“Xẻ thịt” lòng hồ
Hồ Ia Rít (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) có diện tích khoảng 8 ha, đã khô cạn từ nhiều năm nay nên bỏ hoang, quỹ đất này cũng không rõ ràng vì tất cả diện tích đều không có chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2015 đến nay “núp bóng” dưới hình thức cải tạo đất cho bà con đồng bào dân tộc, một số đối tượng đã kéo máy múc, xe tải và nhân công đến để khai thác đá trái phép trên lòng hồ này.
Việc khai thác và vận chuyển đá trái phép diễn ra gần UBND xã Ia Bă
Theo quan sát của PV, tại lòng hồ Ia Rít có hàng trăm khối đá nguyên liệu dạng viên hình lập phương được xếp thành từng đống lớn trải dài. Cũng tại hiện trường đang có 1 máy múc, 1 xe tải chuyên chở và gần chục công nhân vẫn đang khai thác và vận chuyển trái phép đá ngang nghiên giữa khu vực dân cư.Hình thức khai thác là chọn những khu vực có trữ lượng đá lớn rồi đào sâu xuống từ 3m đến 6m để tìm đá, tạo thành những hố sâu giữa lòng hồ. Đặc biệt hơn, việc khai thác đá trái phép này diễn ra ngay trong lòng khu dân cư thôn Chư Hậu 6, cách mặt đường chính 50 mét, cách trụ sở UBND xã khoảng 500m và nhà trưởng thôn 100m.
Bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng thôn Chư Hậu 6 - cho biết “Đất đó không thuộc quỹ đất của thôn chúng tôi nên tôi không biết, đất của người đồng bào nên tôi không biết. Theo quan điểm của chúng tôi, dân có giàu thì nước mới mạnh, dân đói thì nước chết rét, dân làm được thì khuyến khích cho người ta làm”.
Nhưng một lúc sau bà Nga lại trả lời rằng, lòng hồ đó thuộc khu vực thôn Chư Hậu nhưng cái này hỏi bên chính quyền, bà chỉ nắm bắt địa giới hành chính thuộc khu nào, khu nào chứ không có quyền cho hay không. Mặc dù vậy, bà Nga vẫn nhắc lại quan điểm: “Dân có giàu thì nước mới mạnh, người ta mới làm được mà nay o ép, mai o ép thì dân lấy cái gì để đóng góp. Nên chẳng có cái gì để ảnh hưởng hay không ảnh hưởng, dân có làm được thì nước mới phồn vinh vậy thôi”.
Đá tặc ngang nhiên đào, xới lòng hồ để tìm những khối đá lớn
Theo một người dân thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă cho biết, trước đây hồ Ia Rít là một hồ nước mênh mông nhưng sau đó nước cạn hết và người dân có ra trồng khoai, rau…
Nhưng 2 năm nay có một người dân trong vùng đã kêu máy múc và đập đá tại chỗ rồi chở đi. Hoạt động của bãi đá này thường vào thời gian từ 7h-11h và 13h - 17h. Còn theo quan sát của PV, đằng sau những bãi đá khai thác trái phép là những hố sâu gây nguy hiểm cho những người dân quanh vùng, nhất là trẻ em.
Xã bận nhiều việc khác
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bổn - Chủ tịch UBND xã Ia Bă, cho biết người khai thác đá trái phép ở thôn Chư Hậu 6 là ông Lê Văn Nguyên (trú tại thôn này). Trước đây, một số người đồng bào dân tộc thiểu số đã viết đơn đưa cho ông Nguyên mang lên xin cải tạo đất để phục vụ sản xuất, nhưng xã không chấp nhận. Nnhưng sau đó ông Nguyên vẫn gọi người đem máy móc xới lên để cải tạo đất.
UBND xã đã nhiều lần mời ông Nguyên lên làm việc, yêu cầu cam kết không vi phạm. Năm 2015, UBND xã đã ra quyết định xử phạt ông Nguyên 3 triệu đồng và buộc san lấp, trả lại hiện trạng ban đầu.
Các bãi đá trái phép ngang nhiên tập kết ở khu dân cư
Khi chúng tôi phản việc khai thác đá trái phép vẫn đang diễn ra, ông Bổn nói: “Cái khó của cấp xã là chỉ được xử phạt vi phạm hành chính một lần. Cách đây mấy ngày, xã có xuống lập biên bản đình chỉ khai thác, sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo UBND xử lý”. Lý giải việc khai thác đá gần trụ sở UBND xã nhưng không xử lý được, ông Bổn cho rằng do xã còn bận nhiều việc khác.
Đá tặc múc sâu từ 3 đến 6 mét để tìm đá để lại những hố sâu lổm chổm
Trao đổi với PV, ông Thái Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai - cho biết, đơn vị có nắm được thông tin nhưng khi tiến hành kiểm tra thì chỉ thấy hiện trường có dấu hiệu mới khai thác, không phát hiện người và phương tiện. “Tình trạng khai thác đá trái phép, quy mô lớn tại xã Ia Bă là do chính quyền xã quản lý lỏng lẻo. Trước mắt chúng tôi đã yêu cầu chính quyền xã phải có báo cáo kịp thời về vấn đề này”, ông Tuấn nói.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn