Angela Merkel – “Bông hồng có gai” chèo lái nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu suốt 12 năm ròng

Thứ ba - 26/09/2017 05:38
(Phapluat News) - Là người đứng đầu nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, có tiếng nói quan trọng trên chính trường thế giới, sẽ không ngoa khi nói rằng thật khó có thể tưởng tượng nước Đức và cả châu Âu sẽ ra sao nếu không có bà.
Angela Merkel – “Bông hồng có gai” chèo lái nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu suốt 12 năm ròng

 

Ngược thời gian về năm 1988, nếu như có ai đó nói rằng vào thế kỷ 21, một người phụ nữ lớn lên ở Đông Đức sẽ trở thành người dẫn đầu nước Đức thống nhất trong suốt hơn 1 thập kỷ, chắc hẳn sẽ chẳng ai tin. Nhưng cách đây ít giờ, sau khi cuộc tổng tuyển cử ở Đức khép lại, nữ Thủ tướng Angela Merkel đã cùng với liên đảng CDU và CSU giành được chiến thắng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 của mình. Là người đứng đầu nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, có tiếng nói quan trọng trên chính trường thế giới, sẽ không ngoa khi nói rằng thật khó có thể tưởng tượng nước Đức và cả châu Âu sẽ ra sao nếu không có bà.

Angela Merkel – Nhà vật lý trở thành người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu

Angela Dorothea Kassner sinh ngày 17/7/1954, tại Hamburg (Tây Đức). Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi bà ra đời, người cha của bà vốn là 1 mục sư giáo hội Luther đã chuyển cả gia đình tới Templin, một vùng thuộc Đông Đức cách Berlin 1 giờ xe chạy.

Là người theo chủ nghĩa cầu toàn, Angela Merkel có thành tích học tập xuất sắc, đặc biệt trong các môn toán, khoa học và ngôn ngữ. Ngay từ thời niên thiếu, bà được cha mẹ khuyến khích gia nhập tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản để phát triển những kỹ năng cần thiết cho con đường chính trị. Tuy nhiên, ban đầu sự nghiệp của bà lại là nghiên cứu khoa học với bằng tiến sĩ vật lý lượng tử.

Angela Merkel luôn là một con người đặc biệt. Ngày 9/11/1989, đêm Bức tường Berlin sụp đổ, Merkel vẫn đi xông hơi và uống bia giống như những tối thứ Năm khác trong khi hầu hết người dân Berlin có phản ứng hoàn toàn khác trong đêm lịch sử. Năm 1989 cũng là năm đánh dấu bà bắt đầu bước sang con đường chính trị.

Xuất phát từ vị trí là một nữ tiến sĩ vật lý lượng tử, bà ngay lập tức trở thành nhân vật nổi bật trên chính trường và thăng tiến nhanh chóng. Từ các vị trí bộ trưởng do lãnh đạo đảng CDU Helmet Kohl bổ nhiệm, bà chính thức trở thành người lãnh đạo của đảng này từ năm 2000 và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức vào năm 2005. Khi mới bước vào các cuộc tranh cử trên chính trường, bà từng bị chỉ trích vì vẫn giữ mái tóc tém, mặc áo rộng thùng thình và đeo sandal thay vì giày. Giờ đây mái tóc tém cá tính và thói quen ăn mặc giản dị lại trở thành dấu ấn đặc biệt trong lòng cử tri Đức cũng như người dân trên khắp thế giới.

Hơn 1 thập kỷ cầm quyền, bà Merkel đã cùng với nước Đức trải qua không ít sóng gió. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng và chính sách hà khắc với các thành viên còn lại khi Eurozone chìm trong khủng hoảng nợ công hay động thái mở cửa biên giới chào đón dòng người tị nạn trong khi cả châu Âu khép chặt cửa, bà đối mặt với không ít chỉ trích. Tuy nhiên, người phụ nữ ấy vẫn kiên định đi theo con đường mình đã vạch ra 1 cách thận trọng và khéo léo, để rồi cuối cùng kết quả sẽ chứng minh tất cả.

Kinh tế Đức – Vũ khí sắc bén của bà Merkel

Trong quãng thời gian Angela Merkel cầm quyền, nước Mỹ đã trải qua 2 đời Tổng thống, Pháp thay 6 nhà lãnh đạo, Ý có 6 đời Thủ tướng và Anh cũng có tới 3 Thủ tướng.

Cuộc bầu cử năm nay, dù chiến thắng nhưng tỷ lệ ủng hộ liên minh do bà cầm quyền đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1940. Trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, đi ngược với quyết định mở cửa chào đón người nhập cư hay thái độ ủng hộ tự do thương mại của bà, hình ảnh của Merkel đã bị ảnh hưởng không ít. Tuy nhiên, bà đã khéo léo duy trì được sự ổn định và khiến các cử tri hài lòng. Có thể nói một trong những yếu tố cực kỳ thuận lợi hỗ trợ đắc lực cho bà Merkel chính là nền kinh tế Đức đang ở trong vị thế hùng mạnh nhất ở Tây Âu.

Kể từ khi bà lên nhậm chức năm 2005, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm một nửa. Trong nhiệm kỳ thứ hai, kinh tế Đức tăng trưởng trung bình 2% trong khi cả châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng nợ công. Dù sau này mức độ chênh lệch đã giảm xuống, Đức vẫn là nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu.

Đức hiện là cường quốc thống trị trong một số ngành gồm công nghiệp và các máy móc khác (chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu), ô tô và linh kiện ô tô (hơn 15%), dược phẩm (6%). Đức có những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Volkswagen, Siemens và Bayer. Những công ty khác ít nổi tiếng hơn nhưng cũng có tầm quan trọng không kém với lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ euro.

Những con số này đã tác động đến cử tri. Từ năm 2005 đến 2013, bà Merkel đem đến cho liên minh 2 đảng CDU và CSU tỷ lệ ủng hộ tốt nhất kể từ năm 1990.

Liên đảng này đã bỏ xa đối thủ SPD trong nhóm các cử tri là người lao động và thu hẹp khoảng cách trong nhóm cử tri là thành viên công đoàn.

Điều này cũng dễ hiểu khi mà nhiều người lao động đang được hưởng thành quả từ hoạt động xuất khẩu bùng nổ. Dù kinh tế Đức nói chung và xuất khẩu nói riêng phục hồi khá chậm chạp kể từ năm 2014 đến nay, họ khó lòng quên được những năm tháng thịnh vượng mà bà đã mang lại.

Nhiệm kỳ thứ 4 và một thế giới rất khác

Kể từ mùa hè năm ngoái, thế giới đã chứng kiến nhiều xáo trộn trên chính trường. Đó là Brexit và sự ra đi của Anh đe dọa một châu Âu gắn liền thành một thể thống nhất, là chiến thắng của Donald Trump, vị Tổng thống Mỹ luôn đặt chủ nghĩa dân tộc và lợi ích của nước Mỹ lên trên tất cả, là 1 nước Pháp với tân Tổng thống muốn cải cách triệt để và phá bỏ những truyền thống xưa cũ ở châu Âu… Tuy nhiên, Đức là 1 đất nước hoàn toàn khác. Nước Đức của bà Merkel điềm đạm, dễ chịu và ổn định với những nhà máy hùng mạnh và những lễ hội bia linh đình vui vẻ.

Dẫu vậy, ẩn trong bức tranh yên bình ấy là những thách thức khổng lồ mà bà Merkel sẽ phải đối mặt.

Đức có thể hài lòng với cấu trúc hiện tại của EU, nhưng các nước khác thì không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn eurozone gắn kết sâu rộng hơn, theo cách mà người Đức cho là họ phải hi sinh quá nhiều cho những người hàng xóm yếu kém. Mỹ muốn Đức tăng chi tiêu quân sự, nhưng người dân Đức không muốn “lo chuyện bao đồng”. Hiện Đức đang triển khai quân dẫn đầu các sứ mệnh quân sự của NATO ở Afghanistan, Mali và Lithuania.

Bức tranh kinh tế Đức cũng có vài vết nứt. Nhiều người chỉ trích mức thặng dư thương mại lên đến 8-9% GDP của Đức. Theo luật của EU, bất cứ chỉ tiêu nào lớn hơn 6% GDP đều sẽ “đe dọa sự ổn định của nền kinh tế”. Cách để giảm thặng dư là tăng đầu tư, nhưng vấn đề của Đức không phải là thiếu tiền mà là những “nút cổ chai” trong quá trình quy hoạch.

Ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh đang đứng trước nguy cơ phải trả giá đắt cho canh bạc sai lầm vào động cơ diesel và có thể bị bỏ lại phía sau vì xu hướng điện khí hóa và sự phát triển của các loại xe tự lái. Tỷ lệ đầu tư thấp và chi phí năng lượng cao khiến khả năng cạnh tranh về cơ sở hạ tầng và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của Đức suy giảm.

Trong lòng xã hội Đức đang có những “con sóng ngầm”. Sau khi chào đón 1,2 triệu người nhập cư trong 2 năm 2015 và 2016, quá trình giúp nhóm này hòa nhập với người bản địa đang tiến triển rất chậm chạp. Trong khi đó những vụ khủng bố ở Berlin và Hamburg làm dấy lên nỗi lo về an ninh.

Nhiệm kỳ tiếp theo sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của Angela Merkel cũng như đối với tương lai của Đức và châu Âu.

Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây