Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy

Thứ năm - 02/05/2019 03:02
Đúng vào những ngày tháng Tư đặc biệt của dân tộc, đồng đội dang rộng vòng tay nghĩa tình đón ông về với một thế giới khác - nơi mà mọi yêu - ghét, đúng - sai, vinh quang - khổ ải… đều được soi chiếu trong ánh sáng của từ tâm, thanh khiết, thế giới của những người hiền.
Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy

Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh vừa ra đi vào đúng những ngày tháng Tư đầy cảm xúc của cả dân tộc, chỉ sau người đồng chí xuất sắc của mình - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - ít ngày.

Non sông, biển trời Tổ quốc cùng anh linh của tiên tổ và các liệt sĩ , đồng đội đón ông vào cõi cao xanh đúng những ngày cận kề ngày thống nhất đất nước - ngày mà ông và các đồng chí của mình đã dành hầu hết cuộc đời nếm mật nằm gai, tắm bom gội đạn, hi sinh cả xương máu để mang về cho nhân dân


Một cuộc đời lừng lẫy gắn với giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước vừa khép lại trong yêu thương, tự hào và kiêu hãnh không chỉ của con cháu ông mà của nhiều người dân nước Việt.

Vị tướng - người cuối cùng trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh 44 năm trước, cũng là người cuối cùng của Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đã hòa vào cùng hồn thiêng sông núi.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 2.

Làng quê hiền hòa Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1920 chứng kiến sự ra đời một người con mà có lẽ đã không ngờ rằng một ngày người con ấy trở thành vị đại tướng lừng lẫy, góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

44 năm trước, mang hàm Trung tướng mà ông vừa được phong vượt cấp cùng với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Lê Đức Anh đã chỉ huy một cánh quân tiến vào Sài Gòn theo hướng khó khăn nhất là hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn, vùng Long An với đồng nước, kênh rạch và sình lầy.

Khi nghe tin chiến thắng hoàn toàn vào ngày 30-4, vị tướng mưu trí, dũng cảm đang ở sở chỉ huy cánh tây - tây nam tại một địa điểm phía nam huyện Đức Hòa, Long An. Hai từ "Xong rồi!" mà ông vừa được báo cáo khiến vị tướng bàng hoàng.

Ngay sau cảm giác hạnh phúc tột độ và nhẹ nhõm, thoải mái là bắt đầu cảm thấy cái mệt rã rời của hàng chục năm chiến đấu ác liệt, căng như dây đàn tích tụ.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 3.

Tối hôm đó, vị tướng đã thưởng cho mình món quà hòa bình đầu tiên: giấc ngủ nướng kéo dài tới 9 giờ sáng.

"Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng, thì hẳn sẽ hiểu và cảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh", những thổ lộ chân tình, mộc mạc của Đại tướng Lê Đức Anh trong cuốn hồi ký của mình khiến ai ai cũng phải xúc động cúi mình trước những hi sinh không gì so sánh được của lớp cha anh.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 4.

Đại tướng Lê Đức Anh và lãnh tụ Cuba Fidel Castro - Ảnh: Tư liệu

Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, đi qua bao chiến trường, Đại tướng Lê Đức Anh hiểu rằng chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người, nơi sự sống mong manh như ngàn cân treo sợi tóc, khiến cái chết trở thành điều bình thường, còn sự sống là điều… kì lạ.

Như cái lần thoát chết thần kì nhờ một may mắn bất ngờ của chính vị tướng dày dạn bom đạn chiến trường này.

Đó là lúc cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm sắp kết thúc. Khi chỉ huy cảnh quân hướng Tây - Tây Nam, ông ngày đêm bám trụ trong cái chòi nhỏ sát mép sông Vàm Cỏ. Nhưng một buổi sáng rời chòi tới nhà họp để ăn cơm và nán lại võng nằm nghỉ một chút trước khi trở lại, thì đúng lúc ấy chòi của tướng Lê Đức Anh bị trúng bom tan tành. Trong tiếng nổ chói tai và ánh sáng rạch trời, vị tướng dạn dày bom đạn vừa nhìn thấy mình thoát chết quá thần kỳ.

Nếu không bởi một sự may mắn tình cờ ấy, ông đã cùng với hàng triệu chiến sĩ của mình nằm xuống ngay trước ngày toàn thắng. Mới thấy, những hi sinh của ông và đồng đội cho Tổ quốc lớn lao chừng nào.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 5.
Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 6.

Đất nước thống nhất nhưng vị tướng già cùng với bao đồng đội của mình chẳng được mấy ngày yên hưởng hòa bình, hạnh phúc riêng, lại tiếp tục cầm súng bảo vệ đất nước nơi biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. Khi biên giới đất nước tạm bình yên thì cũng lại là lúc ông bước đi tiếp, xa tổ ấm riêng của mình sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, bắt đầu hành trình gần 10 năm trải bao gian khổ cùng anh em đồng đội hồi sinh một đất nước Campuchia trong đống tro tàn.

Năm 1980, khi đặt chân sang đất bạn, cả đất nước Campuchia như một trại tập trung tan nát, tiêu điều, Phnom Penh như một thành phố ma, nhiều nhà không có người ở. Khắp đất nước là cảnh chùa chiền bị đập phá, hầu hết thiết chế văn hóa và cơ sở hạ tầng xã hội bị phá nát, không họp chợ, không trường lớp học hành, con người không quê hương - gia đình, trở thành nô lệ, phải lao động khổ sai… Và những hố chôn người tập thể, nhiều năm sau vẫn chưa khám phá hết. Một bầu không khí lo âu, sợ hãi, tang tóc, tiêu điều bao trùm lên khắp đất nước.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 7.

Nhiệm vụ góp phần hồi sinh đất nước Campuchia khỏi chiến tranh, hận thù được đặt lên vai vị tướng vừa trải qua hơn 30 năm chiến đấu cho quê hương mình và chưa một ngày ngơi nghỉ, cùng hàng nghìn chuyên gia và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

Sự đóng góp xuất sắc của ông trong gần 10 năm làm nhiệm vụ tại Campuchia với vai trò là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ông đã hai lần được thăng quân hàm, từ Trung tướng lên Thượng tướng năm 1980 và Đại tướng năm 1986.

Trong gần 10 năm gian khổ ấy, có những lúc tướng Lê Đức Anh đã phải đối mặt với những quyết định khó khăn bởi những tổn thất lớn do cấp dưới nắm tình hình địch chưa chắc, trong đó đáng lưu ý là vụ đánh địch ngầm ở Siem Reap năm 1983.

Tướng Lê Đức Anh đã được Bộ Chính trị gọi về để xử lý việc này khi ông đang điều trị mắt dang dở ở Liên Xô. Đại tướng đã tức tốc trở về với một bên mắt còn băng kín, trong sự ái ngại của bác sĩ điều trị. Với sự tỉnh táo và kiên quyết của mình, tướng Lê Đức Anh đã giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng để rồi năm sau ông được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định thăng quân hàm từ cấp Thượng tướng lên Đại tướng.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 8.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), ngày 28-9-1996 - Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Ngày 26-9-1989, những đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam rút hết về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đón đoàn, Chủ tịch nước Võ Chí Công đã trực tiếp gắn Huân chương Sao vàng lên lá cờ quyết thắng của đơn vị.

Trong giây phút ấy, Đại tướng Lê Đức Anh đã rất xúc động bởi Campuchia chính là một phần đời gian khổ nhưng đầy chiến công của ông và hàng nghìn đồng chí của mình.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 9.
Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 10.

Trong cuộc đời vẻ vang của mình, Đại tướng Lê Đức Anh còn có những cống hiến lớn lao, mang tính mở đường cho công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt là trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Mỹ.

Cuối tháng 2-1987, trong cuộc họp "Bộ Chính trị hẹp" tại Nhà con rồng - Sở Chỉ huy của Bộ Quốc phòng - sau khi nghe báo cáo tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng, Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có một đề xuất táo bạo: tiến hành phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 11.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ nhất, tháng 11-1992, tại Hà Nội - Ảnh: Minh Điền/TTXVN

Bộ Chính trị nhất trí với đề xuất của ông và đã đề nghị Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Bộ trưởng lo đoạn "mở đầu". Và Đại tướng đã hoàn thành nhiệm vụ "mở đầu" này một cách xuất sắc.

Cuộc hội kiến chính thức giữa hai nước đã diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31-7-1991, phía Trung Quốc do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm Trưởng đoàn. Hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 12.

"Tôi cũng như đồng chí, ở chiến trường mới về Trung ương, có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể", Đại tướng Lê Đức Anh đáp trả nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ bắt đầu từ năm 1991, chính Đại tướng Lê Đức Anh cũng là người thực hiện "bước mở đầu".

Đại tướng lại một lần nữa thể hiện tài ngoại giao xuất sắc khi lựa chọn con đường tiếp cận từ khoa học. Đại tướng đã chọn ngành y học và cử ông Nguyễn Huy Phan (thiếu tướng, bác sĩ Viện Quân y 108, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình) làm "người mở đầu" và đã mang lại kết quả tốt đẹp.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 13.

Ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố: không ngăn cản Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay tiền để đầu tư phát triển kinh tế và chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.

Trong hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ đã có những câu chuyện ly kì xúc động. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phan được Chủ tịch nước Lê Đức Anh chọn giao nhiệm vụ bí mật: Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ để làm "cầu nối" liên lạc giữa hai nước. Nhưng vì là nhiệm vụ bí mật, ông Phan đã bị cấp trên trực tiếp của mình gán cho tội "thỏa hiệp, đầu hàng địch".

Giữa lúc đó thì Chủ tịch nước Lê Đức Anh bị xuất huyết não (năm 1997). Cấp cứu tại Viện Quân y 108, bác sĩ Phan vào thăm. Thấy "thủ trưởng" nằm bất động, ông đã khóc: "Thủ trưởng ơi, hãy sống lại đi. Chỉ có Thủ trưởng sống lại thì mới minh oan cho tôi!..."

Sau đó Đại tướng đã tỉnh lại một cách kì diệu. Có lẽ ông không nỡ bỏ lại bác sĩ Phan với nỗi oan khuất tày trời còn đang đợi được ông minh oan.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy - Ảnh 14.

Nội dung: THIÊN ĐIỂU
Bài viết được thực hiện dựa trên cuốn hồi ký:
Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Thiết kế: Kiều Nhi
Concept: Bảo Suzu

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây