Ảnh minh họa: K.T.
Chẳng biết người ta nghĩ thế nào khi vô tư bỏ những tờ pô-li-me vào phong bì và đưa cho thầy cô? Còn tôi, lòng cứ thấy gờn gợn những nỗi niềm khó tả mỗi khi nghĩ đến việc biến tiền thành quà cáp.
Có lẽ tôi quá cổ hủ khi mà nhiều người mặc nhiên thừa nhận sự tiện ích của phong bì, bởi phụ huynh chẳng cần phân vân tính toán mua quà gì cho hợp và thầy cô cũng dễ dàng sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, người thầy có thật sự vui mừng khi nhận hàng chục phong bì như thế?
Sa ngã trước đồng tiền, dùng mọi thủ đoạn để gợi ý quà cáp, phong bì không phải là không tồn tại trong đội ngũ nhà giáo. Nhưng thẳng thắn mà nói thì những người ấy chỉ là thiểu số. Tiếc là dư luận xã hội rất dễ quy chụp, đánh đồng đội ngũ nhà giáo "thích tiền", "mê tiền" và nhanh chóng quy đổi lòng biết ơn, sự tri ân thành "thóc".
Xin đừng nhầm tưởng! Không phải ai cũng thích tiền! Không phải người thầy nào cũng muốn quà lớn, phong bì nặng! Không phải người thầy nào cũng "nâng như nâng trứng" trò tặng quà và ghẻ lạnh, ghét bỏ trò chẳng nhớ quà cáp thầy cô.
"Tôn sư trọng đạo" là một nét đẹp truyền thống của người Việt ta. Từ xưa, những người thầy với cái tâm trong sáng đã dệt nên biết bao câu chuyện cảm động về tình thầy nghĩa trò. Vậy mà ngày nay, mối quan hệ thầy - trò bị không ít người làm biến tướng, thương mại hóa.
Người ta tặng quà cho thầy cô chỉ cốt để lấy lòng hòng nhờ vả, gửi gắm, nâng điểm, xin thành tích. Để rồi khi không đạt được mục đích thì gay gắt: "Quà tôi đi cho cô đầy đủ, lễ tết không để cô thiếu thốn gì, sao con tôi lại chẳng được học sinh giỏi?". Một người bạn lớn tuổi của tôi kể lại câu chuyện ấy trong nỗi xót xa và lòng nặng trĩu ưu tư.
Thì ra những món quà được gói ghém cẩn thận kia không đơn thuần là lời tri ân thầy đã dạy bảo con tôi tận tình. Nó còn mang nặng tính toán thiệt hơn, cho đi chừng này phải nhận lại điều xứng đáng.
Đó là còn chưa kể nhiều phụ huynh vừa gói quà vừa mắng xa xả thầy cô thế này thế kia, hoặc vừa bỏ tiền vào phong bao vừa nói huỵch toẹt với con rằng phải tốn chừng này để "nuôi" thầy cô. Đáng buồn thay cho những người cha người mẹ tự làm khổ mình và làm hư con cái!
Qua lời con trẻ, không ít phụ huynh nhầm tưởng thầy cô gợi ý quà cáp. Qua lời nhắc nhở của giáo viên về tình hình học tập sa sút của con em, không ít phụ huynh cho rằng cô giáo "nhắc khéo" quà cáp. Những đồn thổi không đáng có, những câu chuyện tự thêu dệt về thầy cô "đòi" quà vô hình trung làm mất đi mối quan hệ tôn kính giữa thầy cô và phụ huynh.
Thế thì còn đâu hình ảnh người thầy mẫu mực, đáng kính trong mắt trò? Có chăng chỉ là hình ảnh người thầy méo mó một cách thảm thương trong tâm trí của học trò. Bất kỳ mối quan hệ nào dính dáng đến đồng tiền cũng đều nhạy cảm. Quan hệ thầy trò "sặc" mùi tiền lại càng đáng sợ hơn nữa!
Bởi vậy, Tết đến, nhiều thầy cô sợ lắm những chiếc phong bì. Dẫu chỉ là cánh thiệp, cành hồng hay câu chúc qua điện thoại, tin nhắn nhưng chỉ cần đó là lời thật tâm thì lòng người thầy đã đủ ấm áp vô cùng.
Xin đừng đem vật chất để đo lòng người!
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn