Viết tiếp bài “Bất thường trong cấp phát tiền hỗ trợ bão lụt năm 2016 ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ, Bình Định)"

Thứ sáu - 21/09/2018 03:16
Để làm rõ sự tắc trách trong công tác kiểm kê, áp giá hỗ trợ và cấp phát tiền hỗ trợ thiệt hại do lũ lụt gây ra năm 2016 tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định (báo Kinh doanh & Pháp luật số 110 phát hành 13/9/2018 đã có bài đề cập), nhóm PV chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo các cấp có thẩm quyền địa phương từ xã đến huyện…
Viết tiếp bài “Bất thường trong cấp phát tiền hỗ trợ bão lụt năm 2016 ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ, Bình Định)"
 Bài 2. Vì sao phải "sáng tạo" thêm quy định để hành dân
          
 Ông Phùng Văn Sơn – PCT UBND xã Mỹ Thành: “Tôi chỉ làm báo cáo tổng hợp thiệt hại ban đầu”
 
    
       Việc nâng lên hạ xuống là do ông Vinh (?)

      Tại buổi làm việc (30/8), ông Phùng Minh Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách VH-XH cho biết, vào thời điểm đó tại địa phương xảy ra liên tiếp tới 4-5 cơn lũ, ông Huỳnh Trọng Đông – Chủ tịch UBND xã bị đau bệnh, mọi công việc dồn hết cho ông. Ông Sơn cho biết ngay sau các đợt lũ năm 2016 kết thúc, UBND xã Mỹ Thành đã kịp thời có Bảng tổng hợp thiệt hại NTTS do lũ lụt gây ra gửi cho huyện. Văn bản báo cáo do ông trực tiếp ký thay Chủ tịch UBND xã vào ngày 29/12/2016 có tất cả 130 hộ bị thiệt hại với tổng giá trị ước tính trên 10 tỷ đồng. Cũng theo ông Sơn mặc dù là báo cáo tổng hợp ban đầu nhưng UBND xã cũng đã thành lập tổ công tác để thẩm tra đến từng đối tượng kê khai trước khi xác nhận. “Đến cuối năm 2017, ông Đông xuất viện, tôi bàn giao toàn bộ công việc có liên quan cho ông Hồ Văn Vinh (vừa mới bầu bổ sung) phụ trách mảng Kinh tế nông nghiệp. Do đó việc điều chỉnh chi trả tiền hỗ trợ sau này như thế nào tôi không được biết”  - ông Sơn nói.

      Chúng tôi kết nối điện thoại với ông Vinh (hiện đang theo học lớp trung cấp chính trị tại huyện), ông Vinh đồng ý sẽ bố trí một cuộc hẹn làm việc với PV vào khoảng giữa tháng 9 tới sau khi ông kết thúc đợt học. “Tôi mới nhận nhiệm vụ đầu năm 2017 và cũng chỉ làm nhiệm vụ chi trả”, ông Vinh thoái thác trách nhiệm qua điện thoại. Mới nghe tưởng như ông Vinh là người vô can nhưng thực tế cho thấy sự bức xúc lên tới đỉnh điểm của người dân Mỹ Thành trong việc cấp phát tiền hỗ trợ lũ lụt lại rơi vào giai đoạn ông nhận nhiệm vụ. Sau gần 1,5 năm chờ đợi, bất ngờ vào khoảng tháng 4/2018 người dân Mỹ Thành nghe Đài truyền thanh xã phát đi danh sách hỗ trợ tiền lũ lụt năm 2016. Họ chưa kịp mừng thì sau đó Đài truyền thanh xã bất ngờ phát lại liên tiếp 3 danh sách khác với nhiều điều chỉnh mức hỗ trợ bất thường mà không có một văn bản nào giải thích (?)

     Tác giả của những bảng danh sách bất thường trên không ai khác hơn là ông Hồ Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành. Bức xúc vì sự “qua mặt” của cấp phó, tại buổi làm việc với nhóm PV, ông Huỳnh Ngọc Đông – Chủ tịch UBND xã đã thẳng thừng nói: “Việc nâng lên hạ xuống tiền hỗ trợ là do anh Vinh và các trưởng thôn cùng phối hợp thực hiện. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có sự tham gia thẩm tra của cán bộ Phòng NN&PTNT huyện cử xuống”.
                         
 Đơn tố cáo, khiếu nại vượt cấp của người dân Mỹ Thành

 

Trong khi người dân đang rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống thì đến thời điểm này (sau gần 2 năm bị thiệt hại), theo báo cáo của UBND xã Mỹ Thành vẫn còn thừa số tiền hơn 440 triệu đồng trong tổng số tiền được phân bổ chi trả 2.175.950.000 đồng.

 
      Hoài nghi có dấu hiệu tiêu cực trong chi trả tiền hỗ trợ, hàng chục hộ gia đình tại thôn Xuân Bình Nam đã gửi đơn tố cáo vượt cấp và phản ảnh đến cơ quan báo chí. Để hạ nhiệt với cấp trên, ngày 22/8/2018, ông Hồ Văn Vinh đã ký thay Chủ tịch UBND xã Văn bản số 74/UBND – VP gửi UBND huyện Phù Mỹ báo cáo về tình hình cấp phát tiền hỗ trợ lũ lụt năm 2016. Theo đó, ngoài việc xác nhận tổng số tiền đã chi hỗ trợ theo danh sách thực tế cho hộ nuôi cá lồng bè là 982.600.000 đồng; chi hỗ trợ diện tích ao đìa, ngao 752.431.000 đồng, ông Vinh khẳng định: “Việc hỗ trợ cho các hộ thiệt hại NTTS cuối năm 2016, địa phương thực hiện đúng theo Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND tỉnh Bình Định. Về phương thức hỗ trợ, đối với diện tích các ao, đìa thiệt hại UBND xã căn cứ vào giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ, căn cứ vào biên bản đấu giá (diện tích ao, đài đấu giá) và bản đồ địa chính…”.

      Khi thì bảo hỗ trợ theo bìa đỏ, lúc thì… theo thực tế

      Chiều cùng ngày, làm việc với nhóm PV, ông Lê Thành Khâm – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ (người trực tiếp tham gia cùng với cán bộ có chức năng xã Mỹ Thành công tác thẩm định và áp giá hỗ trợ ngay từ giai đoạn đoạn đầu) cho biết, các đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương trên địa bàn huyện, với trong số tiền đã chi hỗ trợ hơn 22,5 tỷ đồng, trong đó riêng thủy hải sản hỗ trợ khoảng 4,1 tỷ.

       Sau khi báo cáo nhanh cho tỉnh, huyện đã chỉ đạo cho các địa phương phải tiến hành rà soát lại theo mẫu hướng dẫn, các hộ phải có bảng kê khai có thôn, xã xác nhận. “Tuy nhiên do thời gian triển khai quá nhanh, thiệt hại lớn, trong khi đó ở địa phương vào thời điểm đó anh Đông bị bệnh, công việc dồn hết cho anh Sơn – Phó Chủ tịch nên không thể tránh khỏi sự thiếu sót. Vì vậy sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ, UBND huyện chỉ đạo cho địa phương tiếp tục rà soát các đối tượng, diện tích kê khai một lần nữa cho thật kỹ trước khi hỗ trợ, chứ không hỗ trợ theo danh sách ban đầu” – ông Khâm giải thích.
                     
Ông Lê Thành Khâm – Phó phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ giải thích theo kiểu… xà quần ?
 
      Cũng theo ông Khâm, căn cứ để hỗ trợ là thực hiện theo đúng Quyết định của UBND tỉnh, “riêng đối với các địa phương có mặt nước NTTS như xã Mỹ Thành thì việc hỗ trợ căn cứ vào diện tích được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, hoặc phải có văn bản đấu giá mặt nước”. Khẳng định chắc nịch như vậy nhưng khi chúng tôi nêu trường hợp ông Trần Hữu Sự - Trưởng thôn Xuân Bình Bắc tự phát NTTS trái phép trong lòng hồ Cây Me vẫn được hỗ trợ số tiền gần 30 triệu; hay trường hợp 8 hộ gia đình ở thôn Vĩnh Lợi 3 nuôi cá lồng bè trái phép làm cản trở dòng chảy và ghe tàu ra vô của biển Đề Gi vẫn được hỗ trợ gần cả tỷ đồng… thì ông Khâm lại nói: “Quyết định số 11 của UBND tỉnh Bình Định chỉ quy định hỗ trợ thiệt hại theo thực tế chứ không nói rõ không hỗ trợ cho các hộ nuôi trái phép hay nuôi ngoài quy hoạch”. Vì sao người đại diện chính quyền cấp huyện lại bất nhất trong lời nói như vậy ? Để rộng đường dư luận chúng tôi xin trích dẫn một đoạn đối thoại giữa PV và ông Khâm như sau:

      “PV: Ban đầu ông nói hỗ trợ theo bìa đỏ bây giờ ông lại nói hỗ trợ theo thực tế thiệt hại. Vậy thì tại sao một số trường hợp như bà Lê Thị Chín, Trương Văn Vui, Đỗ Phước Hoàng… không được hỗ trợ theo diện tích NTTS bị thiệt hại thực tế mà bị trừ đi diện tích làm muối ? Ông Khâm: Vấn đề là họ có NTTS thực tế không. Vì trong đìa NTTS có diện tích làm muối thuộc sở hữu của người khác. Việc trừ diện tích làm muối là để tránh trường hợp sau này các hộ làm muối tiếp tục kê khai thiệt hại lần nữa. (Trả lời của ông Khâm khó chấp nhận được vì lũ lụt xảy ra vào thời điểm chưa tới thời vụ làm muối thì làm gì có chuyện phát sinh kê khai thiệt hại chồng lên ? – PV).

      PV: Vậy ông nghĩ sao trường hợp ông Phùng Đông Quang – PCT HĐND xã được hỗ trợ đủ 5.000m2 nuôi trồng thủy sản mà không bị trừ diện tích làm muối ? Ông Khâm: Về trường hợp ông Quang, Phòng NN cũng đã làm việc với UBND xã Mỹ Thành sắp tới đây sẽ kiên quyết thu hồi lại số tiền đã hỗ trợ này để đảm bảo sự công bằng.

      PV: Ông nói là Phòng NN đã kiểm tra rất kỹ, hồ sơ pháp lý đầy đủ, bây giờ lại phát sinh cả chục trường hợp không thống nhất nhận tiền hỗ trợ và nhiều trường hợp khác sau khi nhận tiền vẫn tiếp tục khiếu nại? Ông Khâm: Thiệt hại lụt bão trên địa bàn huyện năm đó lớn quá, thời gian triển khai nhanh, nói Phòng phải kiểm tra hết các xã là rất khó.

      Nếu tính từ thời gian xảy ra lũ lụt và UBND xã Mỹ Thành gửi báo cáo tổng hợp thiệt hại chính thức, đến khi Đài truyền thanh xã công bố công khai bảng áp giá hỗ trợ tiền thiệt hại lần đầu là gần 1,5 năm. Chừng ấy thời gian là quá dài để Phòng NN thẩm tra lại số liệu của xã báo cáo nếu có hoài nghi. Rõ ràng là sự tắc trách này không chỉ có UBND xã Mỹ Thành mà còn có sự thiếu trách nhiệm của Phòng NN&PTNT huyện.
     
 Trả lời câu hỏi của PV qua điện thoại, ông Hà Ngọc Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ tỏ ra rất lúng túng, khi cho biết: “Việc hỗ trợ thiệt hại lũ lụt năm 2016 là dựa vào bìa đỏ được cấp quyền cho hộ, trường hợp nếu không có bìa đỏ thì căn cứ theo diện tích thiệt hại thực tế. PV: Như vậy đối với trường hợp 8 hộ gia đình ở Vĩnh Lợi 3 nuôi cá lồng trái phép tự phát thì làm sao có căn cứ để xác định diện tích thiệt hại thực tế. Trả lời: Cái này phải do xã kiểm tra chứ ai kiểm tra được. PV: Khi chốt danh sách đề nghị UBND tỉnh giải ngân hỗ trợ thiệt hại chắc chắn là huyện đã kiểm tra chặt chẽ ? Trả lời: UBND xã Mỹ Thành phải chịu trách nhiệm, vì thiệt hại lũ lụt năm 2016 quá lớn trong khi đó phải làm khẩn trương, nếu UBND huyện kiểm tra thì sẽ kéo dài thời gian không thể nào hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại. PV: Bây giờ dân phản ánh nếu kiểm tra phát hiện có sai phạm thì sẽ xử lý như thế nào ? Trả lời: Phải dứt khoát thu hồi lại, nếu xã làm sai thì phải kiểm điểm xử lý trách nhiệm…”
 
      Thay lời kết

      Rõ ràng là trả lời của lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ không có sự nhất quán trong vận dụng chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra của Nhà nước ban hành. Vậy đâu mới là cơ sở pháp lý chính thống ? Chúng tôi đã kiên nhẫn rà soát tất cả các văn bản quy phạm có liên quan (từ Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định đến Thông tư 187/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, Quyết định 142/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nhưng không có văn bản nào quy định bắt buộc việc chi trả tiền hỗ trợ thiên tai dựa vào giấy chứng nhận QSDĐ. Ngay cả Thông tư 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (khoản 3, Điều 1) cũng hướng dẫn: “Căn cứ phương thức, đối tượng nuôi, mật độ thả theo định mức nuôi và thiệt hại thực tế về giống, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hỗ trợ cụ thể cho các hộ bị thiệt hại theo quy định…”.

     Như vậy việc hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra dựa trên thiệt hại thực tế chứ không bắt buộc dựa vào bìa đỏ hoặc trừ bớt diện tích làm muối và công tác hỗ trợ phải được tiến hành kịp thời, công khai, đúng đối tượng. Việc các cấp có thẩm quyền của huyện Phù Mỹ “đẻ” thêm các quy định như trên và để kéo dài thời gian chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiên tai năm 2016 xảy ra tại xã Mỹ Thành… là cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Chúng tôi đề nghị cơ quan có chức năng cần phải vào cuộc làm rõ, trả lại niềm tin cho người dân địa phương.
                                                                                                                                        (Còn nữa)

Tác giả bài viết: TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây