Sống đẹp không cứ là làm cái gì đó to tát

Thứ bảy - 28/01/2017 09:24
Sống đẹp không cứ là làm cái gì đó to tát

 

PhapluatNews - “Sống đẹp không cứ là phải làm cái gì đó to tát. Nghĩ tốt về người khác, khen ngợi động viên người khác, vui mừng khi người khác thành công… đó đã là một sự tử tế rồi!”. Đây là một trong những quan niệm thú vị mà vợ chồng GS Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam chia sẻ với PV Báo GĐ&XH.

GS.Đặng Cảnh Khanh. ẢNh: TG
GS.Đặng Cảnh Khanh. ẢNh: TG

“Thương người như thể thương thân...”

Có lẽ ít nơi nào như ở Việt Nam lại có một truyền thống tốt đẹp về tinh thần yêu thương, tương trợ nhau một cách bền bỉ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những câu như: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”,“Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” … dường như đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thưa Giáo sư, vì sao người Việt lại đề cao sự đùm bọc, yêu thương nhau trong đời sống?

- Sự tôn trọng cuộc sống cộng đồng không phải chỉ có ở Việt Nam, nhưng việc coi lợi ích chung của cộng đồng lại như là một chuẩn mực đạo đức đầu tiên và cao nhất. Theo cách hiểu rằng, mọi thành viên của dân tộc đều được sinh ra “từ một bào thai duy nhất, có trăm trứng” thì hiếm dân tộc nào trên thế giới được như Việt Nam. Trên cơ sở của chế độ ruộng đất mang tính Nhà nước và cộng đồng làng xã, toàn bộ hoạt động, các thiết chế, việc điều hành và quản lý xã hội từ Trung ương tới làng xã, các chuẩn mực văn hóa, pháp lý và đạo đức đều được đặt trên nguyên tắc của tính cộng đồng.

Khi con người là một bộ phận của cộng đồng thì mọi nhận thức, tâm lý, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng cũng gắn liền với sự tồn vong của cộng đồng. Các chuẩn mực cao nhất về nhân cách của con người cũng chính là sự tuân thủ quyền lợi chung của cộng đồng. Nhân cách này có thể được biểu hiện trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi cá nhân cụ thể theo cách thức riêng, nhưng định hướng cơ bản nhất vẫn là “thương người như thể thương thân” .

Biết sống vì người khác

Biết sẻ chia, gắn kết với tập thể từ lâu đã là bản chất của người Việt Nam sao? Vì sao lại như vậy, thưa Giáo sư?

- Nếu đọc lại các biên niên sử của Việt Nam, chúng ta có thể thấy ngay, hầu như năm nào cũng lũ lụt, hạn hán, mất mùa, nào năm cũng khó khăn. Một cá nhân, một gia đình, một dòng họ, thậm chí một làng xã đông đảo cũng không đủ sức chống chọi với thiên nhiên được. Chỉ có gắn kết với nhau thành một cộng đồng lớn mới có thể sinh tồn được. Một nhóm người không thể đắp hàng nghìn kilômét đê điều để ngăn lũ lụt, mưa bão, như ta đã từng thấy. Chúng ta đều biết, hệ thống đê điều ở Việt Nam, có những đoạn đê như ở vùng Bắc Bộ được nhiều nhà nghiên cứu ví ngang với Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Điều kiện địa lý khắc nghiệt đã buộc người dân phải sống gắn mình với người xung quanh, với tập thể cộng đồng, do đó cũng hình thành nên tính cách con người sống trong cộng đồng đó.

Cũng vì tính cộng đồng là nền tảng của xã hội Việt Nam nên nhìn lại lịch sử chúng ta thấy, nước ta không tồn tại chế độ nô lệ như nhiều nước khác. Ngay cả chế độ phong kiến cũng khác. Các nước đều có những địa chủ, những lãnh chúa lớn, chiếm đất đai rộng mênh mông, nhưng ở Việt Nam thì không thể. Có là phú ông thì ruộng đất được làng chia cho cũng ít lắm. Vua ở ta cũng nghèo thôi. Đã có thời kỳ, có những ông vua như Trần Dụ Tông nghèo đến mức phải cho cung nữ trồng hành tỏi, đan quạt đem bán để có ngân sách mà chi dùng. Nhiều vị quan rất to mà đến khi “về hưu” cũng chỉ ở nhà tranh vách đất, gia đình tự cày tự cấy mà sống trên dăm ba thửa ruộng được làng xã chia cấp. Quan lớn như cụ Nguyễn Công Trứ, vốn là người khai phá ra đất Tiền Hải, Thái Bình nhưng khi về hưu toàn bộ gia sản thời làm quan cũng chỉ đủ xếp trên một chiếc xe bò con con. Hay như Trần Danh Án, cả nhà mấy đời tiến sĩ, đều làm quan to trong triều Lê, khi vua Quang Trung cho người đến mời ra giúp nước vẫn thấy ông khăn áo tơi tả đang cày ruộng.

Sống tử tế chính là sống đẹp

GS Đặng Cảnh Khanh với gia đình bốn thế hệ của mình.
GS Đặng Cảnh Khanh với gia đình bốn thế hệ của mình.

Sống tử tế là biểu hiện của một tâm hồn cao đẹp. Vậy theo Giáo sư, quan niệm về sự tử tế được hiểu như thế nào trong đời sống?

- Sống tử tế, hiểu rộng hơn chính là sống đẹp. Sống đẹp trong quan niệm của người Việt không chỉ mang ý nghĩa đẹp về mặt thẩm mĩ mà bao gồm cả nghĩa nhân văn, nhân đạo, tức là phải đủ cả chân, thiện và mỹ. Ai sống một cuộc đời nhân văn, nhân đạo thì đó là sống đẹp.

- Sống tử tế là biểu hiện của sự lương thiện, sự cao cả nhưng đôi khi lại chỉ thông qua những hành vi rất nhỏ nhặt, bình dị hàng ngày. Tôi đã từng nhìn thấy hành động nhỏ của một cô học sinh trên xe buýt mà ấn tượng mãi. Hôm đó, trên xe buýt có một người đàn ông cao tuổi. Ông lên xe ở một trạm trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Sau khi lục lọi chiếc cặp đeo bên hông, lại móc hết túi quần, túi áo, ông già vẫn không thấy tiền để trả xe buýt. Ông ngồi lặng đi với khuôn mặt đỏ bừng. Lúc này, một cô học sinh ngồi ở hàng ghế dưới len lén đút tờ 5.000 đồng vào túi quần của ông. Khi nhân viên đến thu tiền, theo phản xạ, ông lại đưa tay lục túi quần và thấy tờ 5.000 đồng. Ông mừng ra mặt, trả tiền xe và tưởng đó là tiền của mình. Còn cô gái thì mỉm cười không nói gì. Chắc lòng cô đang vô cùng vui sướng lắm.

Người tử tế khi giúp đỡ ai thường không cần tới sự ghi nhận, sự trả ơn. Những hành vi rất nhỏ như của cô gái trẻ không có ai để ý, nhưng chính vì vậy nó mới là thực tâm. Người ta làm việc tử tế với cái tâm trong sáng, độ lượng, thương người, thấy người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc rồi. Cũng vì vậy mà sống đẹp không cứ là phải làm cái gì đó to tát. Nghĩ tốt về người khác, khen ngợi động viên người khác, vui mừng khi người khác thành công… đó đã là một sự tử tế rồi.

Hành vi tử tế, dù nhỏ nhưng lại có sức mạnh lan tỏa

Không ít người có suy nghĩ rằng, người tốt thường khổ. Sống tử tế vì thế thường gánh lấy sự thiệt thòi về mình.Quan niệm của Giáo sư về vấn đề này?

- Nếu xét về mặt vật chất thì sống tử tế đôi lúc cũng phải chịu thiệt thòi, phiền toái, thậm chí cả sự oan ức… nhưng về mặt tinh thần thì không. Giúp người, không chỉ mang lại điều tốt đẹp cho người khác mà còn cho chính bản thân mình. Sống tử tế sẽ mang lại cho mình niềm vui, sự an nhiên, cái cảm giác ấm áp, thanh thản khi thấy mình sống có ý nghĩa, có giá trị. Cao hơn, hành vi tử tế sẽ làm cho trong xã hội, con người biết thương yêu nhau nhiều hơn, sống tốt hơn và làm vơi đi những nỗi lo toan, nhọc nhằn của chính cuộc đời. Nhiều con người tử tế sẽ làm nên một cộng đồng xã hội tử tế. Hành vi tử tế, dù nhỏ nhưng lại có sức mạnh lan tỏa, khiến xã hội có nhiều hơn những điều tốt đẹp. Chính vì thế, giá trị của việc sống tử tế là vô cùng to lớn, không gì có thể sánh được.

Nhưng sư thật đã từng có không ít người tốt bị đánh giá là "gã ngốc"," anh khờ", thưa Giáo sư?

- Sự tử tế là một giá trị sống trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta lại đang sống trong nền kinh tế thị trường mà ở đó thì lợi nhuận luôn được đề cao, mọi giá trị thường chỉ được đo bằng kết quả của sự lời, lãi... “Tiền trao cháo múc” là một quy chuẩn trong giao tiếp của kinh tế thị trường. Vì vậy, nếu trong một xã hội mà người ta chỉ biết lấy đặt lợi nhuận lên đầu thì người tử tế sẽ ít đi. Họ nhiều khi sẽ bị xem như là những “kẻ ngốc nghếch”. Bởi lẽ thường tình, làm việc tử tế thì sẽ mất thời gian, công sức, tiền bạc mà lại không phải là làm cho chính mình, đôi khi còn bị liên lụy.Ví dụ như, để cứu giúp người bị tai nạn giao thông trên đường, chở họ vào bệnh viện, trước hết anh sẽ phải bỏ dở công việc của mình, phải bỏ tiền ra để thuê xe, rồi đôi lúc lại còn phải ra làm chứng trước công an, tòa án… và thậm chí có người còn bị đánh vì bị hiểu lầm là kẻ gây ra tai nạn…

Văn hào Nga Dostoevsky đã từng miêu tả một mẫu người tử tế như vậy trong trong tác phẩm có tên là “Thằng ngốc”. Và dù có là “thằng ngốc” trong mắt của nhiều người thì trước sau gì họ vẫn là người tử tế, là người đáng trân trọng và xã hội vẫn cần đến họ, biết ơn họ.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!

GS.Lê Thị Quý. Ảnh: TL
GS.Lê Thị Quý. Ảnh: TL

Với câu hỏi: “Chúng ta sẽ phải làm gì để xã hội có nhiều điều tốt đẹp hơn?”, GS Lê Thị Quý, vợ của GS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ với PV Báo GĐ&XH: “Nếu xã hội thị trường lấy lợi nhuận làm thước đo giá trị thì chúng ta cần phải hiểu đúng nó cả về mặt đạo lý, thậm chí phải phê phán nó. Muốn nhân rộng sự tử tế thì xã hội phải coi trọng vấn đề đạo đức. Trong mọi trường hợp, lợi nhuận cũng phải là một sự “lợi nhuận tử tế”, phải tuân thủ những nguyên tắc của sự tử tế, thậm chí phải chịu đứng sau sự tử tế trong hệ giá trị sống. Một xã hội coi trọng đạo đức thì sự tử tế sẽ được nhân rộng. Còn xã hội coi trọng lợi nhuận lên đầu thì sự tử tế sẽ thiếu vắng. Từ đó dẫn đến sự vô cảm giữa người với người, giữa người với thiên nhiên và sự sống. Làm những việc tử tế là bản chất của con người Việt Nam truyền thống. Bởi vậy, sự tử tế không xa lạ với người Việt. Chúng ta cần khơi dậy truyền thống này trong xã hội. Việc tử tế dễ lan rộng, nó cũng giống như phong trào thanh niên tình nguyện vậy. Cần tiếp lửa cho nó thông qua luật pháp và đạo đức, thông qua việc xây dựng hệ giá trị nhân văn nhân đạo để nó lan tỏa rộng rãi hơn”.

Là người đã từng đề xuất đưa vào Luật Phòng chống bạo lực gia đình nội dung: Coi những gia đình hàng xóm, xã phường là những “địa chỉ tin cậy” như kiểu một nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực, GS Lê Thị Quý cho biết: “Theo tôi, “địa chỉ tin cậy” là một mô hình cộng đồng tham gia vào làm một việc tử tế là giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực gia đình. Nó không chỉ thành công trong công tác phòng chống bạo lực gia đình mà còn là một phương thức thông qua pháp luật mà đề cao lối sống nhân văn, nhân đạo, đề cao sự tử tế trong cộng đồng cư dân. Chính sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân, xóm giềng, họ tộc vào những hoạt động rất là “tử tế” của các “địa chỉ tin cậy” đã tạo nên những thành công ngoài mong đợi”.

 

Tác giả bài viết: Mạc Vi (Thực hiện)

Nguồn tin: Theo GĐ&XH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây