Cổ phần hóa bất thường tại Cảng Quy Nhơn: Khó lấy lại ?

Thứ ba - 06/02/2018 22:49
(Thowibaodoanhnhan) - Từ cuối năm 2013, sau chặng đường cổ phần hóa, thoái vốn bất thường, Cảng Quy Nhơn bất ngờ lọt vào tay tư nhân với giá hời, chỉ vài trăm tỷ đồng.
Cổ phần hóa bất thường tại Cảng Quy Nhơn: Khó lấy lại ?

 

Cảng Quy Nhơn sau khi CP hóa được bán cho tư nhân với giá rẻ

Cảng Quy Nhơn thuộc sở hữu nhà nước là cảng có tính chất chiến lược về quân sự kinh tế, liên quan đến quốc phòng, an ninh; là cảng có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả miền Trung - Tây Nguyên. Từ cuối năm 2013, sau chặng đường cổ phần (CP) hóa, thoái vốn bất thường, cảng “voi” bất ngờ lọt vào tay tư nhân với giá hời, chỉ vài trăm tỷ đồng. 

Bán cảng “voi”

Mới đây (ngày 20-1), tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã thẳng thắn đưa ra lời đề xuất, mong Thủ tướng xem xét lấy lại hoặc Nhà nước phải nắm lại 75% CP tại Cảng Quy Nhơn, theo đúng quy định. Ông Tùng cho biết: “Cảng Quy Nhơn từ khi CP hóa đã bán cảng về tay của tư nhân. Hiện tỉnh rất lúng túng, không biết chỉ đạo ra sao!”.

Việc thanh tra, kiểm tra vấn đề CP hóa tại Cảng Quy Nhơn đang được Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, đây là lĩnh vực quan trọng phải nắm để chi phối, điều hành đất nước, địa phương. “Nhà nước sẽ xem xét vấn đề về CP hóa tại Cảng Quy Nhơn sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận và sẽ có phương thức quản lý tốt hơn để Cảng Quy Nhơn phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cảng Quy Nhơn hình thành năm 1976, do Cục Đường biển (Bộ GT-VT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GT-VT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Cảng Quy Nhơn; năm 2009 cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Sau đó, đổi tên thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP). Theo Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 tại Quyết định số 276/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký thay Thủ tướng và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg (18-6-2014) của Thủ tướng quy định rõ, Vinalines đại diện phần vốn của Nhà nước tại QNP phải nắm giữ 75% CP chi phối. 

Tuy vậy, tháng 9-2013, QNP bán đấu giá 10% vốn điều lệ (4,04 triệu CP) cho cổ đông tự do và bán 4,04 triệu CP khác cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành, trụ sở tại Hà Nội). Tiếp đó, tháng 6-2015, Vinalines chuyển nhượng đợt 2 là 10,5 triệu CP (26,01% tỷ lệ sở hữu Cảng Quy Nhơn) cho Công ty Hợp Thành. Phần vốn còn lại 19,8 triệu CP, Vinalines bán nốt cho Hợp Thành vào tháng 9-2015. Chỉ qua 3 lần chuyển nhượng, tổng số 86,23% CP (440 tỷ đồng) tại Cảng Quy Nhơn đã về tay Công ty Hợp Thành. Như vậy, Vinalines đã làm trái với quy định, tại Quyết định số 276/QĐ-TTg và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg.

Trao đổi với Báo SGGP, ông Tô Tử Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996 - 2001, cho biết: Lý do vì sao xác định rồi bán Cảng Quy Nhơn với giá chỉ có 404 tỷ đồng, giá quá rẻ! Trong khi đó, nói về tiền mặt và tiền gửi ở ngân hàng và các công ty ở cảng thời điểm ấy khoảng 190 tỷ đồng; chỉ cần bán phế liệu Cảng Quy Nhơn 100 năm, thêm 2 cần cẩu là đủ 404 tỷ đồng rồi. Vậy ai chịu trách nhiệm về việc này? Không khéo họ đã bán tài sản của Nhà nước thành tài sản tư nhân, trong việc này có lợi ích nhóm hay không?”.

Khó “lấy lại”

Theo ông Tô Tử Thanh, việc CP hóa, bán Cảng Quy Nhơn cũng thông qua 2 văn bản số 1115/UBND-KTN (4-4-2013) và 628/UBND-TH (5-2-2014) của UBND tỉnh Bình Định gửi Bộ GT-VT. Kiến nghị, CP hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn CP; sau đó là bán luôn 49% vốn CP của Nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược. Đã vậy, vào tháng 7-2015, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện (nhiệm kỳ 2010-2015) lại có văn bản gửi Bộ GT-VT và Thủ tướng, đồng ý CP hóa vốn với lý do “để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn”. Đồng thời kiến nghị, đốc thúc tiến hành nhanh việc CP hóa.

Về việc trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thiện lý giải: Việc ký văn bản trên tinh thần mong muốn cảng có hạ tầng xứng đáng, hơn nữa để giải quyết áp lực sự quá tải. Là đề nghị thúc đẩy làm hạ tầng chứ không phải vấn đề CP hóa. Vì cảng là của Bộ GT-VT, không phải của địa phương nên địa phương không tham gia được trong việc CP hóa. 

Trước đó vào ngày 14-5-2014 QNP đã có văn bản 297/CQN-KTTV gửi Vinalines, Bộ GT-VT, kiến nghị việc Nhà nước tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Cùng với đó, tập thể cán bộ công đoàn, công nhân viên QNP biểu quyết đề nghị Nhà nước tiếp tục duy trì vốn sở hữu tại công ty.

“Việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn không nằm trong phương án CP hóa và thông tin đã công bố gây ảnh hưởng đến tâm lý của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào công ty. Đặc biệt, ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm các thế hệ người lao động đã góp sức xây dựng và phát triển Cảng Quy Nhơn”, văn bản nêu. 

Ông Tô Tử Thanh cho biết: “Cảng Quy Nhơn, nếu thực hiện CP hóa thì Chính phủ đã có quy định trước đó là 1 trong 9 cảng mà Nhà nước phải nắm và chi phối là 75%, còn lại 25% các thành phần kinh tế khác. Về chủ trương CP hóa tại Cảng Quy Nhơn là quyết định đúng đắn. Nhưng trong quá trình thực hiện lại không đúng với quy định của Nhà nước. Theo tôi, giờ muốn lấy lại cảng rất khó, cách tốt nhất là phải vận dụng Nghị định của Chính phủ trước đó là 75% CP chi phối để điều hành lại cảng là đúng đắn, phù hợp nhất, điều này cũng sẽ kích thích, tạo điều kiện cho cảng phát triển hơn”.

Thời điểm trước khi CP hóa, Cảng Quy Nhơn với hệ thống 20.960 kho, 48.000m² bãi chứa container; ngoài trụ sở làm việc, còn sở hữu hơn 300.000m² đất các loại ngay trong nội thành Quy Nhơn (Bình Định), hình thức thuê đất 50 năm hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu (dài 824m), tại cầu số 6 có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 tấn, vốn xây dựng hàng trăm tỷ đồng; sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng, như cần cẩu có sức nâng từ 7-100 tấn, xe nâng, tàu lai, ô tô tải, xe xúc, xe đào, trạm cân…; cảng có tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các khoản nợ của khách hàng gần 190 tỷ đồng. 

Nguồn tin: Theo SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây