Khai thác cát “nuốt” bờ sông Lô: Mất dần bãi bồi, bờ xôi ruộng mật

Chủ nhật - 16/04/2017 21:55
(PL News) - Nhiều năm qua, nhiều ha bờ xôi ruộng mật của người dân dọc hai bờ sông Lô, thuộc các xã Phương Khoan, Cao Phong, Đôn Nhân… (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) liên tục bị sạt lở. Nhiều đoạn bờ kè cũng bị sụt lún, sạt lở, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do việc khai thác cát sỏi trái phép gây ra.
Khai thác cát “nuốt” bờ sông Lô: Mất dần bãi bồi, bờ xôi ruộng mật

4,8 km bờ sông có 6 đơn vị hút cát

Những ngày này, về huyện Sông Lô, đi dọc bờ sông Lô, đâu đâu cũng bắt gặp các tàu cuốc hút cát rầm rập trên sông, cùng với đó là hàng ha đất bãi bồi, bờ xôi ruộng mật ven sông của người dân đang bị kéo tuột xuống sông, trước sự bức xúc, bất lực của người dân và chính quyền nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Tất – Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết, xã có 4,8km dọc theo bờ sông, trên chiều dài ấy hiện có tới 6 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản gồm: Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Bắc Ái; Công ty CP Khai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát; Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc...

 khai thac cat “nuot” bo song lo: mat dan bai boi, bo xoi ruong mat hinh anh 1

  Hàng chục ha đất phù sa bãi bồi ven sông Lô, đã bị lôi tuột xuống sông do việc khai thác cát sỏi bừa bãi (chụp tại xã Đôn Nhân).  ảnh: Việt Tùng

Chỉ vào những vết nứt to tướng, loằng ngoằng trên diện tích đất bãi ven sông, một phần đã bị trôi tuột xuống sông Lô, anh Thành - một nông dân xã Đôn Nhân ngao ngán: “Vài năm gần đây, các doanh nghiệp khai thác cứ ùn ùn kéo về hút cát sỏi, khiến bờ sông liên tục sạt lở, lấn cả vào diện tích bãi sản xuất của chúng tôi”.

Anh Thành bức xúc cho biết anh và bà con trong xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường và có biện pháp khắc phục. “Không những họ không chịu bồi thường, mà ngày càng khai thác rầm rộ, táo tợn hơn. Cứ đà này chẳng mấy chốc nữa là lở đến chân đê” - anh Thành than.

Về thực trạng ở xã Đôn Nhân, trao đổi với phóng viên Báo NTNN - Dân Việt, ông Nguyễn Văn Khước – Giám đốc Sở TNMT Vĩnh Phúc thừa nhận mật độ các điểm mỏ cát sỏi dày. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ các thủ tục như thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường… và đề nghị xin cấp phép khai thác thì Sở không thể từ chối.

Việc lý giải của lãnh đạo Sở TNMT Vĩnh Phúc là không thuyết phục. Bởi theo quy định, Sở TNMT là cơ quan quản lý nhà nước có quyền cấp phép và thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Do đó, Sở TNMT hoàn toàn có thể chủ động việc khoanh vùng điểm mỏ để cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, Sở TNMT đã không làm như vậy, mà làm theo kiểu “một miếng bánh chia thành nhiều phần cho nhiều doanh nghiệp cùng hưởng”. Việc làm này đang khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi. Phải chăng có sự “ăn chia”, “quan hệ” trong việc cấp phép mỏ này? Và việc làm này đã và đang gây ra một hệ lụy là Sở TNMT không quản lý nổi các công ty khi đi vào khai thác, dẫn tới nhiều công ty đã khai thác sai điểm mỏ, tọa độ, cốt… gây sạt lở hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của người dân và đê kè dọc hai bờ sông Lô.

Ném đá đuổi tàu khai thác cát

Cực chẳng đã, người dân đành phải dùng đá ném lên các tàu khai thác cát để xua đuổi. Dù biết việc làm này rất nguy hiểm, gây mất an ninh trận tự ở địa phương, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”.
Ông Thành (người dân xã Đôn Nhân)

 

 

Chúng tôi cũng đã về các xã Phương Khoan, Đức Bác, Cao Phong… ở ven bờ sông Lô. Lội ra mép sông, chúng tôi giật mình khi chứng kiến những ta luy bãi cao 7 – 8m so với mặt nước sông, trên là bãi ngô xanh mơn mởn, dưới chân taluy đang bị móc hàm ếch, nứt toác nham nhở, chực chờ đổ xuống sông. Nhiều đoạn sạt lở sâu vào bãi ngô, khiến hàng nghìn m2 đất, hàng nghìn cây ngô bị nhấn chìm xuống đáy sông. Dưới lòng sông hàng chục tàu cuốc, tàu chở cát vẫn hoạt đồng ầm ầm…

Theo tìm hiểu của phóng viên, sáng 24.2.2017, nhiều người dân các thôn Dân Chủ, Đôn Mục, Trung Kiên (xã Đôn Nhân) đã tập trung phản đối, yêu cầu các công ty không khai thác cát vào sát bờ gây sạt lở đất bãi của người dân. Tuy nhiên, các công ty này vẫn ngoan cố tiếp tục khai thác.

Ông Nguyễn Văn Khước – Giám đốc Sở TNMT Vĩnh Phúc thừa nhận việc các doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây nên tình trạng sạt lở đất ven sông Lô là có thực. Song ông Khước cũng cho rằng, một phần do mực nước sông thấp, bờ khô nhiều tháng, nên khi nhà máy thủy điện ở Tuyên Quang xả nước để nhà nông lấy nước sản xuất đã gây nên sạt lở.

“Năm nào cũng thế, cứ đến kỳ thủy điện xả nước phục vụ tưới tiêu là bờ sông Lô lại sạt lở, chứ không hẳn khai thác cát gây sạt lở. Chúng tôi không bao giờ bao che cho “cát tặc”. Cũng có thể khi cơ quan chức năng không có mặt các công ty sẽ lợi dụng khai thác, nếu phát hiện chúng tôi phạt ngay” – ông Khước cho biết.



 

Tác giả bài viết: Việt Tùng

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây