Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), người mà dân gian quen là Trạng Trình là một nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được người đời biết đến với tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam - Bắc triều cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.
Ông không chỉ nổi tiếng về văn chương, chính sự mà còn rất nổi tiếng về tài dự đoán. Trong cuốn Phả ký Nguyễn Bỉnh Khiêm được viết vào năm 1743, Vũ Khâm Lân đã nhận xét: “Ông là người khôi ngô anh tuấn, học hết các kinh sách lại rất tinh tế về nghĩa lý Kinh Dịch. Phàm việc mưa nắng, lụt hạn, họa phúc, điềm dữ, điềm lành, cơ suy, cơ thịnh... việc gì cũng biết trước”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những dự đoán tương lai bí ẩn, thường gọi là Sấm Trạng Trình, mà cho đến những đời sau, khi sự việc xảy ra người ta mới giật mình bởi độ chính xác đến kinh ngạc.
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19, nhà sư Vương Quốc Chính, người xã Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), phát động phong trào chống Pháp đô hộ. Trước đó, trong dân gian đã lan truyền khá rộng câu sấm của Trạng: “Thầy tăng mở nước trời không bảo”. Nghĩa đen đã khá rõ, không có trời nào giúp nhà sư, vì đã là người xuất gia tu theo Phật mà còn mưu đồ bá vương.
Các nhà nho thời ấy lại giải thích theo một nghĩa khác, theo họ thì chữ “thầy tăng” ở đây, Trạng nói kín chỉ “thằng Tây” đến cướp nước ta, đô hộ dân ta thì trời không dung thứ. Ngày ấy, chính quyền đô hộ và tay sai rất sợ sấm ký và uy tín của Trạng nên bắt bớ và khủng bố dã man những người đã truyền bá, lưu giữ sấm Trạng.
Cho đến nay, rất tiếc là Sấm Trạng Trình vốn chỉ còn lại ở dạng truyền miệng, chỉ có số ít lưu giữ dưới dạng chép tay. Tuy nhiên, trong những tập sấm ký mà người đời sau sưu tầm được, khó có thể do những ai hiếu sự đã đặt ra, bởi nó đã được cố định hóa trước những sự kiện lịch sử hàng chục, hàng trăm năm, lại được lan truyền rộng rãi trong dân gian.
Nam Đàn sinh Thánh
Đã từ lâu, ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là vùng Nghệ Tĩnh, người ta đã lưu truyền những câu sấm của Trạng Trình như sau: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh”. Tạm dịch nghĩa là: “Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân”.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng), người chuyên nghiên cứu về Sấm Trạng cho biết, sau khi thực dân Pháp đàn áp tàn khốc phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, câu sấm này lại được bàn tán trao đổi rộng với niềm khát khao mong chờ vị thánh nhân xuất thế. Lúc đó, khe Bò Đái cũng đã ngừng chảy, tiếng suối chảy ở khe không còn nghe được nữa, do đó người dân càng tin và càng chờ đợi.
Trong một cuộc gặp giữa cụ Phan Bội Châu, học giả Đào Duy Anh, và nhà nho Trần Lê Hữu, nội dung cuộc đối thoại chỉ xoay quanh tình thế nước nhà và tương lai sẽ ra sao, Trần Lê Hữu có hỏi: "Thưa cụ Phan, “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” chẳng phải là cụ hay sao? Cụ còn thất bại nữa là người khác!". Phan Bội Châu đáp: "Kể cái nghề cử tử xưa kia tôi cũng có tiếng thật. Dân ra thường có thói trọng người văn học và gán cho người ta tiếng nọ tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ chẳng phải ai khác".
Khởi nghĩa Yên Bái 1930
Sau cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng phát động bị thất bại tháng 2 năm 1930 (Canh Ngọ), nhiều căn cứ bị Pháp đàn áp, khủng bố dã man như Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hóa, Kiến An, Vĩnh Bảo... R
iêng làng Cổ Am bị 5 máy bay đến ném bom làm nhiều người chết, nhiều nhà cửa bị thiêu cháy, đổ nát. Nhân sự kiện này, tuần báo Phụ nữ tân văn số 44 có đăng bài “Ông Trạng Trình có biết trước rằng làng Cổ Am của ông có ngày nay không?”. Tác giả bài viết ngờ rằng Trạng có biết nên “đã dời hết sách vở của ông vào Thanh Hóa... vì theo di chúc của ông thì làng Cổ Am không được bền vững”.
Sau đó, báo nhận được một bài thơ do bạn đọc sưu tầm và gửi cho, được cho là bài thơ sấm của Trạng Trình. Phụ nữ tân văn (số 48) đã cho đăng bài thơ sấm đó: “Hiu hiu gió thổi, lá rung cây/ Từ Bắc sang Nam, Đông tới Tây/ Cửa nhà tan tác ra cồn cát/ Rừng núi ruộng nương hóa vũng lầy/ Tan tác Kiến kiều An đất nước/ Xác xơ Cổ thụ sạch Am mây/ Một gió, một Yên ai sùng Bái/ Cha con người Vỉnh, Bảo cho hay”.
Có một người dân làng Cổ Am cho hay, khi Pháp ném bom xuống làng, miếu thờ Trạng bị đổ lây. Mấy tuần sau dân ra sửa sang lại thì phát hiện ra một tấm bia nhỏ khắc ba hàng chữ Hán theo lối triện: “Canh niên tân phá/ Tuất, hợi phục sanh/ Nhị ngũ dư bình”.
Lúc ấy người ta đoán Canh niên tức là năm Canh Ngọ (1930), còn ý tứ của 2 câu sau cho đến giờ vẫn đang còn tranh luận. Còn bài thơ sấm ở trên chắc chắn có trước năm 1930 và được lưu truyền, những địa danh lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái đều được phản ánh dưới dạng kín đáo.
Cách mạng Tháng 8
Theo các nhà sưu tầm và nghiên cứu, trong các sự kiện lớn của lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã được Trạng Trình dự báo qua câu thơ: “Đầu Thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”.
Theo luận giải, ở câu 1, “đầu Thu” là tháng 7 Âm lịch, “gà” nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện lịch sử này diễn ra, “gáy xôn xao” nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người.
Ở câu 2, “Trăng xưa” nghĩa là “cổ nguyệt” theo Hán tự, ghép lại thành từ “hồ”, là họ của Hồ Chủ tịch. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.
Cũng liên quan đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám, nhà sử học Ngô Đăng Lợi còn sưu tầm thêm một bài thơ trong dân gian, tương truyền là của Trạng Trình để lại: “Rồng nằm bể cạn dễ ai hay (năm thìn 1940)/ Rắn mới hai đầu khó chịu thay (năm tỵ 1941)/ Ngựa để gác yên không ai cưỡi (năm ngọ 1942)/ Dê khan ăn lộc ngoảnh về tây (năm mùi 1943)/ Khỉ nọ bồng con ngồi khóc mếu (năm thân 1944)/ Gà kia xào xạc cất cánh bay (năm dậu 1945)/ Chó ve vẩy đuôi mừng thánh chúa (năm tuất 1946)/ Lợn ủn ỉn ăn no ngủ ngày (năm hợi 1947)”.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết, nếu để ý tới câu thứ 6 thì “Gà kia xào xạc cất cánh bay”, phải chăng là ám chỉ việc quân Pháp bị tước khí giới và phải trở về nước, trả lại nền độc lập cho chúng ta, vì chữ gaulois (người Pháp) do chữ latin gallus cũng có nghĩa là con gà.
Như vậy câu 6 của bài sấm ứng vào Cách mạng Tháng 8. Câu 7 “Chó ve vẩy đuôi mừng thánh chúa” sẽ ứng với việc Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước vào năm 1946 (năm Bính Tuất).
Phần lớn các nhà Nho học nước ta cho rằng Trạng Trình am tường sâu sắc kinh Dịch và Lý học nên tiên tri ứng nghiệm. Những lời sấm chủ yếu là tiên đoán giai đoạn từ khi ông qua đời cho đến hôm nay.
Các sự kiện như: Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân; Cao Bằng tuy tiểu khả diên sổ thế; Nam Đàn sinh thánh... về sau đã ứng nghiệm một cách đáng kinh ngạc. Và còn rất nhiều những câu sấm còn lưu truyền trong dân gian vẫn đang là đề tài phân tích, lý giải.
Tác giả bài viết: Minh Khang - Minh Hải
Nguồn tin: VTC News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn