Bình Định: Hàng chục ha rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá

Thứ ba - 31/10/2017 21:45
(Phapluat News) - Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, có 15,754ha tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 367 thuộc địa bàn xã Canh Thuận, huyện Vân Canh có chức năng sản xuất, do UBND xã Canh Thuận quản lý, đã bị chặt phá, đốt dọn hoàn toàn trong tháng 8/2017.
Bình Định: Hàng chục ha rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá

Gần 16ha rừng tự nhiên tại xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) mới bị chặt phá, đốt dọn trắng. Trước đó, gần 30ha rừng tự nhiên cũng đã bị “cạo trọc” để thực hiện chủ trương giao đất sản xuất cho dân. Tuy rừng đã bị khai tử 2 năm song quyết định giao đất vẫn chưa có.

Ngày 31/10/2017, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã có Báo cáo số 1093 do Phó Chi cục trưởng Lê Đức Sáu gửi các sở, ngành báo cáo vụ rừng tự nhiên bị triệt phá. Theo đó, có 15,754ha tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 367 thuộc địa bàn xã Canh Thuận, huyện Vân Canh có chức năng sản xuất, do UBND xã Canh Thuận quản lý đã bị chặt phá, đốt dọn hoàn toàn trong tháng 8/2017. Trữ lượng gỗ trung bình tại các ô tiêu chuẩn đo được 11,23m3/ha, trạng thái rừng lá rộng thường xanh nghèo.

Hiện trường khu vực 15,754ha rừng tự nhiên tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 367, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) bị tàn phá.


Cũng theo Báo cáo 1093, có 29,2ha rừng tự nhiên khác cũng nằm trong khoanh 5, khoảnh 6, tiểu khu 367 bị “xóa sổ” trước đó rất lâu. Trong diện tích này, rừng keo đã được trồng từ cuối năm 2015, năm 2016 và cả trong năm 2017. Trong số diện tích này có 9,563ha đang để trống chưa trồng cây. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, 29,2 ha rừng này được UBND huyện Vân Canh phê duyệt phương án hỗ trợ giao đất sản xuất cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Khu vực rừng được quy hoạch chức năng rừng sản xuất, trước khi bị chặt phá, trạng thái rừng là rừng thường xanh nghèo.

Tuy vậy, nội dung Báo cáo 1093 ngày 31/10/2017 của Chi cục Kiểm lâm Bình Định lại mâu thuẫn với Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 24/10/2017. Có 2 nội dung mâu thuẫn trong hai văn bản này, gồm biên bản kiểm tra hiện trường ngày 24/10 ghi rõ trong diện tích 15,745ha rừng bị chặt phá tính từ kết quả kiểm kê rừng năm 2016, có 2,114ha rừng thường xanh trung bình và 13,640ha rừng lá rộng thường xanh nghèo. Nhưng trong Báo cáo 1093, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã “bỏ qua” diện tích “rừng trung bình” mà đánh đồng tất cả đều là “rừng nghèo”.

Còn Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 24/10 ghi rõ ngoài diện tích rừng thuộc tiểu khu 367 xã Canh Thuận bị tàn phá, còn có gần 0,2ha rừng thuộc khoảnh 8, tiểu khu 364 thuộc xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh cũng bị tàn phá. Đây là diện tích rừng được quy hoạch chức năng “rừng phòng hộ”, nhưng Báo cáo số 1093 của Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã “bỏ quên” phần diện tích này.

Theo điều tra của phóng viên, phương án giao đất sản xuất của UBND huyện Vân Canh đối với 29,2ha rừng được chấp thuận từ năm 2015 và sẽ được giao cho 30 hộ dân thiếu đất sản xuất. Tuy vậy cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quyết định giao đất nào được ban hành, chưa hề có một hộ dân nào thuộc đối tượng được giao đất đã nhận đất. Tất cả diện tích được trồng rừng đều do cán bộ cấp huyện, xã chiếm lĩnh, trồng rừng sản xuất.

Cùng với đó, 15,754ha rừng tự nhiên bị tàn phá để trồng keo là khu vực được “nghe đồn” cũng sẽ là khu vực được giao cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Cũng như 29,2ha rừng bị phá trước đó trong cùng khoảnh 5 và 6, tiểu khu 367, không một hộ dân nào phát dọn rừng để làm đất sản xuất, mà tất cả đều phát dọn “do cán bộ thuê phá rừng”. Khi vừa có thông tin về mặt chủ trương thì cán bộ cấp huyện, xã đã tranh thủ "xí phần" rừng, thuê người dân phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.

Những vụ phá rừng “có tổ chức” này đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và một số ban, ngành huyện Vân Canh. Phóng viên sẽ tiếp tục điều tra và thông tin đến bạn đọc.


 

Nguồn tin: Phạm Kha (TTXVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây