Nam sinh huyện miền núi chế tạo thành công máy bay thăm dò đám cháy

Chủ nhật - 07/05/2017 21:07
(PL News) - Một học sinh lớp 9 trường THCS thị trấn Khe Tre, huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa chế tạo thành công máy bay thăm dò đám cháy và đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng huyện Nam Đông năm 2017.
Nam sinh huyện miền núi chế tạo thành công máy bay thăm dò đám cháy

 

Em Lê Quý Đức đang mang mô hình dự thi tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017.

Em Lê Quý Đức (học sinh lớp 9, trường THCS Thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chế tạo ra mô hình máy bay thăm dò đám cháy đã được BTC cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng huyện Nam Đông năm 2017” trao giải nhất và mô hình này tham dự thi cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017”.

Trao đổi với PV, em Lê Quý Đức tâm sự, Nam Đông là một huyện miền núi và trồng chủ yếu là cây nguyên liệu như keo, thông, cao su… Về mùa hè nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, trong khi đó địa hình đồi núi hiểm trở, khó phát hiện nên hay xảy ra các vụ cháy rừng rất nghiêm trọng. Còn những chiếc máy bay mô hình bán trên thị trường có giá cao thì trên vùng đồi núi đa số là những người nghèo không thể đủ kinh phí để mua.

Vì thế, ý tưởng làm một chiếc máy bay từ các vật liệu rẻ tiền nhưng vẫn thực hiện được tốt các chức năng giống như một chiếc máy bay thật đã thôi thúc Đức.

Từ đó, niềm đam mê nghiên cứu khoa học, bắt đầu có ý tưởng và vào tháng 3/2016, Lê Quý Đức bắt tay vào thực hiện. Sau hơn 1 tháng tập trung, sản phẩm máy bay thăm dò đám cháy đã hoàn thành và hoạt động thử nghiệm thành công với sự giúp đỡ của thầy giáo và bố.

Theo Đức giải thích, máy bay thăm dò đám cháy hoạt động theo nguyên lý phản lực, động cơ đẩy gió ra sau và máy bay đi tới. Khi cần lái máy bay thì điều khiển 2 cánh lái hai bên. Khi muốn máy bay đi lên và xuống thì điều khiển cánh đuôi và camera được lắp trên máy bay sẽ quay và truyền tín hiệu về điện thoại hoặc máy tính với bán kính 500m bằng wifi để quan sát.

Khó khăn mà Đức gặp phải trong quá trình thực hiện máy bay đó là việc cắt hình dáng của máy bay hay bị lỗi, vi mạch lắp ráp khó và việc điều khiển máy bay.

"Nếu được đầu tư mạnh về tài chính và sự giúp đỡ của các nhà khoa học, em sẽ lắp ráp động cơ mạnh hơn, thân máy bay thay thế từ xốp đề can sang vật liệu khác, gắn thêm camera có độ nét cao, tốc độ ghi hình nhanh, kết hợp với bộ điều khiển sử dụng sóng GPS để tăng bán kính hoạt động thì thiết bị của em có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau…” Đức chia sẻ.

Bộ điều khiển máy bay thăm dò đám cháy.
Chiếc máy bay thăm dò đám cháy của em Đức.

Được biết, những thiết bị của Đức chế tạo, đa số thành phần tự chế, kiếm nhặt từ phế liệu hoặc xin lại từ các thiết bị hư hỏng khác nên có giá thành vào khoảng 350.000 đồng. Tuy nhiên, sản phẩm có thể áp dụng ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi còn nghèo để phòng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Nói về học trò của mình, thầy giáo Trần Đăng Khương (giáo viên hướng dẫn Đức) cho biết: "Em Đức được thừa hưởng từ niềm đam mê nghiên cứu của bố nên thích tìm tòi, ham học hỏi và sáng tạo. Dù đã nhiều lần thất bại nhưng em không nản lòng. Sản phẩm của Đức đã được đánh giá cao trong cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017.

Bên cạnh đó, các thầy cô trong nhà trường cũng đã động viên tinh thần và góp nhiều ý kiến hay cho em Đức. Máy bay của Đức có thể đo được phạm vi đám cháy, camera xoay và bay thẳng đứng vì vậy sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, nếu được đầu tư và sự phối hợp của các nhà khoa học”.

Tác giả bài viết: Hà Oai

Nguồn tin: infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây