Những đại án kinh tế mang dấu ấn của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Thứ sáu - 21/09/2018 03:32
Hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, trước đó là gần 6 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại dấu ấn đặc biệt trong việc triệt phá, xét xử các đại án kinh tế.
Những đại án kinh tế mang dấu ấn của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang

 

Những đại án kinh tế mang dấu ấn của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang


Lúc 10 giờ 5 phút ngày 21/9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần tại Hà Nộisau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo. Ông hưởng thọ 62 tuổi (1956-2018).

Hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, trước đó là gần 6 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, dấu ấn chính trường của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng.

Tháng 8/2011, ông Trần Đại Quang được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Công an. Hơn 1 năm sau, ngày 21/10/2012, ông Trần Đại Quang xuất hiện trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên VTV1 để nói về các vụ án kinh tế trọng điểm.

Ở thời điểm đó, ông Trần Đại Quang thông tin: “Từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 891 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, tội phạm về chức vụ, tăng 583 vụ so với năm 2011”.

Khi ông Trần Đại Quang còn giữ chức Bộ trưởng Công an, đại án đầu tiên phải kể đến là vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm với những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng tại Vinalines. Tháng 5/2015, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án, Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã bỏ trốn. Khi đó, ông Trần Đại Quang đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ khẩn trương truy nã đối với Dương Chí Dũng. Sau hơn 3 tháng lẩn trốn, Dương Chí Dũng đã bị lực lượng Công an bắt giữ vào ngày 4/92012.

Liên quan đến việc Dương Chí Dũng bỏ trốn, trả lời chất vấn trước Quốc hội  ngày 14/6/2012, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã thẳng thắn thừa nhận: "Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ tại sao ông Dũng bỏ trốn, có lộ lọt thông tin hay không để xử lý theo quy định pháp luật? Cơ quan cảnh sát điều tra cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ".

Sau đó, đúng như lời Bộ trưởng Trần Đại Quang hứa trước Quốc hội, Bộ Công an đã truy tìm ra người để lộ lọt thông tin, tiếp tay cho Dương Chí Dũng trốn thoát, đó chính là cựu đại tá Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng) - nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng cùng một số đồng phạm.

Đại án thứ hai là vụ khởi tố, điều tra đối với Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm vào tháng 8/2012. Dưới chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang khi đó, lực lượng công an đã chỉ ra 4 tội danh của bầu Kiên bao gồm: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyễn Đức Kiên bị tuyên án 30 năm tù giam vì 4 tội danh nói trên trong phiên sơ thẩm 2014 và bị tuyên án giữ nguyên án sơ thẩm trong phiên phúc thẩm 2014.

Không chỉ vậy, dưới thời Chủ tịch nước còn làm Bộ trưởng Bộ Công an, nhiều vụ án lớn khác cũng đã được phá như vụ Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ và đồng phạm đã có hành vi cố ý làm trái với số tiền sai phạm gần 4.000 tỷ đồng.

Vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank) với số tiền sai phạm hàng trăm tỷ đồng; Vụ tham nhũng xảy ra ở Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam liên quan tới Trần Quốc Đông và đồng phạm; Vụ khởi tố, bắt giam Hà Văn Thắm cựu Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) và đồng phạm; Khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", vụ điều tra các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam...

"Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến cam go. Đây là giặc nội xâm, đòi hỏi người thực thi có bản lĩnh và hành động quyết liệt. Loại giặc này có nhiều vỏ bọc che chắn, có thể bằng tiền, quyền, quan hệ và hành động rất tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt...", cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng nói với các cử tri tại quận 3, TP.Hồ Chí Minh vào chiều ngày 1/8/2016. Đây là buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên sau khi ông đươc Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ tịch nước hồi tháng 4/2016.

Từ năm 2016 đến 2018, mặc dù không còn là Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo phá các vụ án tham nhũng nhưng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn sát sao trong cuộc chiến với “giặc nội xâm”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị ngành Tòa án chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh vụ án kinh tế, tham nhũng; kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới nhằm sớm trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát.

Tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thẩm phán làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự liêm chính, chí công, vô tư; phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí. Thông qua mỗi vụ án, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu với Ðảng, Nhà nước và kiến nghị các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu.

Chia sẻ về đấu tranh phòng chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4 (TP.HCM) vào sáng ngày 7/7/2017, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “Là người trong cuộc mới thấy rằng đấu tranh rất cam go, quyết liệt”.

Ông cũng thẳng thắn: “So với mục tiêu, mong muốn, còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, vì tình trạng này vẫn rất phổ biến và có nguy cơ lan rộng ra nhiều lĩnh vực”.

Dẫu vậy, ông khẳng định rằng: “Phải kiên quyết xử lý thật nghiêm các đối tượng này. Như vậy mới đủ sức giáo dục cho các đối tượng khác không dám tham nhũng. Như thế cuộc đấu tranh của chúng ta mới đạt hiệu quả”.

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây