Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Vị Tướng” có vai trò đặc biệt trong cuộc chiến chống giặc nội xâm!

Thứ sáu - 08/02/2019 22:50
Sự chỉ đạo quyết liệt và đầy mưu lược, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư đã trở thành kim chỉ nam soi sáng, thúc đẩy công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) mang lại kết quả chưa từng có và lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, làm nức lòng nhân dân cả nước. Trong cuộc chiến chống giặc nội xâm, Nhân dân tôn vinh Ông như một “vị Tướng” đặc biệt, có vai trò quan trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Vị Tướng” có vai trò đặc biệt trong cuộc chiến chống giặc nội xâm!

                

 
 
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về PCTN ngày 26/6/2018, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế””

Lịch sử dân tộc đã sinh ra người con ưu tú

Cách đây 62 năm khi miền Bắc vừa được lập lại hòa bình sau Hiệp định Giơ – ne – vơ, đất nước còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền, dưới mái đình thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội), có một lớp học 33 em ngồi trong một căn phòng tềnh toàng, gió thốc tứ bề vì không có cửa, bàn ghế cọc cạch, chân thấp chân cao… Trong lớp học đó, có một cậu học trò bé nhất lớp, để tóc mái chéo, hơi hoe vàng, nước da trắng xanh, không kể đông hay hè chỉ mặc mỗi một bộ quần áo nâu, đi chân đất – đó chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đáng kính của chúng ta ngày nay.

Nhà giáo già Đặng Thị Phúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ngày ấy, nhớ lại: “Giữa đám học trò lam lũ ấy, tôi có ấn tượng nhất với Nguyễn Phú Trọng bởi trò ấy nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp. Trong lớp, cậu rất thông minh, giơ tay phát biểu rất hăng say, chữ viết tròn và đẹp. Cuối năm học, vì trò Trọng là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, đứng vị trí thứ nhất nên được báo cáo điển hình trước toàn trường.…”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần gặp lại các thầy giáo cũ

Không chỉ bộc lộ tư chất của một cậu học trò nghèo, thông minh từ nhỏ, Tổng Bí thư còn là một người sống chí tình, chí nghĩa, thủy chung với bạn bè. Lá thư của liệt sĩ Doãn Duy Lực gửi cho Nguyễn Phú Trọng đề ngày 8/6/1964 hiện còn lưu giữ tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nơi Tổng Bí thư từng theo học, đã nói lên tất cả điều đó: “…Lực và Trọng đã sống với nhau trong những năm qua, những ngày ấy đáng nhớ lắm vì nó là kết tinh của một tình bạn chân thật…”.

Ở cơ quan Tạp chí Cộng sản, nơi Tổng Bí thư từng gắn bó với vai trò Tổng Biên tập còn lưu mãi hình ảnh là một người tận tâm với công việc, nghiêm khắc trong nghề nghiệp, sống có lý tưởng. “Là người từng nhiều năm được làm việc dưới quyền ông, được ông dìu dắt, chỉ bảo, chúng tôi học được rất nhiều ở ông tính chuyên cần, cẩn trọng, cần kiệm. Ông là mẫu người “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” như Bác Hồ từng dạy” – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê, nhận xét.

Người có học bao giờ cũng trọng cái danh và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ tầm thường chỉ biết lo vun vén quyền lợi cho cá nhân. Những năm gần đây, báo chí nói nhiều về nạn tham nhũng, về việc quan chức có quyền lực cất nhắc con cái, bố trí người thân vào những vị trí này nọ. Mỗi lần gia đình có hỷ sự, lợi dụng chức vị tổ chức tiệc tùng để kiếm chác… Nhưng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không. Dù đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng từ việc lớn đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn hay giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn để mưu lợi cho mình, cho người thân. Đám cưới con gái ruột, Tổng Bí thư không tổ chức rình rang mà chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình và sau đó gửi thiệp báo hỷ cho bạn tri kỷ biết để chung vui. Về thăm lại trường cũ, Tổng Bí thư từ chối để nhà trường bố trí xe ô tô đưa đón mà tự mình đi bằng xe máy đến. Gặp lại đồng môn từ phổ thông đến đại học, Tổng Bí thư luôn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người. Ông nói chức tước như phù vân, tình thầy trò, bè bạn còn mãi với nhau. “Khi chụp ảnh kỷ niệm lớp, anh vẫn nhường cho người cao tuổi ngồi trên. Lúc thư nhàn, anh vẫn về thăm những thầy cô giáo với lòng kính trọng, biết ơn chân thành” – Nhà báo Dương Đức Quảng, người cùng học Văn khóa 8 với Tổng Bí thư, chia sẻ.

Người xưa nói về khí tiết của kẻ sĩ cao lồng lộng: “Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất”. Phú quý không làm mê hoặc được, nghèo khó cũng không làm thay đổi được chí hướng, không một thế lực nào khiến họ chịu cúi đầu tùng phục. Thứ duy nhất mà họ theo đuổi và tôn thờ đến khi nhắm mắt xuôi tay là lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc mình. Lật giở từng trang lịch sử nước nhà, thời nào cũng có kẻ sĩ đẹp lung linh, nhất là về tài năng và nhân cách. Kẻ sĩ ấy là những hiền tài, hào kiệt, bậc thầy, là tấm gương đạo đức, bản lĩnh, chí khí, tinh thần. Trải từ thế hệ này qua thế hệ khác, ta từng nghe ông cha truyền lại những tấm gương như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ… đỗ đạt cao, giỏi giang trị quốc bình thiên hạ, vì dân vì nước, tấm lòng trong sạch. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng hội đủ các khí tiết đó của bậc tiền nhân. Nhưng ông không giống như họ, khi gian thần lộng hành triều chính thường chọn cách lui về ở ẩn cho yên thân…

Không phải ngẫu nhiên mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, Đại hội XII đã sáng suốt lựa chọn ra được một Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đủ tài năng và đức độ để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn nhiều thời cơ, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương – Giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn gọi ông là bậc nhân kiệt xuất hiện theo mệnh trời để yên dân, giữ nước. Cống hiến đã lớn, hào quang đã đủ ! Lẽ ra ở tuổi thập niên, ông có quyền buông rèm hồi ký. Nhưng vận nước cần, ông lại xuất thế với phẩm chất của bậc sĩ phu – hào kiệt.
 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định”.


Đầu năm 2018, khi nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khiêm nhường: “Suốt 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà có làm được một số việc và từng bước trưởng thành. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi làm được là vô cùng nhỏ bé so với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đi trước; sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những nơi tôi từng sinh sống, công tác, học tập, làm việc”.

Cái dũng ngất trời của “vị Tướng” diệt giặc nội xâm

Có lẽ chưa bao giờ, công cuộc PCTN ở nước ta lại quyết liệt và thu được nhiều thành công như thời gian vừa qua. Đến thời điểm này nhìn lại những con số đã làm được trong công cuộc chống tham nhũng thời gian qua có thể xem như một kỳ tích. Chưa có giai đoạn nào trong lịch sử dân tộc lại có nhiều cán bộ cấp cao bị “trảm” như vậy, trong đó có 01 Ủy viên Bộ Chính trị; 04 Ủy viên TW đương nhiệm; 10 cán bộ nguyên là Ủy viên TW và kết quả đó được thực hiện chỉ trong vòng 5 năm (2013 – 2018), trong đó chủ yếu là 2 năm 2017 và 2018… Vẫn biết kết quả đó trước hết là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng – người khởi xướng và giữ vai trò quyết định trong chiến dịch “đốt lò”. Sự chỉ đạo quyết liệt, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư đã trở thành kim chỉ nam diệu kỳ thúc đẩy công cuộc PCTN lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp, cả trong những lĩnh vực công tác mà lâu nay được cho là “nhạy cảm”, cả trong các cơ quan có chức năng PCTN…

Trong cuộc chiến cam go này, có những giai đoạn tưởng chừng như bị chùng xuống, khiến người dân hoài nghi sự “nguội lạnh”, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã kịp thắp lên ngọn lửa niềm tin bằng tất cả dũng khí và mưu lược của mình, với những câu nói đầy chất “thép”: “Cử tri và nhân dân cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh PCTN”, “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”, “Việc xử lý cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn”, “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”…

Đó không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu của Đảng và Nhà nước mà đồng thời là thông điệp, là lời tuyên chiến đanh thép của Đảng và Nhà nước, tỏ rõ sự không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng, với những quan chức tha hóa.

Có thể nói công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công tác PCTN, chống “lợi ích nhóm”, chưa bao giờ quyết liệt và nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân như thời gian này. Khách quan nhìn nhận, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTN, đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị qua các thời kỳ rất quan tâm, luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kết quả không như kỳ vọng. Đã có một thời kỳ, uy tín của Đảng bị thử thách ghê gớm, sự nghiệp của Đảng, sự tồn vong của chế độ như con thuyền chòng chành giữa những cơn sóng dữ…

Còn trong thời gian này, mệnh lệnh của Tổng Bí thư đã chạm đến trái tim của những người cộng sản chân chính, của cả dân tộc, phá tan những hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước. Hàng loạt cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng bị kỷ luật, bị khởi tố, xử phạt tù với mức án rất nghiêm khắc trong thời gian qua là một minh chứng hùng hồn về công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước do người đứng đầu Đảng và Nhà nước khởi xướng và chỉ đạo, không có vùng cấm, không còn những “đặc ân” trong việc xử lý cán bộ, đảng viên và không có chỗ cho những kẻ cơ hội, xu nịnh, luồn lách…

Vâng, không có chuyện chùng lại, mệt mỏi, nhụt chí trong chống tham nhũng, như một số người hoài nghi. Bởi “lòng dân đang lên như thế, ngay cả quốc tế cũng phải thừa nhận và đánh giá cao” – Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri 2 quận Ba Đình và Tây Hồ (Hà Nội), sáng 24/11/2018. Thế nhưng bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý: “… trong cách làm phải có biện pháp chứ không phải cứ hăng hái là được”.

Không phải cứ lòng dân phấn chấn mà nóng vội đốt cháy giai đoạn, chạy theo số lượng. Hiểu theo chỉ đạo của Tổng Bí thư là phải làm thật chắc “vụ nào ra vụ đó”, không nóng vội, tạo ra kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Hay nói cách khác là trách nhiệm của cơ quan tố tụng phải điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, đảm bảo đúng người đúng tội, để tội phạm “tâm phục, khẩu phục”, ăn năn, hối cải, mới có tác dụng răn đe xã hội…               


Trước sự sốt ruột của một số cử tri ở quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội), về một số vụ tham nhũng xử lý còn chậm, tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 8/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích: “Quy trình xem xét rất phức tạp vì phải qua các bước, đưa ra phải có chứng cứ, có sức thuyết phục. Xử thế nào phải cho mọi người “tâm phục khẩu phục”, phải nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn. Ta xử không phải cốt thật nặng mới là nghiêm mà phải xử để răn đe, ngăn ngừa, để không xảy ra nữa mới là tốt; chống cũng là để xây…”. Trước đó, ngày 29/11/2017, tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công tác PCTN thời gian qua được triển khai bài bản, hiệu quả nhưng còn nhiều việc phải làm: “Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông… Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn làm… Chúng ta phải đi từng bước vững chắc, theo kinh nghiệm của chúng ta”.

Thực hiện nghiêm lệnh của Tổng Bí thư, 5 năm qua, Ban chỉ đạo TW về PCTN cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng các cấp đã làm tốt vai trò của mình. Hầu hết các vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ đại án phải điều tra, truy tố, xét xử rất phức tạp nhưng không có vụ án nào để lại dư luận không tốt, không có bị cáo nào kêu oan… Bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị) khi được Tòa cho nói lời sau cùng trước khi nghị án (tháng 1/2018) đã bộc bạch về một phiên tòa đổi mới, dân chủ, công khai, khách quan, được tiến hành theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Đối mặt với án phạt nghiêm khắc, bị cáo Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhà nước, xin lỗi nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ lao động ngành dầu khí, xin lỗi người lao động ngành giao thông vận tải, người dân thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, nguyên ĐBQH, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh ăn năn, hối cải: “Bị cáo kính mong HĐXX chuyển lời xin lỗi, ân hận của bị cáo đến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bị cáo thấy rất ân hận…Bị cáo thực sự nhiều đêm không ngủ, rất hối hận. Bị cáo muốn xin lỗi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xin lỗi nhân dân cả nước”…

Đến hết năm 2018 đã có 60 trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo, khai trừ, cách chức, trong đó có 14 cán bộ là Ủy viên đương nhiệm và nguyên Ủy viên Trung ương. Đã có hơn 40 vụ tham nhũng được xử lý với hơn 500 bị cáo, 11 án tử hình, 20 án chung thân, 459 bị cáo tù có thời hạn. Riêng trong năm 2018, TAND các cấp đã thụ lý mới 340 vụ với 827 bị cáo. Tổng số vụ án phải giải quyết trong năm 2018 là 368 vụ với 906 bị cáo, với tổng giá trị tài sản kiến nghị phải thu hồi gần 200.000 tỷ đồng. Trong số các vụ án đã xét xử, tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5%…


“Trong 5 năm qua (2013 – 2018), cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái…”

(nguồn: Nhân Dân điện tử ngày 18/8/2018)


“Từ năm 2013 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400.000 tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.
(nguồn: Nhân Dân điện tử ngày 18/8/2018)

Chống giặc “nội xâm” để đất nước thịnh vượng

Lần đầu tiên trong lịch sử 88 năm của Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, xử phạt tù với mức án lên đến 30 năm tù, hàng loạt tướng công an bị kỷ luật và “sa lưới” vì nhúng chàm. Và mới đây, cựu Chủ tịch HĐQT BIBV Trần Bắc Hà bị tống giam… chứng tỏ công tác chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ; Nhưng mục tiêu mà Đảng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước hướng đến là sự tồn vong của chế độ và sự thịnh vượng của đất nước. Một khi đất nước còn nhiều vụ án tham nhũng, còn nhiều quan chức bước ra trước vành móng ngựa, thì đất nước chưa thể ngẩng cao đầu trong thế giới văn minh.

Hơn 500 năm trước, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) vừa mới ngồi lên ngai vàng đã cho khẩn trương bổ sung hoàn thiện Bộ luật Hồng Đức để tận trừ nạn tham nhũng. Vì nhà vua sớm nhận ra nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất khiến đất nước chìm trong quốc nạn, tướng sĩ thì lo hưởng lạc, quan lại chia bè phái, người dân đói khổ oán thán… Năm 1947, trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp đang hết sức khốc liệt nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian để hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, để giáo huấn cho cán bộ, đảng viên về tinh thần “liêm chính”, “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Tiếc là ngày nay có nhiều người, kể cả những cán bộ cấp cao của Đảng đã quên lời dạy của Bác, quên sự nghiệp của dân tộc để vơ vét, làm giàu bất chính cho bản thân và phe nhóm.


Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), sáng 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công cuộc chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, gian nan, nhưng đấu tranh là để làm cho tình hình tốt lên chứ không phải làm xấu đi; làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ. Thực tế cho thấy nhờ đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng và làm tốt công tác xây dựng Đảng đã góp phần thúc đẩy trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại có hiệu quả. Con số tăng trưởng 6,81% của năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt 6,98%, ước cả năm sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%) cùng với bảng xếp hạng cao trong thị trường đầu tư quốc tế đã khẳng định công cuộc PCTN không làm “nản chí” ai đó dẫn đến kéo lùi sự phát triển mà ngược lại, chính là nguồn lực cho sự phát triển hôm nay.

Giáo sư Zachary Abuza, Học viện chiến tranh Mỹ, nhận xét: “Kể từ tháng 12/2016, thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức mạnh và ổn định. Hiện nay, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”

“Lò lửa” chống tham nhũng của Đảng đang ngùn ngụt cháy, làm nức lòng nhân dân cả nước nhưng cũng đang bước vào giai đoạn mới, gay go, thậm chí ác liệt hơn khi mà còn đó những quan tham vẫn chưa lộ diện, vẫn còn đó tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”… Song chúng ta tin “lò lửa” đó sẽ không bao giờ nguội lạnh mà tiếp tục cháy để thiêu đốt tất cả quan tham thành tro bụi, cho đến khi nào “hết củi”. Bởi người “đốt lò” và nuôi dưỡng ngọn lửa nghìn độ đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng – một người có khí tiết lồng lộng, hội đủ các yếu tố của một kẻ sĩ vừa có tâm, có tài, vừa có dũng. Từ mùa Xuân này, hơn 90 triệu người dân Việt Nam có quyền hy vọng về một bộ máy chính quyền trong sạch, liêm chính trong tương lai gần; có quyền hy vọng về một đất nước Việt Nam thịnh vượng, không còn nạn tham nhũng./.
 

“Các chuyên gia quốc tế cho rằng sự nhất quán trong công cuộc chống tham nhũng đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực từ dư luận trong nước cũng như giới đầu tư nước ngoài”.
(nguồn: Zing.vn)

Tác giả bài viết: Minh Trung

Nguồn tin: phaply.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây