Tại sao học sinh viêm cầu thận ở Nghệ An có thể chết?

Thứ năm - 23/02/2017 03:46
PL News - Chỉ biểu hiện bằng viêm họng nhưng sau đó trẻ có thể bị bí đái, phù, mệt mỏi do viêm cầu thận cấp. Ngoài ra liên cầu khuẩn còn có thể khiến trẻ bị viêm khớp, viêm van tim… Mới đây, 20 học sinh tại Nghệ An đã được phát hiện bị viêm cầu thận nghi do liên cầu khuẩn, trong đó 2 em đã tử vong.
Bác sĩ khám sàng lọc cho học sinh sau khi 20 em bị phát hiện viêm cầu thận ở Nghệ an. Ảnh TPO
Bác sĩ khám sàng lọc cho học sinh sau khi 20 em bị phát hiện viêm cầu thận ở Nghệ an. Ảnh TPO

Ngày 23.2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết, liên cầu khuẩn có hàng chục týp, một số týp lây nhiễm vào cơ thể người ở da, vùng họng, gây viêm da hoặc viêm họng. Liên cầu khuẩn cũng lây qua hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh.

Khi liên cầu khuẩn gây bệnh, cơ thể thường sinh ra kháng thể để chống lại liên cầu khuẩn nhưng đồng thời cũng có thể làm xuất hiện các biến chứng gây viêm cầu thận cấp, viêm van tim, viêm khớp. Bệnh có thể gây tử vong vì các biến chứng viêm cầu thận cấp, phù phổi cấp, suy tim…

“Tuy nhiên, chỉ có tỷ lệ nhỏ các bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu (ở vùng họng hoặc da) bị biến chứng như viêm cầu thận cấp, viêm van tim hoặc viêm khớp. Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn cũng thường gặp ở trẻ em từ 5-15 tuổi” – bác sĩ Cấp cho biết.

 tai sao hoc sinh viem cau than o nghe an co the chet? hinh anh 2

Viêm họng do liên cầu khuẩn rất phổ biến nhưng chỉ có 20% bị biến chứng nếu không điều trị dứt điểm. 

Theo bác sĩ Cấp, rất khó phát hiện các biến chứng do liên cầu khuẩn từ sớm. Vì thế, nếu trẻ em viêm họng, viêm da vài ngày và xuất hiện các triệu chứng như đau khớp, khó thở, tiểu ít, phù mặt, mệt mỏi thì nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác. 

Bác sĩ Cấp, viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn cũng dễ điều trị nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh thường được phát hiện sau khi đã biến chứng nặng, do đó việc điều trị phức tạp và trong thời gian dài. Ngoài ra, các bệnh nhân bị tổn thương van tim cần phải dự phòng việc tái nhiễm liên cầu khuẩn. Vì nếu bị nhiễm khuẩn lần nữa, các biến chứng tổn thương có thể nặng hơn.

TS- bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, 80% trẻ em bị viêm họng, viêm da do liên cầu khuẩn đều không gây nguy hiểm cho trẻ. Chỉ có khoảng 20% ca bệnh còn lại có thể gây biến chứng viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim khi được điều trị không triệt để.  

“Các bậc phụ huynh tuyệt đối không chủ quan với các triệu chứng viêm họng của trẻ. Khi trẻ sốt, mệt mỏi, lưỡi bẩn, đau họng, đau đầu, đau bụng, có hạch vùng cổ… thì cần đưa trẻ đi khám và điều trị dứt điểm. Tuyệt đối không bỏ thuốc khiến bệnh có thể tiến triển nặng hơn và gây biến chứng” – TS Dũng khuyến cáo.

Theo bác sĩ Cấp, nếu phát hiện chùm ca bệnh bị viêm cầu thận do liên cầu khuẩn thì cần khám sàng lọc, phát hiện các ca bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn, điều trị dứt điểm để tránh bệnh lây lan.

Trước đó, theo thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Hạnh Dịch có 20 học (17 học sinh THCS và 3 học sinh tiểu học) mắc các triệu chứng phù, đái ít, nước tiểu sẫm màu, nghi bị viêm cầu thận. Trong đó có 2 học sinh đã tử vong do suy thận nặng là em Lô Văn H. (12 tuổi, học sinh lớp 7) và em Lô Văn T. (8 tuổi, em trai H.). Cả 2 em đều bệnh nặng, được gia đình xin xuất viện và sau đó tử vong tại nhà.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đang điều trị cho người bệnh tập trung cứu chữa các trường hợp đang nằm điều trị, trường hợp bệnh viện vượt quá khả năng của BV đề nghị chuyển tuyến hoặc yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Nghệ An báo cáo cụ thể về vụ việc trước ngày 28.2 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Tác giả bài viết: Diệu Linh

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây