Ban Tổ chức Trung ương vừa giới thiệu chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ. Theo đó, cơ quan này mong muốn hoàn thiện cơ chế; hướng tới mục tiêu "bốn không" gồm: không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy.
Trong các giải pháp đưa ra, cơ chế, chính sách sẽ được điều chỉnh theo hướng xoá bỏ những đặc quyền, đặc lợi, tiến tới cán bộ lãnh đạo, quản lý được hưởng đúng quyền lợi gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây cũng là cách mở ra nhiều cơ hội để cán bộ, người lao động phấn đấu, thi tuyển cạnh tranh vào các chức danh lãnh đạo.
Các chính sách về nhà ở, đất và các điều kiện làm việc đối với cán bộ, công chức cũng được Ban Tổ chức Trung ương đề nghị điều chỉnh theo hướng nhiều chủ thể tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Ban muốn từng bước đảm bảo cán bộ, công chức đủ sống bằng lương. Tiêu chuẩn đãi ngộ với cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ được khoán vào lương.
Ban Tổ chức Trung ương đề xuất tăng cường đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội hay dư luận quần chúng nhân dân nhằm có thêm kênh thông tin kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời biểu hiện chạy chức, chạy quyền; thiết lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố cáo về hiện tượng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Biện pháp nữa được đề xuất là tạo các diễn đàn giám sát và phản biện xã hội; xây dựng không khí dân chủ thực sự để cán bộ, đảng viên và nhân dân cho ý kiến góp ý, phản ánh về chạy chức, chạy quyền.
Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018,. Ảnh: P.V |
Chạy chức, chạy quyền chính là tham nhũng
Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực, phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ lần đầu tiên được Ban Tổ chức đưa ra có ý nghĩa và tác động to lớn, tích cực đến uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng. Những việc này nếu áp dụng sẽ xây dựng lòng tin vững chắc trong nhân dân và xây dựng xã hội tốt đẹp; dù rất khó, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cán bộ nhưng không thể không làm vì đã đến lúc cần có biện pháp ngăn chặn.
Tổng Kiểm toán nhà nước góp ý, vấn đề kiểm soát quyền lực cần được thực hiện theo nguyên lý "ở đâu có quyền lực thì ở đó cần có chế tài để kiểm soát". Việc này tránh độc quyền, tránh lạm quyền và lộng quyền cũng như vụ lợi cá nhân, ngăn ngừa sự tha hoá của người có quyền.
"Về giải pháp, tôi còn nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói nhốt quyền lực trong lồng thể chế, chỉ đạo này bao hàm kiểm soát quyền lực. Cái lồng đó chính là hiến pháp và pháp luật, là quy định của Đảng, là cơ chế của cơ quan đơn vị nên cần minh bạch thông tin, cần có sự kiểm tra và giám sát, kỷ luật và tăng cường tốt nguyên tắc tập trung dân chủ", ông Phớc nói.
Theo Tổng kiểm toán cần nhấn mạnh ngoài quyền lực thì quyền lợi là vấn đề liên quan đến hành vi của cá nhân, liên quan đến chương trình, dự án, đất đai... Theo ông, suy cho cùng, chạy chức chạy quyền chính là tham nhũng. Vì vậy để giảm tham nhũng, nhà nước phải khiến những kẻ tham nhũng không dám tham nhũng vì sợ bị trừng trị, không thể tham nhũng vì quy định của pháp luật chặt chẽ... và không cần tham nhũng vì thu nhập đầy đủ, danh dự lớn lao không thể đánh đổi.
Để kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền, Bí thư Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho rằng phải thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo đến bổ nhiệm, khi có "muốn thì cũng khó".
"Bằng mọi biện pháp phát hiện các cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, dùng vật chất, tình cảm để mua chuộc. Những người này phải loại ngay từ đầu, nếu có trong quy hoạch thì đưa ra ngoài quy hoạch, đến kỳ bổ nhiệm thì không tiến hành bổ nhiệm lại", ông Tiến đề xuất.
Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, để kiểm soát quyền lực thì phải chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu, việc công khai tài sản và giám sát thực hiện cam kết của cán bộ, công chức nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. "Phải so sánh công khai, minh bạch giữa các chức danh tương đương, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ", ông nói.
Sau khi thảo luận, thống nhất tại Hội nghị ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2018, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu Bộ chính trị, Ban bí thư ban hành quy chế "Kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ". Dự kiến quy chế gồm các nội dung: Sự cần thiết; Mục tiêu, đối tượng và phạm vi điều chỉnh; Đánh giá tình hình, nguyên nhân; Nội dung, phương pháp đấu tranh, chống chạy chức, chạy quyền; Chế tài xử lý, khen thưởng, kỷ luật; Tổ chức thực hiện. |
Tác giả bài viết: Hoàng Thùy
Nguồn tin: vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn