Những ngày vừa qua hàng loạt sai phạm trong đầu tư xây dựng các dự án bất động sản của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) được đưa ra ánh sáng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp này có thể bất chấp pháp luật vi phạm phải chăng vì không bị xử lý hay doanh nghiệp đang có người chống lưng?
“Vòi bạch tuộc” sai phạm
Những ngày qua dư luận ở Đà Nẵng xôn xao về việc 104 căn hộ xây sai phép của Tập đoàn Mường Thanh tại dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Điều đáng nói, trong văn bản của Sở Xây dựng Đà Nẵng gửi các cơ quan thông tấn báo chí thì dù đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn cứ ngang nhiên xây dựng, đến nay đã hoàn thành tòa nhà chung cư cao 42 tầng.
Tổ hợp khách sạn và căn hộ Mường Thanh Sơn Trà (Đà Nẵng) bị xử phạt vi phạm, quyền lợi khách hàng bị đe dọa. Ảnh: Tấn Tài |
Xây dựng sai với mục đích, công năng ban đầu, nhưng khi phát hiện thì lực lượng chức năng chỉ có “phạt” 40 triệu đồng. Việc giám sát được nêu ra…trên giấy, nhưng thực tế thì ngược lại, chủ đầu tư thản nhiên xây dựng, hoàn thành dự án như đúng ý đồ của mình.
Đáng nói dù biết công trình sai phạm, không cưỡng chế xử lý ngay từ khi sai phạm mới hình thành, chính quyền Đà Nẵng lại cho “hợp thức hóa sai phạm”.
Điểm qua một loạt dự án “khủng” do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư cho thấy mức độ sai phạm của doanh nghiệp này.
Năm 2016, chi nhánh của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên tiến hành xây dựng khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột mặc dù không có giấy phép xây dựng. Đáng nói hơn phải đến khi dự án lên đến 10 tầng cơ quan quản lý địa phương mới phát hiện sai phạm.
Tương tự công trình Mường Thanh Khánh Hòa (gần cầu Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa) xây vượt tầng. Theo quy hoạch, công trình này chỉ được phép xây 40 tầng, nhưng chủ đầu tư xây lên 43 tầng.
Công trình khách sạn Mường Thanh Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) xây sai phép 3 tầng. Hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, Mường Thanh chỉ được cấp phép khoan thăm dò địa chất khu đất ở số 8A Mạc Đĩnh Chi (phường Bến Nghé, quận 1) có thời hạn, nhưng chủ đầu tư lại tổ chức thi công các tầng hầm và sàn tầng 1 khi chưa có giấy phép xây dựng…
|
Ngay ở Hà Nội thì hàng loạt dự án chung cư do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên xây dựng hầu hết đều xây quá chiều cao so với quy định và không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Không bất ngờ trước những sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận vì thế dù biết quy định của pháp luật nhưng doanh nghiệp vẫn bất chấp.
“Nếu không ngăn chặn, không uốn nắn xử lý sai phạm sẽ tiếp tục gia tăng, doanh nghiệp vì lợi nhuận họ sẵn sàng bất chấp”, ông Điệp nói và cho biết, trước sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên cần phải thanh tra toàn diện từng dự án, xem xét làm rõ sai phạm và nguyên nhân sai phạm để xử lý.
Xử lý trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước
Trước sai phạm xảy ra hàng loạt dự án khách sạn Mường Thanh nhiều người đặt câu hỏi, tại sao khi người dân xây nhà, chỉ cần đặt một viên gạch, đổ một đống cát…thì ngay tức khắc có lực lượng chức năng tới kiểm tra, đình chỉ và xử phạt nếu chưa xin phép, trái phép.
Tuy nhiên, tại sao Mường Thanh xây những dự án “khủng”, đồ sộ như thế nhưng lực lượng chức năng địa phương lại không hay biết, hoặc biết nhưng chỉ xử phạt rồi dự án được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện giấy phép?.
Trước câu hỏi này, trao đổi với phóng viên ông Điệp cho rằng, sai phạm của doanh nghiệp đã rõ ràng những nguyên nhân dẫn đến sai phạm đó thuộc hệ thống quản lý nhà nước ở địa phương.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - ảnh nguồn Báo Tài nguyên môi trường. |
“Thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương những nơi Mường Thanh vi phạm ở đâu? Tại sao ngay khi doanh nghiệp sai phạm không xử lý, uốn nắn”, ông Điệp đặt vấn đề.
Theo ông Điệp sai phạm ở các dự án khách sạn Mường Thanh cho thấy hai vấn đề: Thứ nhất, nếu chính quyền địa phương không biết chứng tỏ không giám sát, không kiểm tra nên không nắm được tình hình, không biết doanh nghiệp vi phạm.
Thứ hai biết doanh nghiệp vi phạm nhưng làm ngơ, chỉ đến khi dư luận báo chí vào cuộc chính quyền mới biết hoặc mới xử lý rốt ráo thì đã muộn.
“Không giám sát, quản lý chặt dẫn đến sai phạm nối tiếp sai phạm của Mường Thanh, thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Vì lợi nhuận doanh nghiệp bất chấp pháp luật, trách nhiệm của cấp chính quyền phải giám sát để không xảy ra vi phạm”, ông Điệp nói.
Ngay việc chi nhánh của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây dựng khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột dù không phép nhưng chỉ xử phạt 40 triệu đồng đối với hành vi xây dựng không phép là mức xử lý quá thấp doanh nghiệp sẵn sàng đánh đổi.
Thậm chí sau sai phạm này Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục xin phép. Với cách quản lý như vậy thì “vòi bạch tuộc” sai phạm của Mường Thanh tiếp tục lan rộng.
Với dự án sai phạm của Mường Thanh ông Điệp cho rằng cần vào cụ thể từng dự án sai làm rõ sai phạm và đưa ra xử phạt thích đáng. Thậm chí phải cương quyết tháo dỡ những công trình vi phạm chứ không thể phạt cho tồn tại như hiện nay.
“Về cấp chính quyền phải kiểm điểm tổ chức, cá nhân trong quản lý địa bàn dẫn đến sai phạm của Mường Thanh. Xây vượt tầng, vượt diện tích là việc bình thường vì lòng tham của doanh nghiệp, sai của chính quyền là buông lỏng, thậm chí phải làm rõ xem có bao che cho sai của doanh nghiệp không. Trong xử lý trách nhiệm phải minh bạch sai của doanh nghiệp và sai của cơ quan quản lý để xử phạt thích đáng, tránh hiện tượng nhờn luật”, ông Điệp cho biết.
Nguồn tin: GDVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn