“Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người” được xem là món quà gia đình và các nghệ sĩ dành tặng cho khán giả yêu nhạc Trịnh. Ý tưởng của nó xuất phát từ những bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, viết cho một cô gái từ thời tuổi trẻ, nay người phụ nữ đó trao lại cho gia đình, với sự nâng niu, như những ký ức đẹp dành cho người nhạc sĩ.
Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, ngày 1.4, khi gia đình đang chuẩn bị lo ngày giỗ lần thứ 16 cho cố nhạc sĩ, bà Dao Ánh - người tình đầu tiên của Trịnh Công Sơn - đã gửi thư cho chị Trịnh Vĩnh Thuý. Thư có đoạn viết: "Nén hương thắp lên và ngụm rượu nhấp môi, Ánh ngày xưa cũng như Ánh hôm nay, nhớ anh hôm nay cũng như nhớ anh bao ngày, tháng, năm đã qua, những ngày tháng, năm sắp tới. Thăm cả nhà".
Dao Ánh thời trẻ.Dao Ánh thời trẻ. |
Không chỉ gửi thư, bà Dao Ánh còn gửi tặng gia đình những bức ảnh thời trẻ của mình, hình ảnh kỷ niệm với Trịnh Công Sơn. Trước đó, vào ngày 1.4.2011, đúng 10 năm sau ngày nhạc sĩ mất, Dao Ánh đã công bố hơn 300 bức thư tình Trịnh Công Sơn gửi cho bà. Những bức thư này đã hé mở phần sâu thẳm trong trái tim nhạc sĩ tài hoa, hé lộ lý do khai sinh những ca khúc bất hủ về tình yêu và thân phận.
Và từ những bức thư ấy, câu chuyện về mối tình đẹp ấy, gia đình Trịnh Công Sơn đã quyết định làm đêm nhạc đặc biệt để tướng nhớ ông. Hơn 300 bức thư ấy đã được gia đình cố nhạc sĩ in thành sách, với sự cho phép của bà Dao Ánh.
Chị em Bích Diễm và Dao Ánh đã khơi nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết nên nhiều ca khúc về tình yêu và phận người.Chị em Bích Diễm và Dao Ánh đã khơi nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết nên nhiều ca khúc về tình yêu và phận người. |
Dao Ánh là em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm (người mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đem lòng yêu và viết tặng Diễm xưa). Trong mối tình với Diễm, Trịnh Công Sơn chưa kịp nói lời yêu, mà chỉ thổ lộ tình cảm qua những ca khúc tặng Diễm. Còn với Dao Ánh, cố nhạc sĩ có một mối quan hệ không thể nào lý giải được và người trong cuộc gọi đó là "một mối tình kỳ lạ". Lúc đó, Trịnh Công Sơn đang đi dạy trên B’lao (Lâm Đồng) mới 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn và Dao Ánh đang là cô nữ sinh 16 tuổi học tại Huế.
Họ chính thức yêu nhau 4 năm, từ khi Dao Ánh 16 tuổi. Trịnh Công Sơn đã viết cho bà 300 bức thư tình, dù sau đó hai người đã chia tay, dù không ít người phụ nữ khác đã đến và đi trong đời ông. Theo tư liệu, lá thư đầu tiên của ông viết cho Dao Ánh là vào ngày 2.9.1964. Lá thư cuối cùng qua e-mail vào ngày 17.1.2001, trước khi ông mất 3 tháng.
Trong đó, đôi khi ông viết những dòng thống thiết: “Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh". Hay: "Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này?".
Dao Ánh cũng là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn sáng tác các ca khúc: “Mưa hồng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Ru em từng ngón xuân nồng”…
Sau khi chia tay nhạc sĩ, Dao Ánh sang Mỹ học và lập gia đình. Vào năm 1993, Dao Ánh trở về Việt Nam và tìm gặp lại người cũ. Trịnh Công Sơn cũng đã viết ca khúc "Xin trả nợ người" để tặng bà. Những ngày cuối đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị ốm nặng, Dao Ánh cũng trở về Việt Nam chăm sóc ông. Cho đến hiện tại, bà vẫn giữ liên lạc với gia đình người nhạc sĩ và trân trọng những ký ức về mối tình đẹp thời tuổi trẻ của mình.
Vào năm 1993, Dao Ánh trở về Việt Nam và tìm gặp lại Trịnh Công Sơn. Hai người tiếp tục gửi thư từ qua lại cho đến ngày Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm.Vào năm 1993, Dao Ánh trở về Việt Nam và tìm gặp lại Trịnh Công Sơn. Hai người tiếp tục gửi thư từ qua lại cho đến ngày Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm. |
Nguồn tin: LĐO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn