Thủ tướng tuổi 30 và tiếng lòng dân chúng

Thứ tư - 25/10/2017 22:31
(Phapluat News) - Yếu tố quyết định đưa Sebastian Kurz trở thành Thủ tướng trẻ nhất thế giới không phải là tuổi trẻ, phong cách mới, mà là những chủ trương, chính sách thấm vào lòng người dân.
Thủ tướng tuổi 30 và tiếng lòng dân chúng

 

Hiện tượng đảng Nhân dân Áo (OVP) giành thắng lợi lớn trong bầu cử nghị viện Áo vừa qua gắn liền với cá nhân ông Sebastian Kurz với tư cách là Chủ tịch đảng, người sắp trở thành Thủ tướng của Áo. Hãy cùng điểm lại những nét đặc sắc của Sebastian Kurz:

 - Tuổi trẻ tài cao. Thế giới đã biết đến một số nhà lãnh đạo trẻ như Justin Trudeau trở thành Thủ tướng Canada lúc 44 tuổi, Emmanuel Macron giữ cương vị Tổng thống Pháp năm 40 tuổi. Và nay, Sebastian Kurz, 31 tuổi, sắp là Thủ tướng trẻ nhất thế giới.

Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz, thủ tướng trẻ nhất, Đinh Duy Hòa

Sebastian Kurz, 31 tuổi, sắp là Thủ tướng trẻ nhất thế giới.

 -  Phong cách trẻ trung, hấp dẫn: Cử tri ấn tượng bởi một hình ảnh khác xa các chính trị gia đứng tuổi, ăn mặc nghiêm túc. Với Sebastian Kurz, đó là một phong thái dễ gần, sơ mi mở, không cà vạt, tóc hất ngược mạnh mẽ.

 -  Xuất thân bình dân (hồi nhỏ đi học trường công, theo ông kể trong lớp ông có rất nhiều bạn học có nguồn gốc nhập cư), làm chính trị sớm, sớm đến mức đang học đại học đành bỏ dở để làm chính trị.

Mấy điểm trên mang lại nhiều lợi thế lớn cho ông trong vận động tranh cử và giành phiếu cử tri cho đảng mình. Tuy nhiên, đây không phải là những yếu tố quyết định cho thắng lợi của Sebastian Kurz. Cái gì mới là yếu tố quyết định?

Phải nhìn bối cảnh nước Áo để thấy sự khôn ngoan, chính xác trong hoạch định đường lối, chính sách của Sebastian Kurz trong bầu cử. Và nếu đề cập đến bối cảnh này đương nhiên phải nói đến bối cảnh chung của châu Âu: vấn đề người nhập cư, khủng bố, an ninh, an toàn xã hội, Brexit...

Trước Áo mấy tuần, cuộc bầu cử Nghị viện liên bang Đức có kết quả là Liên minh cơ đốc dân chủ (CDU) và đảng Xã hội Đức (SPD) trong liên minh đảng cầm quyền thất bại lớn, đảng Sự lựa chọn của nước Đức (AFD) lần đầu tiên có ghế trong nghị viện với 12,6% số phiếu.

Một đảng dân tộc cực hữu với chính sách chống người tỵ nạn, nhập cư, với những khẩu hiệu ca ngợi những người lính Đức trong 2 cuộc chiến thế giới, thậm chí có chính trị gia nói lần đầu tiên có đại diện phát xít mới trong nghị viện nước Đức, một đảng chính trị như vậy lại có khả năng lôi cuốn, chinh phục một bộ phận cử tri!

Có thể nói, kết quả bầu cử của AFD làm rung chuyển bàn cờ chính trị nước Đức và ít nhiều tác động ra ngoài nước Đức. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng đây là sự trả lời của một bộ phận dân chúng đối với liên minh đảng cầm quyền. Đảng của bà Thủ tướng Merken 2 năm trước với chính sách biên giới mở, chấp nhận số lượng người nhập cư lớn giờ đây đã mất đi một phần lá phiếu của người dân. Thậm chí những vấn đề rất “đời thường” không được chú ý đến cũng dẫn đến thái độ quay lưng của cử tri đối với đảng vốn trước đây mình bỏ phiếu lựa chọn.

Một bài phân tích trên tờ Bild online với tiêu đề “Hãy lắng nghe người dân” đã ví von hóm hỉnh rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả bầu cử như vậy phải tìm ở nhà vệ sinh học đường. 

Tác giả viết, con em chúng ta hàng ngày học hành tại các trường công lập, khi có nhu cầu, bọn chúng rất hoảng khi vào nhà vệ sinh vì quá bẩn, vì tắc ứ... Nếu có ai đó lên tiếng thì các chính trị gia liên bang nói: À, chúng ta là nhà nước liên bang, trường học thuộc thẩm quyền các bang, các bang phải lo chuyện này chứ. Chính trị gia tại các bang thì lại đổ tại chuyện này, chuyện kia. Bọn trẻ con đi học chẳng quan tâm nhà vệ sinh phải là liên bang hay bang, mà là khi có nhu cầu, chúng vào thì nhà vệ sinh ngon lành, không tắc ứ.

Các bác chính trị gia mấy năm liền không xử lý được thì người dân chúng em đành bất tín nhiệm các bác và chỉ có thể làm được điều đấy qua bầu cử nghị viện.

Tương tự là vấn đề người tị nạn. Người dân không thể hiểu được tại sao một người tị nạn không đáp ứng quy định được nhập cư thì cái quyết định hành chính để đưa người đó ra khỏi nước Đức lại có thể kéo dài 6, 7 tháng, thậm chí lâu hơn nữa. Hành chính kiểu gì nhỉ? Trong bối cảnh như vậy, tuyên truyền vống lên nào là nhà nước phải chi nhiều tiền cho người tị nạn, nào là tự nhiên chẳng đóng góp gì, người nhập cư cũng hưởng các chế độ an sinh xã hội như chúng ta... của đảng AFD rất dễ có đất sống, rất dễ đi vào lòng người.

Quay trở lại nước Áo, Sebastian Kurz đã khôn khéo đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp với một bộ phận lớn người dân nếu đảng của ông thắng cử, đó là chính sách nhập cư hạn chế, đó là đóng cửa các tuyến đường nhập cư tại vùng Balkan và Địa Trung Hải, đặt ra các điều kiện để xem xét các chế độ an sinh xã hội cho người nhập cư.

Ông không chống nhập cư, người tị nạn vào Áo, mà là hạn chế và để hạn chế được thì phải phòng từ xa, tức là các nẻo đường đưa người tị nạn đến châu Âu, đến Áo.

Về đối ngoại, đó là cải cách mạnh EU, không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU... Những chủ trương, chính sách này đã thấm vào lòng người, lại được quảng bá bởi một hình ảnh trẻ trung, năng động nên độ ăn vào lòng người lại càng lớn.

Nắm suy nghĩ, mong muốn của người dân hiện hữu khá rõ trong tư duy và hành động của Sebastian Kurz, nhờ thế đảng của ông đã giành chiến thắng trong bầu cử.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây