Không một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có hòa bình, thịnh vượng thực sự nếu như một khu vực nào đó hay toàn cầu bất ổn. Đó cũng chính là nguyên lý khiến mọi quốc gia tăng cường hợp tác song phương và đa phương nhằm chung tay giải quyết các vấn đề mang tính khu vực, toàn cầu. Xu hướng này đã được khẳng định và thực thi trong nhiều năm qua. Nhưng gần đây, một vài quốc gia có xu hướng đặt lợi ích quốc gia lên quá cao, sẽ là nguy hiểm nếu như hiện tượng này trở thành xu hướng.
Phát biểu mới đây tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến hiện tượng này và kêu gọi đề cao "trách nhiệm kép", ngoài lợi ích quốc gia cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa trách nhiệm toàn cầu.
Chúng tôi mời TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao để cùng trao đổi, làm rõ hơn về những vấn đề này.
MC Mỹ Hạnh:Thưa ông Trần Việt Thái, ông có thể khái quát hiện tượng quá đề cao lợi ích quốc gia của một số nước trong thời gian qua?
TS. Trần Việt Thái: Thời gian gần đây, đúng là có một số quốc gia đặt đã đặt sự ưu tiên của quốc gia mình lên quá cao với các lợi ích hay trách nhiệm của tập thể. Điều đó không chỉ tác động mạnh tới quan hệ quốc tế mà nó còn ảnh hưởng tới lợi ích của các quốc gia khác, tới môi trường hòa bình, ổn định của nhiều khu vực trên thế giới. Nó ảnh hưởng tới cách ứng xử của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Và ảnh hưởng đến việc hoạt định chính sách của rất nhiều nước.
Việc các nước đặt lợi ích dân tộc lên quá cao đã có những ảnh hưởng và cũng đến mức đưa ra cảnh báo. Bên cạnh đó, việc đặt lợi ích dân tộc lên quá cao còn có yếu tố chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy tác động mạnh. Nó là thời điểm kết hợp của việc đặt lợi ích dân tộc lên quá cao, đồng thời sự tác động của chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan. Tác động của chủ ngĩa dân túy làm cho các chương trình nghị sự của các quốc gia và quan hệ quốc tế gần đây có nhiều biểu hiện hơi lệch lạc so với trước đây.
MC Mỹ Hạnh: Theo ông, vì sao thời gian gần đây, lại nảy sinh hiện tượng này?
TS. Trần Việt Thái: Hiện tượng một số quốc gia đặt lợi ích quốc gia quá cao như vậy xuất phát từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài.
Yếu tố bên trong là xu hướng của một số nhà chính trị gia, họ muốn sử dụng chủ nghĩa dân tộc, họ sử dụng những vấn đề thuộc về lợi ích của một nhóm nào đó để phục vụ cho chính sách của một đảng phái, một nhóm lợi ích nào đó trong quốc gia. Họ có xu hướng quay vào bên trong để phục vụ lợi ích ích kỷ của một vài nhân tố trong quan hệ quốc tế.
Trong khi đó, ở bên ngoài, tình hình thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, khó lường. Nó làm cho người ta ít tin tưởng hơn vào công việc chung của cộng đồng chung thế giới và thường ít chung tay xây dựng các vấn đề toàn cầu. Do vậy, hiện nay có xu hướng một số quốc gia họ quay vào bên trong nhiều hơn là đóng góp để thực hiện những nghĩa vụ quốc tế. Từ đó, ảnh hưởng đến vấn đề toàn cầu cũng như môi trường chung của các quốc gia đang sinh sống.
TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao |
MC Mỹ Hạnh: Bối cảnh thế giới thời gian qua có xuất hiện yếu tố cơ bản nào khiến cho việc hài hòa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế gặp những trở ngại, thưa ông?
TS. Trần Việt Thái: Nếu nhìn bối cảnh quốc tế trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy có khá nhiều nhân tố tác động đến suy nghĩ của nhiều quốc gia, nhiều nhà hoạch định chính sách trong vấn đề đặt lợi ích dân tộc lên quá cao trong việc hài hòa hóa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế.
Thứ nhất,sự đảo lộn giữa rất nhiều chính sách của các nước. Hiện nay chúng ta thấy xuất hiện trường phái muốn quay vào bên trong, muốn phục vụ lợi ích của quốc gia nào đó là khá lớn. Rõ nhất là việc điều chỉnh chính sách của Mỹ, họ rút khỏi hàng loạt những cam kết quốc tế, thỏa thuận quốc tế như TPP, hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hiệp định hạt nhân Iran… Từ đó, nó làm thay đổi sâu sắc trật tự quốc tế.
Thứ hai, các chính sách hiện nay, một số quốc gia cũng đặt ưu tiên cao lợi ích của trong nước. Đề phục vụ cho một mục tiêu ngắn hạn trước mắt nào đấy, nó có yếu tố dân túy. Chúng tôi thấy rõ nhất tình hình ở Bắc Phi, Trung Đông.
Thứ ba, như hiện tượng Brexit ở châu Âu, nước Anh rời khỏi liên minh Châu Âu, làm cho không ít quốc gia tự đặt câu hỏi tại sao nước Anh lại rời khỏi tổ chức chung, tập thể chung để đi con đường riêng của mình. Rồi hệ quả về khu vực của cuộc chiến chống IS. Rồi những đảo lộn của thế giới thời gian gần đây làm cho rất nhiều quốc gia. mặc dù họ thừa nhận những vấn đề toàn cầu rất phức tạp, cần phải chung tay nhưng họ cũng thừa nhận là trong bối cảnh các nước khác đều thực dụng thì bản thân họ cũng phải trở nên thực tế hơn. Đó cũng là nhân tố dẫn đến hiện tượng mới là một số quốc gia đã đề cao lợi ích quốc gia mình cao quá so với các nước khác.
MC Mỹ Hạnh:Theo ông, việc đặt quá cao lợi ích quốc gia chỉ là hiện tượng nhất thời, trong ngắn hạn hay dễ trở thành xu hướng?
TS. Trần Việt Thái: Cho đến nay, chúng tôi nhận thấy, một số dấu hiệu có hiện tượng đang trở thành vấn đề có tính xu hướng. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền tới nay và đặc biệt khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi nhìn nhận sơ bộ thì đây mới chỉ là hiện tượng thôi. Thế giới có lẽ đang bước vào sự điều chỉnh có tính bước ngoặt và một hình thái quan hệ quốc tế mới, một trật tự thế giới toàn cầu mới có lẽ đang trong quá trình manh nha hình thành.
Trong thời gian quá độ như thế, việc sắp xếp trật tự thế giới, việc định hình quan hệ quốc tế, các chuẩn mực quốc tết và các quốc gia định hình lại chính sách của họ sẽ ảnh hưởng tới xu hướng chung.
Do vậy tôi nghĩ, đang trong quá độ như thế này thì các quốc gia họ có xu hướng quay vào bên trong. Vì thế nó sẽ là hiện tượng trong ngắn hạn. Về lâu về dài, khi định hình một trật tự rõ hơn, các quốc gia sẽ phải định hình lại những quy tắc chuẩn mực, ứng xử với nhau nếu không thì sẽ vỡ trận. Mỗi quốc gia tự hành xử theo cách của họ và tự đổ rác sang nhà hàng xóm thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ quốc tế và nó sẽ trở lại thời kỳ hỗn loạn như đã từng diễn ra trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế những năm 1930 trước đây.
MC Mỹ Hạnh:Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ ra lo ngại về xu hướng này, ông nói sẽ rất nguy hiểm nếu hiện tượng này trở thành xu hướng.
Thủ tướng cũng kêu gọi nâng cao vấn đề ‘trách nhiệm kép’, mỗi quốc gia ngoài trách nhiệm với quốc gia mình có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân ngoài trách nhiệm công dân với nước mình còn cần phải có trách nhiệm như một công dân toàn cầu”, theo ông, vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại nhấn mạnh đến vấn đề này mà không phải vấn đề nào khác?
TS. Trần Việt Thái: Thủ tướng phát biểu như vậy là có những hàm ý rất rõ ràng.
Thứ nhất, về mặt khách quan, hiện nay những xu hướng trên thế giới đang tác động tiêu cực tới quá trình mà các quốc gia hợp tác với nhau vì cộng đồng chung, vì lợi ích chung. Nói cách khác là Thủ tướng muốn đề cao trách nhiệm quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vì thế giới ngày nay là một thế giới đã được toàn cầu hóa sâu sắc, hội nhập rất sâu rộng. Những vấn đề ở một khu vực nào đó ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, ngược lại, vấn đề của Việt Nam nó cũng tác động tới toàn thế giới. Do vậy, các quốc gia phải có trách nhiệm với nhau.
Thứ hai, Thủ tướng có nhắc tới hai ý. Thứ nhất là chính trị cường quyền. Thực chất là một thách thức rất lớn tới hòa bình ổn định. Trong một thế giới ngày càng văn minh, một thế giới mà Liên Hợp quốc đã đề ra rất nhiều những nguyên tắc chuẩn mực như Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật biển năm 1982,...thì chúng ta phải tôn trọng những điều được xây dựng đó. Và đó là công sức của rất nhiều thế hệ mới có được.
Thứ ba, Thủ tướng đề cập tới yếu tố là rõ ràng có một số quốc gia đã đề cao quá lợi ích của bản thân họ, vì thế phải cân bằng trở lại giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế.
Do vậy, hàm ý mà Thủ tướng muốn nói trách nhiệm kép ở đây, thế giới ngày nay là một thế giới rất sâu sắc, tùy thuộc lẫn nhau sâu sắc. Công việc của anh đều ảnh hưởng đến tôi, công việc của tôi đều ảnh hưởng đến anh. Do vậy, chúng ta không thể sống một cách ích kỷ mà phải chung tay xây dựng một thế giới văn minh, tốt đẹp, hòa bình phát triển hài hòa hơn.
Thủ tướng phát biểu như vậy, ở một thời điểm mà tôi cho rằng là rất thích hợp. Khi chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, và các nước cần những người có tiếng nói như vậy, có những phát biểu chung như vậy, để thúc đẩy vai trò của Liên Hợp quốc, thúc đẩy các vấn đề chung để được giải quyết hơn.
Mặt khác, chúng ta đang chuẩn bị được bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 lần thứ hai. Phát biểu này muốn truyền đi một thông điệp cho cộng đồng thế giới, chúng tôi đã sẵn sàng, Việt Nam đã sẵn sàng cùng chia sẻ, gánh vác các trách nhiệm chung với thế giới. Và nếu các bạn bầu cho Việt Nam, thì chúng tôi sẵn sàng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, hãy tin tưởng ở chúng tôi. Một đất nước Việt Nam có những thành tựu phát triển, một đất nước Việt Nam với những thành quả đang ngày càng đổi mới, và sẵn sáng gánh vác những trách nhiệm chung, thì đó là điểm rất là tích cực.
Tôi nghĩ thông điệp đó của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được nhìn nhận rất tốt, không chỉ cho Liên Hợp quốc. Chúng ta thấy hình ảnh ông Tổng thư ký Liên hợp quốc đã lên bắt tay Thủ tướng, và cộng đồng quốc tế đã vỗ tay nhiệt liệt trước bài phát biểu của Thủ tướng. Rất nhiều chuyên gia, học giả ở khu vực và trên thế giới đã đánh giá cao bài phát biểu này. Thứ nhất, đúng thời điểm. Thứ hai, đã làm rõ được bối cảnh và đã chuyển được thông điệp đúng diễn đàn tức là Liên Hợp quốc, và đúng đối tượng, đúng lúc chúng ta đang cần. Tôi nghĩ, đây là một phát biểu rất phù hợp và có hàm ý rất sâu xa với thông điệp rõ ràng, đúng đối tượng, đúng lúc.
TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao và MC Mỹ Hạnh. |
MC Mỹ Hạnh:Thực tế cho thấy những thành quả lớn lao như duy trì hòa bình, ổn định; đẩy lùi thiên tai, bệnh tật, thúc đẩy tiến bộ xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo...có được là do đa số quốc gia chung tay thể hiện trách nhiệm toàn cầu, theo ông, trước những sự vận động khó lường của thế giới hiện nay, các quốc gia và thậm chí từng cá nhân cần phải làm gì để duy trì và tăng cường hơn nữa trách nhiệm toàn cầu trong thời gian tới?
TS. Trần Việt Thái: Trước hết là ở cấp độ của quốc gia, mỗi quốc gia đã đến lúc phải nhìn tới cái chung nhiều hơn. Chúng tôi cũng thừa nhận là tình hình biến động rất phức tạp, nhưng mà chuyện gì ra câu chuyện đó. Thế giới thì toàn cầu hóa như vậy. Và chúng ta phải thấy rõ là không có nước nào một mình có thể giải quyết được những vấn đề toàn cầu. Từ biến đổi khí hậu, tất cả đều bị ảnh hưởng... Cho nên, phải có những nguồn đầu tư, phải dành những nguồn lực nhất định phù hợp để giải quyết các vấn đề toàn cầu, và phải có thái độ hợp tác. Không thể nào chỉ chống đối, quay lưng và đi vào bên trong giải quyết việc của mình được.
Thứ hai, đối với các cá nhân. Ở cấp độ cá nhân, tôi nghĩ rằng cũng phải nhận thức rõ hơn. Trước hết, phải nhận thức rõ hơn về vai trò của Liên Hợp quốc. Phải nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế, trong đó phải có cân đối và hài hòa. Đặc biệt, mỗi người ở những cương vị của mình cần phải làm tốt hơn nữa, có những hành động thiết thực. Đơn cử như việc vứt rác vào đúng nơi quy định, như bảo vệ môi trường, tránh những hành động có thể làm tổn hại tới những hệ sinh thái chẳng hạn, …
Dù ở góc độ nào đi nữa, tôi nghĩ rằng, mỗi cá nhân, một tiếng nói, một sức đóng góp, mỗi quốc gia thực hiện đúng những gì như Thủ tướng chúng ta đã phát biểu thì sẽ đóng góp vào sự nghiệp chung. Tôi tin rằng điều đó là điều có thể còn lâu dài nhưng sẽ thành công. Và thông điệp của Thủ tướng, tôi nghĩ rằng đây là một thông điệp hay và rất đúng thời điểm.
Nguồn tin: theo nguồn: http://vietnamnet.vn/:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn