"Thống nhất giờ làm trong cả nước không phù hợp với địa phương"

Thứ năm - 02/05/2019 22:04
Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến rộng rãi, từ cơ quan bộ, ngành cho tới người dân. Nhiều người dân cho rằng, nội dung dự thảo "thống nhất giờ làm trong cả nước" là chưa hợp lý.
"Thống nhất giờ làm trong cả nước không phù hợp với địa phương"

Tin tuc - 'Thong nhat gio lam trong ca nuoc khong phu hop voi dia phuong'
Chị Nguyễn Hương Liên (Bưu điện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, hiện tại giờ làm việc của đơn vị chị là từ 7h sáng tới 11h30 (vào mùa hè). Chiều bắt đầu làm việc từ 13h30. Thời giờ làm việc này đang rất phù hợp với lịch sinh hoạt của người dân ở địa phương.

Chị Liên cũng cho biết, chị làm ở cấp huyện, môi trường làm việc cũng như giao thông ở đây rất thuận lợi, không bị tắc đường. Vào mùa hè nếu đến 8h30 mới bắt đầu đi làm là quá muộn, thêm vào đó thời gian nghỉ giữa trưa chỉ có 60 phút (1 tiếng) là không hợp lý vì chị thường phải đón con và về nhà nấu cơm cho con ăn rồi mới đưa các con đi học và đi làm.

 

'thong nhat gio lam trong ca nuoc khong phu hop voi dia phuong' hinh anh 1

Chị Nguyễn Hương Liên (bên phải) không đồng ý việc thống nhất giờ làm chung trong cả nước.

“Thường ở vùng nông thôn, mọi người thường dậy rất sớm, nếu cơ quan công sở làm việc muộn, người dân sẽ phải chờ đợi rất lâu, như vậy không phù hợp. Theo tôi, không nên có quy định cứng nhắc như vậy” - chị Liên nói.

Không riêng gì công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính ở vùng nông thôn, nhiều người dân cũng không đồng tình với phương án thống nhất giờ làm việc chung trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Nam (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng: “Việc thống nhất giờ làm trong cả nước sẽ không phù hợp vì mỗi địa phương có điều kiện, hoàn cảnh thời tiết khí hậu khác nhau. Ví dụ như các tỉnh miền Trung vào mùa hè rất nóng, không thể 8h30 mới bắt đầu làm việc được. Người dân cần phải được phục vụ sớm để còn về nhà đi làm đồng, hoặc lo công việc trong nhà”.

Tại các thành phố lớn, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm trái chiều và rất khác nhau về đề xuất thống nhất giờ làm chung.

Chị Phạm Thị Hoài (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, nên tùy đặc thù từng công việc mà quy định thời giờ làm việc. “Tuy nhiên, nếu là cơ quan hành chính liên quan tới thủ tục cho người dân thì phải thống nhất, còn với công việc cần kết quả, không liên quan tới quá trình thì có thể bỏ qua việc quản lý theo giờ giấc” - chị Hoài nói.

 

'thong nhat gio lam trong ca nuoc khong phu hop voi dia phuong' hinh anh 2

Chị Phạm Thị Hoài cho rằng có thể thống nhất giờ làm chung nhưng không nên để giờ làm muộn quá (8h30).

Theo chị Hoài, việc thống nhất giờ làm chung trong các cơ quan hành chính cũng sẽ không tác động nhiều tới việc ùn tắc giao thông, bởi thực tế, những công nhân, viên chức và những người dân tham gia làm dịch vụ công không nhiều. Tuy nhiên, theo chị Hoài thì không nên áp dụng giờ làm việc quá muộn. Nếu thống nhất thì nên để mùa hè vào lúc 7h30 còn mùa đông thì làm việc vào lúc 8h là hợp lý.

“Theo tôi, vấn đề tắc đường không phải nằm ở vấn đề thống nhất giờ làm chung, bởi thường thì tỷ lệ học sinh, sinh viên đi học giờ cao điểm rất cao, đây mới là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tắc đường. Theo tôi, nên mở rộng hệ thống giao thông thay vì nghĩ tới chuyện điều chỉnh giờ làm” - chị Hoài nhận định.

Còn theo anh Nguyễn Viết Duẫn (Cầu Giấy, Hà Nội), việc thống nhất giờ làm trong cả nước có thể giúp cho việc kết nối hệ thống cơ quan hành chính được thông suốt từ trung ương tới địa phương, nhưng điều đó sẽ gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống và sinh hoạt của đông đảo công chức, viên chức. Nhất là khi mỗi địa phương, mỗi vùng miền có những thói quen sinh hoạt khác nhau. 

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thì cho rằng: "Nếu thống nhất được giờ làm trong cả nước là tốt, nhưng điều này rất khó. Bởi phải xác định các cơ quan hành chính phục vụ cho người dân, cơ quan hành chính sự nghiệp và các đơn vị khác, nếu lấy giờ làm chung là 8h30 thì muộn quá, không thể để cho người dân chờ đợi lâu".

Cũng theo ông Huân, phải đánh giá tác động của đề xuất này tới vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động. Không phải mọi người có ý kiến, kiến nghị gì tổ soạn thảo cũng đưa vào được.

Đề xuất thống nhất giờ làm thêm được Bộ LĐTBXH đưa ra với  lý giải là do hiện nay thời gian áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan nhà nước không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương. Trong khi các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, còn đa số các địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè hoặc 7h30 với mùa đông. Ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng có sự khác nhau. Điều này chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển. Vì vậy, trong dự thảo này, Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án:

Phương án 1, bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban tỉnh, thành phố do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định).

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây