung vào bản kiểm điểm của cấp ủy là phải làm rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Chi ủy Vụ Đào tạo. Song sau đó, trong báo cáo lên Đảng ủy Bộ Nội vụ, không hiểu sao lại thiếu những nội dung trên.

Cũng theo phản ánh, việc phân tích chất lượng đảng viên cũng còn nhiều vấn đề cần làm rõ như: Năm 2015, đảng viên Nguyễn Thị Quý có một nhiệm vụ không hoàn thành theo tiến độ (biên soạn tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo cấp huyện) nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.Năm 2016, đảng viên Nguyễn Thị Quý cố tình xây dựng lịch đi công tác triển khai nhiệm vụ chuyên môn trùng với lịch học Thạc sỹ và lịch họp sinh hoạt chi bộ, dẫn đến việc không hoàn thành những nội dung công việc trong 02 Kế hoạch đã được Lãnh đạo phê duyệt nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Có hay không việc biến tập huấn thành...hội thảo?

Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Nội vụ (Vụ Đào tạo) có trách nhiệm bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh sau bầu cử và tổ chức tập huấn cho giảng viên các địa phương để về bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Theo trình tự, ở Giai đoạn 1 – Giai đoạn xây dựng và biên soạn tài liệu, Vụ Đào tạo - Bộ Nội vụ có nhiệm vụ phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia và các đơn vị liên quan biên soạn bộ tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân trình Lãnh đạo bộ phê duyệt. Các hội thảo khoa học (nếu có) phải được tổ chức trong giai đoạn này, trong quá trình biên soạn tài liệu nhằm thu thập, tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện bộ tài liệu trước khi trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt, ban hành.

Sau khi bộ tài liệu được phê duyệt, đến Giai đoạn 2 – Giai đoạn ban hành, phổ biến bộ tài liệu đã được phê duyệt, Vụ đào tạo có trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các lớp tập huấn cho giảng viên các địa phương về bộ tài liệu đã được phê duyệt này để sau đó các giảng viên này có thể giảng dạy, truyền đạt lại cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã. Theo đó, các lớp bồi dưỡng, tập huấn này có tính chất phổ biến, hướng dẫn kỹ năng và phương pháp giảng dạy theo các nội dung của bộ tài liệu đã được phê duyệt và đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Qua các lớp tập huấn này, các giảng viên của địa phương nắm được chủ trương và những nội dung đổi mới về hoạt động của HĐND để truyền đạt lại cho các đại biểu HĐND cấp huyện và xã.

Việc Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các lớp tập huấn giảng viên (là máy cái) để về giảng dạy cho đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố sẽ lựa chọn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có đủ trình độ, năng lực và gửi danh sách để Bộ Nội vụ triệu tập tham gia các lớp tập huấn giảng viên theo các nội dung của bộ tài liệu đã được ban hành.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Đào tạo đã không tham mưu lãnh đạo Bộ ký công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tổ chức các lớp tập huấn giảng viên bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã như thông lệ. Thay vì việc hướng dẫn các địa phương lựa chọn, gửi danh sách giảng viên, báo cáo viên (là những người trực tiếp báo cáo, truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã) gửi về Bộ Nội vụ để tham dự lớp tập huấn (đã được biến thành hội thảo), ông Vân đã chỉ đạo triệu tập trực tiếp thành phần tham gia là giảng viên các trường chính trị tỉnh và lãnh đạo, chuyên viên các Sở Nội vụ. Việc này dẫn đến tình trạng các tỉnh, thành phố lúng túng, bị động. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của mình, nhiều địa phương đã phải tự tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và không sử dụng những giảng viên trường chính trị tỉnh đi dự hội thảo của Bộ Nội vụ vì các tỉnh, thành phố không biết rõ mục đích của hội thảo là gì. Vì vậy, việc tổ chức 03 hội thảo giảng viên bồi dưỡng Hội đồng nhân dân của Bộ Nội vụ gần như không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Theo chế độ thanh quyết toán, các hội thảo này tổ chức trong 3 ngày, trong đó mức chi cho đại biểu dự hội thảo là 200.000đ/1 người/1 ngày, trong khi nếu là lớp tập huấn thì mức chi cho học viên chỉ là 50.000đ/1 người/ 1 ngày. Việc này gây lãng phí số tiền không nhỏ.

Được biết, trước đó, Kiểm toán Nhà nước từng có cảnh báo việc vi phạm nguyên tắc tài chính trong việc biến các lớp tập huấn thành hội thảo.

In tài liệu dùng chung gây nhiều bất cập

Vẫn theo đơn thư phản ánh, trong năm 2016, Vụ Đào tạo tổ chức in ấn tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cả 3 cấp (theo dự toán gần 4 tỷ đồng) cũng có nhiều điểm chưa hợp lý, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Bởi lẽ, thông thường ở các kỳ bầu cử trước đây, Bộ Nội vụ chỉ biên soạn và in ấn tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Sau đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ biên soạn tài liệu bồi dưỡng Hội đồng nhân dân huyện, xã trên cơ sở bộ tài liệu đã được Bộ Nội vụ ban hành đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho các tỉnh, thành phố chủ động trong việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đại biểu huyện, xã sau bầu cử.

Việc biên soạn và in tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã cho các địa phương, dùng chung cho cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã là hoàn toàn không phù hợp. Trong các hội thảo khoa học về biên soạn tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân, các chuyên gia đã có ý kiến bộ tài liệu do Bộ Nội vụ ban hành chỉ nên dùng cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, còn đối với Hội đồng nhân dân huyện, xã nên giao cho các địa phương chủ động biên soạn, chỉnh sửa trên cơ sở khung bộ tài liệu của Bộ Nội vụ, điều đó sẽ phù hợp và sát tình hình thực tế của các địa phương hơn. Việc này còn dẫn đến không đảm bảo được tiến độ, thời gian bàn giao tài liệu cho các địa phương (do thủ tục đấu thầu in ấn tài liệu với số kinh phí lớn phức tạp, đòi hỏi mất nhiều thời gian), dẫn đến tình trạng các địa phương phải gửi công văn thúc giục Vụ Đào tạo khẩn trương bàn giao tài liệu để đảm bảo kế hoạch đã được lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố phê duyệt từ đầu năm.

Có một số địa phương sau khi tổ chức bồi dưỡng xong cho đại biểu HĐND huyện, xã mới nhận được tài liệu như Phú Thọ. Hay do cấp phát tài liệu chậm nên tỉnh Quảng Ninh đã không thể thực hiện kế hoạch được lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt từ đầu năm, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh phải trình lùi thời gian thực hiện sang năm 2017. Thành phố Hải Phòng và tỉnh Lâm Đồng thì tổ chức gần xong các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND huyện, xã mới được cấp tài liệu...

Những nội dung phản ánh trên cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập cần sớm được Vụ Đào tạo và Bộ Nội vụ sớm xác minh, làm rõ.

Nguồn tin: Công Lý:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây