Trong tham luận gửi đến hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức tuần qua, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa dẫn lại số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3/2018, nước ta có gần 137 nghìn khóm, xóm, tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.
Không nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như thế
“Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người. Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách”, PGS.TS Phạm Duy nghĩa tính toán.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam |
Theo ông Nghĩa, nước ta nghèo và yếu, một phần cũng bởi hiện trạng này. Dẫn con số biên chế năm 2019, chỉ riêng cho bộ máy công chức đã là gần 260 nghìn người, ông lưu ý, con số này chiếm phần nhỏ trong 11 triệu người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách.
“Tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính là 4,8%, cao nhất so với các quốc gia châu Á”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên ủy viên Hội đồng lý luận TƯ, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia HCM cho rằng việc cải cách bộ máy là vấn đề cực kỳ quan trọng. Bởi chúng ta đang đứng trước bài toán vô cùng nan giải với căn bệnh trầm kha là phình bộ máy và tăng biên chế.
Ông kể lại, khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi nghe thông tin dân số Việt Nam chỉ bằng 25% dân số nước Mỹ mà công chức Việt Nam đông hơn công chức Mỹ.
“Không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như thế này. Nên Bộ Nội vụ và đồng chí Bộ trưởng đang gánh trọng trách vô cùng nặng nề”, ông nhấn mạnh.
Chiến lược đúng đắn
Để tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, ông Phạm Duy Nghĩa bày tỏ, đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một sự bắt đầu phù hợp, với hy vọng sẽ lan dần tới cấp tỉnh.
Song song đó là việc tách dịch vụ công thuần túy theo địa giới hành chính tách ra khỏi các chức năng điều tiết từ TƯ (đất đai, tài nguyên, quy hoạch, bảo vệ môi trường, thuế, y tế công cộng). Đồng thời, tách công vụ, công chức dần ra khỏi các nhà chính trị TƯ và địa phương và viên chức làm việc theo hợp đồng trong khu vực công.
Đồng thời từng bước tách dần các tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp ra khỏi khu vực công. Đây cũng là những chiến lược đúng, đã và đang từng bước được thực hiện.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên ủy viên Hội đồng lý luận TƯ, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia HCM. Ảnh: T.Hằng |
Đề cập đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, GS Hoàng Chí Bảo nêu thực tế, xã đông nhất như Bình Hưng Hòa (TP.HCM) 86.000 dân, mà sau này tách ra thành quận, huyện, xã vẫn đông. Cần Thơ có những xã 40.000 dân. Có xã đông nhất 40 thôn khi tách ra nhưng có những xã chỉ có 1 thôn, nhất xã, nhất thôn như Ninh Hiệp.
“Đa dạng vô cùng, xã bé nhất là ở Bố Trạch, Quảng Bình, bộ tộc người Rục chỉ 136 người, nếu cứ bố trí bộ máy quan chức chỗ nào cũng có thì không đủ người làm cán bộ”, GS Hoàng Chí Bảo lưu ý.
Ông nêu thêm thực tế, có những xã miền núi bằng cả một tỉnh đồng bằng như Hưng Yên và Thái Bình nhưng chính sách đồng loạt như nhau thì làm sao có thể gọi là có hiệu quả.
Theo phân tích của GS Bảo, quan trọng phải bắt đầu từ việc phân biệt và phân định. Phân biệt là tìm chỗ giống nhau và khác nhau; phân định là vạch ra ranh giới thẩm quyền và trách nhiệm.
“Tổ chức có mạnh đến mấy, hợp lý đến mấy mà nguồn nhân lực yếu thì không ăn thua. Mấu chốt là con người, mà con người ở đây chính là công chức”, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng hiện nay đang có sự nhầm lẫn làm công chức hóa toàn bộ hệ thống chính trị, ai cũng là công chức, nên mới nhiều như vậy.
Ông cho rằng, công chức chỉ là người của bộ máy công quyền, còn cán bộ mặt trận, đoàn thể… là người hoạt động xã hội, không phải công chức.
Nguồn tin: theo nguồn: http://vietnamnet.vn/:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn