Bộ trưởng GTVT: Chưa lý giải được vụ tai nạn 13 người chết

Thứ ba - 23/05/2017 07:43
(PL News) - Bộ trưởng GTVT cho biết, đến nay vẫn chưa lý giải được nguyên nhân gây ra vụ tai nạn 13 người chết tại Gia Lai.
Bộ trưởng GTVT: Chưa lý giải được vụ tai nạn 13 người chết

 

 

 


Thảo luận tại tổ sáng nay về dự kiến chương trình giám sát năm 2018 của QH, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, ông quan tâm đến việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Rất khó giảm sâu tai nạn giao thông

Bộ trưởng đánh giá, TNGT hiện đã đến ngưỡng. Thời gian qua, ngành đã nỗ lực giúp giảm nhiều tai nạn nhưng giảm sâu hơn nữa thì rất khó.

Người đứng đầu ngành giao thông phân tích, nguyên nhân do đầu tư cho giao thông đang mất cân đối, nguồn vốn cho đường sắt giảm, hiện chưa được 1%, đường thuỷ chỉ 1%, trong khi đây là những loại hình vận tải chủ chốt.

Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng GTVT, tai nạn giao thông, giám sát
Bộ trưởng GTVT ủng hộ phương án giám sát tối cao về an toàn giao thông


Vì vậy giao thông đường bộ cùng lúc chịu áp lực tai nạn, áp lực kinh tế chồng chất.

Đề cập đến vụ tai nạn xe tải tông trực diện xe khách tại Gia Lai khiến 13 người chết, Bộ trưởng cho biết đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa lý giải được nguyên nhân xe tải gây vi phạm.

“Lái xe không nghiện ngập, công an địa phương cũng khẳng định không truy đuổi phương tiện”, Bộ trưởng Nghĩa thông tin.

Đồng ý với đề xuất giám sát tối cao về an toàn giao thông, Phó Chủ tịch QHTòng Thị Phóng nhận đánh giá, tai nạn giao thông hiện quá kinh khủng, mỗi ngày 24-25 người chết.

Theo Phó chủ tịch QH, việc giám sát này sẽ không chỉ giúp giảm số người chết từ 24 xuống 20 hay 15 người mà liên quan đến chuyện hoạch định chính sách tới đây cho cả nền kinh tế.

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) cũng đề xuất nên giám sát tối cao về an toàn giao thông, do số người chết do TNGT năm qua chỉ giảm chưa được 1%, với hơn 8.800 người tử vong, 20.000 bị thương, liên quan đến 20.000 gia đình. Đáng lưu ý, 1 tháng gần đây liên tiếp xảy ra các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

‘Tiền chưa phân bổ thì giám sát cái gì?’

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) quan tâm tới chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Bà Khánh cho rằng, qua thực tiễn, trong lĩnh vực sử dụng quản lý vốn có phát sinh nhiều bất cập, nhiều vấn đề cần thiết phải giám sát.

Đây là chuyên đề cần thiết, nhưng giám sát tại thời điểm 2018 thì chưa hợp lý, vì phải ấn định thời hạn giai đoạn giám sát.

“QH vừa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2 triệu tỷ đồng, trong đó có phần vốn trái phiếu, vốn vay nước ngoài đầu tư xây dựng (ODA), việc phân bổ chưa hoàn tất, tiền chưa phân bổ thì giám sát cái gì? Điều này là không khả thi”, ĐB Quốc Khánh phân tích.

Còn nếu giám sát giai đoạn 2011-2015 cũng không hợp lý, vì tại các phiên thảo luận trước, Chính phủ đã có tờ trình rất kỹ về đánh giá huy động sử dụng nguồn lực vốn trái phiếu Chính phủ, ODA và QH đã thảo luận nhiều vòng, các UB của QH cũng đã thẩm tra.

Do đó, nếu giám sát giai đoạn trước đây là không hợp lý. Theo ĐB Quốc Khánh, nên lùi thời gian thực hiện chuyên đề này.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, 2 nội dung là giám sát cổ phần hoá và giám sát trái phiếu chính phủ đã thực hiện từ khoá 12, nên mở rộng nội dung giám sát.

Ông đề nghị tập trung vào lĩnh vực rất quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA. Bởi việc sử dụng vốn ODA đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý.

Ngoài ra, cũng có thể giám sát việc thực hiện chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Trong khi đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đề xuất bổ sung nội dung giám sát các dự án thua lỗ. Hiện có 12 dự án nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ?

Tổng kiểm toán đề nghị đối với các dự án BOT, hay sử dụng vốn ODA, có những vấn đề nổi cộm, nếu tiến hành giám sát sẽ có lợi cho dân nhiều hơn.

QH giám sát tối cao 2 chuyên đề

UBTVQH đề xuất QH xem xét chọn 2/4 nội dung trong chương trình giám sát của QH năm 2018.

4 phương án được đề xuất là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây